Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động

Miên Hạo| 10/05/2017 06:59

(HNM) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến góp ý lần thứ hai đối với Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó có đề xuất nâng thời gian làm thêm lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ/năm so với quy định hiện hành).


Đề xuất trên nhận được sự hưởng ứng của số đông doanh nghiệp (DN). Đại diện nhiều DN khẳng định, đây là xu thế tất yếu để tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm cũng như lao động trong nước trên thị trường quốc tế. Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết: “Ở các nước phát triển như Nhật Bản, Trung Quốc…, khung giờ làm thêm ở mức 600-700 giờ/năm - gấp đôi so với Việt Nam. Điều này không chỉ ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của DN, thu nhập của người lao động (NLĐ) mà còn làm giảm năng lực cạnh tranh toàn cầu của DN Việt Nam”.

Sức khỏe và quyền lợi của người lao động là yếu tố quan trọng cần cân nhắc kỹ khi điều chỉnh khung giờ làm thêm. Ảnh: Nhật Nam



Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên cho hay: Quy định khung giờ làm thêm quá thấp đã "bó tay" DN, nhiều khi khiến DN không thể bảo đảm đơn hàng, bị xử phạt hoặc bị đối tác hủy hợp đồng. Điều này cũng ảnh hưởng tới số đông NLĐ có nhu cầu làm thêm để tăng thu nhập”.

Việc không "áp" giới hạn giờ làm thêm theo tháng, theo ngày cũng khiến nhiều DN thấy “dễ thở” hơn. Ông Chu Văn An, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Minh Phú nhận xét: Thực tế, Công ty Thủy sản Minh Phú không ít lần rơi vào tình cảnh khó khăn, nhất là lúc cao điểm, nguyên liệu về nhà máy ồ ạt, nếu không chế biến ngay thì sẽ hỏng, mà tăng ca thì vi phạm quy định”. Khẳng định sức khỏe của NLĐ đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển bền vững nên DN không thể ép NLĐ làm việc quá sức, ông Chu Văn An cho rằng, khung giờ làm thêm tối đa phù hợp với điều kiện sản xuất là 500 giờ/năm.

Đề xuất “nới” khung giờ làm thêm được nhiều DN nước ngoài có cơ sở sản xuất tại Việt Nam hưởng ứng. Nhiều DN cho rằng, những thay đổi này sẽ khiến đối tác của họ không còn "nhấp nhổm" chuyển hướng đầu tư sang thị trường khác, đồng nghĩa với việc hàng trăm nghìn NLĐ Việt Nam không phải đối diện với nguy cơ mất việc.

Còn đó những băn khoăn

Tuy nhiên, cũng có không ít băn khoăn trước đề xuất được nêu trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Theo Phó Trưởng ban Quan hệ lao động Lê Đình Quảng (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), tại nhiều quốc gia, số giờ làm thêm tuy cao nhưng số giờ làm chính của họ lại thấp hơn so với nước ta. Nếu mở rộng khung làm thêm thì tổng thời gian làm việc của NLĐ quá nhiều, gây ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí có thể dẫn đến tai nạn lao động.

Theo ý kiến của Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong, việc xác định số giờ làm thêm cần dựa trên yếu tố sức khỏe, thể lực của NLĐ. Theo khảo sát của Cục An toàn thực phẩm, hiện nay bữa ăn của công nhân tại các khu công nghiệp có giá trị dinh dưỡng thấp, cá biệt có bữa ăn trị giá chỉ từ 8 đến 10 nghìn đồng, sức khỏe của NLĐ sẽ bị ảnh hưởng đáng kể nếu phải tăng ca.

Kết quả khảo sát vừa được Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CID) công bố cho thấy, đa số NLĐ (64,7% số người được hỏi) mong muốn giữ nguyên quy định hiện hành vì họ cần dành thời gian chăm sóc gia đình, con cái cũng như nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động. Thậm chí, 50% số NLĐ cho rằng, việc tăng ca có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển cá nhân và gây xung đột gia đình. Trong khi đó, thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, tỷ lệ tai nạn lao động ở những NLĐ làm việc hơn 16 giờ/ngày tăng gấp 3 so với số NLĐ làm việc 9 giờ/ngày.

Nhiều NLĐ không muốn tăng ca. Chị Nguyễn Thị Lành, công nhân Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội) bày tỏ: “Tiền tăng ca chỉ đủ bù tiền thuê người trông con. Bởi thế, nếu được lựa chọn, tôi muốn dành thời gian cho gia đình”. Một công nhân dệt may ở Hà Nội (xin được giấu tên) kể: “Tôi chưa lập gia đình nhưng với đồng lương hiện tại, không làm thêm thì không đủ chi tiêu, mà làm thêm thì mệt mỏi. Đối với những công nhân đã kết hôn, đặc biệt là lao động nữ, giờ làm việc kéo dài còn khiến họ không có thời gian, sức lực chăm sóc gia đình”.

Ông Lê Đình Quảng khẳng định: Mấu chốt vấn đề là các DN, cơ quan quản lý cần có biện pháp để cải thiện tiền lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu của NLĐ. Bên cạnh đó, nếu có thay đổi về thời gian làm thêm thì nên tiến hành từ từ, tránh gây xáo trộn về tâm lý cho NLĐ. Cùng với việc bỏ giới hạn làm thêm giờ trong tháng, cần bổ sung thêm quy định về tiền lương tính theo phương pháp lũy tiến để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ. DN phải cân nhắc trước khi huy động làm thêm giờ. Khung làm thêm 400 giờ/năm cần đi kèm các tiêu chí đặc biệt, rõ ràng, tránh tình trạng xử ép NLĐ.

Nhiều chuyên gia về lĩnh vực lao động đề xuất áp dụng mức thuế cao đối với những DN áp dụng chế độ làm thêm; thiết lập chế tài đủ mạnh để xử lý những trường hợp vi phạm quy định về giờ làm thêm… Trên hết, việc điều chỉnh khung giờ làm thêm cần tính đến yếu tố sức khỏe, thể chất của NLĐ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cả NLĐ và chủ sử dụng lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.