Thứ Hai, 13/01/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
(HNM) - TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức công bố kết quả quan trắc 9 chỉ số về môi trường (gồm chất lượng không khí và nước mặt) lên 48 bảng điện tử giao thông, giúp người dân nắm được thông tin, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
48 bảng điện tử thông tin giao thông tại TPHCM được cập nhật thông tin quan trắc môi trường. |
Các bảng điện tử giao thông trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5), Nguyễn Văn Trỗi (Tân Bình), Trường Chinh (Bình Tân), Lý Chính Thắng (quận 3),… đều thể hiện rõ các chỉ số môi trường về chất lượng không khí gồm: Khí NO2, khí CO, bụi, tiếng ồn, chỉ tiêu môi trường nước mặt gồm: pH (nồng độ ion H có trong nước), BOD5 (ôxy sinh hóa), COD (ôxy hóa học) và DO (ôxy hòa tan). Các thông số đạt quy chuẩn được thể hiện bằng màu xanh, còn vượt quy chuẩn là màu đỏ.
Còn tại các giao lộ: Vòng xoay Phú Lâm (quận 6), Điện Biên Phủ (quận 1), Hàng Xanh (Bình Thạnh), ngã 6 Gò Vấp, ngã tư An Sương (quận 12)…, đang bị ô nhiễm không khí, tiếng ồn. Điều đáng nói, tại các khu vực này đều vượt chỉ số môi trường cho phép trong 2 tháng liên tiếp vừa qua (tháng 2 và 3).
Theo thông tin từ Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn (Sở GTVT TP Hồ Chí Minh), hiện các bảng điện tử giao thông đều đăng tải từ 9 đến 10 tin (gồm tin về giao thông và môi trường), mỗi tin khoảng 30 giây, tùy vào giờ cao hay thấp điểm để phù hợp với tình hình thực tế.
Theo phản ánh của nhiều người dân, việc đưa thông tin về môi trường rất cần thiết để người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên các thông tin khi đưa lên bảng điện tử giao thông vẫn gây khó hiểu cho người dân như: Các chỉ số hay ký hiệu, không ghi rõ vượt bao nhiêu lần cho phép, không có các cảnh báo cụ thể; các chỉ số quan trắc môi trường trên bảng điện tử giao thông hiển thị muộn hơn một tháng so với thực tế. Cụ thể, hiện đã là đầu tháng 5 nhưng kết quả chỉ số trên mới chỉ được cập nhật trong tháng 3.
Về vấn đề này, ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh) cho hay, do việc quan trắc, lấy mẫu để đo các chỉ số môi trường hiện đang thực hiện rất thủ công nên kết quả cập nhật muộn so với thực tế. “Chúng tôi đã trình đề án xây dựng các trạm quan trắc tự động lên chính quyền thành phố, nhằm cập nhật nhanh chóng các chỉ số môi trường hằng ngày”, ông Sơn cho biết.
Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, khi phát hiện khu vực nào ô nhiễm sẽ khoanh vùng truy tìm nguyên nhân và nhanh chóng khắc phục. Đồng thời, Sở kêu gọi người dân khi biết được các chỉ số môi trường không đúng với thực tế hãy phản ánh về Sở để phối hợp xử lý.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, việc công bố kết quả quan trắc môi trường lên bảng điện tử giao thông nhằm cung cấp thông tin về chất lượng môi trường (gồm chất lượng môi trường không khí, nước sông và kênh rạch), góp phần đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức người dân, đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường.
Thông tin về chỉ số môi trường được thu thập và xử lý từ hệ thống quan trắc chất lượng môi trường gồm: 20 trạm quan trắc chất lượng không khí, 26 trạm quan trắc chất lượng nước mặt và 15 trạm quan trắc chất lượng nước kênh rạch. Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình UBND TP Hồ Chí Minh đề án quy hoạch hệ thống các trạm quan trắc giai đoạn từ nay đến năm 2020. Theo đó, thành phố sẽ lắp đặt 27 trạm quan trắc tự động và 227 trạm bán tự động để quan trắc các dữ liệu ô nhiễm nước mặt, nước ngầm và không khí. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.