Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần liên thông từ chính quyền đến người dân

Nguyễn Lê| 02/06/2017 06:45

(HNM) - Thời gian qua, việc xây dựng chính quyền điện tử TP Hồ Chí Minh được khởi động đã đem lại sinh khí mới trong công tác phục vụ người dân...


Nhiều nơi triển khai còn chậm

Mới đây, tại cuộc họp báo thường kỳ thông tin về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội TP Hồ Chí Minh tháng 5 và 5 tháng đầu năm, Văn phòng UBND thành phố đã phát thư mời họp dưới dạng điện tử qua email tới đối tượng mời họp. Thông tin mời họp cũng được gửi vào số điện thoại di động cá nhân. Theo đó, người đến dự họp có thể không cần đem theo thư mời (có mã vạch) bằng giấy mà chỉ cần thư mời trên thiết bị di động thông minh. Việc đăng ký thông tin người dự họp cũng được gửi vào một hộp thư điện tử do Văn phòng UBND thành phố quản lý. Trước đó, TP Hồ Chí Minh cũng áp dụng gửi thư mời họp điện tử thay thư mời giấy tới các cơ quan nhà nước trên địa bàn. Việc này đã tiết kiệm gần 100 triệu đồng/tháng cho ngân sách thành phố.

Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu từ ngày 1-6-2017 phải ứng dụng chữ ký điện tử trong việc phát hành văn bản điện tử, đồng thời sử dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản để gửi các loại văn bản (trừ văn bản mật). Đây là một trong những nội dung trọng tâm của công tác xây dựng chính quyền điện tử, lấy người dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ. Tuy nhiên, đến nay ghi nhận cho thấy nhiều cơ quan, đơn vị vẫn còn chậm vận hành guồng máy chính quyền điện tử, nhất là tại các địa phương ở cấp quận, huyện và phường, xã, thị trấn. Cụ thể, việc liên thông điện tử hiện chưa tới cấp phường, xã. Nhiều nơi ở cấp hành chính này dù có đông người dân đến làm thủ tục chứng thực, sao y giấy tờ nhưng hiện chưa ứng dụng phần mềm nào trong công tác quản lý và bản thân người sử dụng dịch vụ công trực tuyến cũng có hạn chế.

Lý giải về thực tế trên, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, đặc thù của công tác xây dựng chính quyền điện tử là phải bắt đầu từ trên xuống, không thể từ dưới lên. Do vậy, việc cấp địa phương “đi sau” cấp thành phố là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Hoan, thành phố đang hoàn chỉnh đề án chi tiết về việc triển khai chính quyền điện tử đồng bộ, liên thông từ cấp thành phố xuống các địa phương.

Phải có “công dân điện tử”...

Ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh cho biết, để thực hiện hiệu quả cải cách hành chính theo chỉ đạo của UBND thành phố, nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên phải thực hiện là xây dựng chính quyền điện tử các cấp. Trên cơ sở đó đẩy mạnh triển khai ứng dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản, điều hành và tác nghiệp; tăng cường sử dụng các văn bản điện tử tại chính quyền các cấp để hoàn thiện hệ thống ứng dụng văn phòng điện tử. Còn theo ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, việc xây dựng cơ sở dữ liệu số thay thế cho cơ sở dữ liệu truyền thống không còn là câu chuyện chuyên môn mà là yêu cầu bắt buộc của mỗi cơ quan, đơn vị để giảm thiểu thời gian, chi phí, tối ưu hóa quy trình hoạt động, gia tăng năng lực cạnh tranh.

Là đơn vị đi đầu về triển khai chính quyền điện tử ở cấp quận, bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Chủ tịch UBND quận 1 cho biết, thời gian tới quận sẽ xây dựng các phần mềm hỗ trợ người dân sử dụng điện thoại thông minh theo dõi quá trình giải quyết hồ sơ dịch vụ hành chính công, đồng thời xây dựng và nâng cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến từ cấp độ 3 lên cấp độ 4. Trong đó, xây dựng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đối với thủ tục cấp phép xây dựng qua mạng, quản lý xử phạt vi phạm hành chính và quản lý cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thực tế cho thấy, TP Hồ Chí Minh vẫn gặp khó khăn trong việc triển khai một cửa liên thông vào đời sống. Đa số người dân vẫn chưa rõ những thủ tục hành chính nào thuộc cấp nào giải quyết và việc luân chuyển giải quyết hồ sơ còn vòng vèo, kéo dài, dễ xảy ra thất lạc. Về vấn đề này, ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Thường trực Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh cho biết, sắp tới thành phố sẽ xây dựng hệ thống liên thông điện tử từ cơ sở đến thành phố và người dân chỉ cần đến phường, xã, thị trấn đặt yêu cầu, thủ tục hành chính sẽ liên thông chuyển lên cấp quận, huyện, sở, ngành để giải quyết. Tuy vậy, vấn đề đặt ra cho TP Hồ Chí Minh là dù các cấp có ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, giải quyết hồ sơ nhưng hiện vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân giữ thói quen trực tiếp lên cơ quan nhà nước xử lý hồ sơ. Ông Lê Hoài Trung nhìn nhận, muốn xây dựng thành công chính quyền điện tử, trước hết TP Hồ Chí Minh phải có “công dân điện tử”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần liên thông từ chính quyền đến người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.