Theo dõi Báo Hànộimới trên

Pháp luật chỉ có thể khoan hồng khi thu thập đầy đủ chứng cứ mang giá trị pháp lý

Trí Dũng| 14/06/2017 22:14

(HNMO) - Bên lề kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV ngày 14-6, việc Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan đến vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra ngày 15-4-2017 tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ ý kiến của các đại biểu QH.

Chia sẻ băn khoăn của nhân dân xã Đồng Tâm, nhiều đại biểu Quốc hội đều cho rằng, việc khởi tố vụ án là cần thiết. Tuy nhiên, bà con xã Đồng Tâm cần bình tĩnh hợp tác với cơ quan điều tra để làm sáng tỏ vụ việc.

Đại biểu Dương Trung Quốc, người chứng kiến buổi đối thoại ngày 22-4-2017 giữa Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung với nhân dân Đồng Tâm phân tích: “Tôi nhớ câu đầu tiên trong tâm thư của bà con Đồng Tâm là nhận lỗi, nhận lỗi những gì đã làm sai và mong muốn là không truy cứu hình sự. Cho nên khởi tố điều tra là cần thiết, để điều tra xem mức độ thế nào trên cả tổng thể sự việc của nhiều yếu tố khác nhau, của phía người dân, của phía cơ quan công quyền”.

Ý kiến của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế đã xảy ra ở Đồng Tâm giữa tháng 4-2017. Ngay khi mở đầu buổi đối thoại của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung với người dân Đồng Tâm ngày 22-4-2017, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm Nguyễn Thị Lan đã đọc lá đơn trình bày nguyện vọng của nhân dân trong xã gồm 7 nội dung, trong đó điểm đầu tiên nói rõ: “Sau khi tự kiểm điểm, người dân Đồng Tâm tự nhận thấy do không hiểu biết về pháp luật nên đã có những sai sót, vi phạm pháp luật. Vì vậy, nhân dân mong muốn Chủ tịch UBND thành phố giang tay cứu vớt, tha thứ, khoan hồng, không truy cứu trách nhiệm hình sự”. Một số ý kiến phát biểu thêm của người dân thôn Hoành tại buổi gặp gỡ hôm đó cũng thừa nhận hành vi sai phạm này.

Phân tích về quyết định khởi tố của cơ quan điều tra, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội (nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp) cho rằng: “Chính việc khởi tố vụ án là nền tảng bảo đảm mọi đúng sai đều phải được làm rõ bằng pháp luật. Bởi nếu không khởi tố điều tra vụ án thì chúng ta không thể làm rõ hành vi đúng, sai của cá nhân; không thể đánh giá đúng và thỏa đáng bản chất của vụ việc để từ đó đi đến kết luận: Vụ án có cần khởi tố bị can hay không, có cần xử lý cá nhân nào không, nếu có thì cần xem xét đến những yếu tố khách quan, chủ quan nào dẫn đến vụ việc để tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Nếu sai đến đâu thì xử lý đến đó. Khởi tố cũng có thể là đi đến đích miễn trách nhiệm hình sự, có thể miễn hình phạt, có thể xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo hay xử phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ. Vấn đề quan trọng nhất là hình phạt phải tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội”.

Như vậy đã rõ: Chỉ có khởi tố vụ án và tiến hành các bước tố tụng theo đúng quy định của pháp luật thì mới có cơ sở để làm rõ đúng - sai, cũng như làm rõ các căn cứ pháp lý để “sai đến đâu, xử lý đến đó” và “tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự” đối với các hành vi vi phạm pháp luật.

Ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng là quan điểm xuyên suốt của pháp luật Việt Nam và của Thành phố Hà Nội. Sáng 22-4-2017, sau khi lắng nghe các ý kiến của người dân xã Đồng Tâm, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã bày tỏ: “Những bức xúc, những việc làm của bà con trong phát biểu ý kiến, trong đơn kiến nghị đã nêu rõ việc bà con thời gian qua bắt giữ số cán bộ, chiến sĩ khi thi hành công vụ là sai, nay xin nhận sửa, thấy sai và xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự - tôi ghi nhận việc này”. Đồng chí cũng nói rõ: “Đất nước ta có truyền thống từ trước đến nay là “đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại”. Luật pháp cũng nói rõ: Đối với người có hành vi vi phạm pháp luật mà nhận thức rõ hành vi của mình, khai nhận thành khẩn rồi lại khắc phục hậu quả, tích cực hợp tác làm rõ, thì trên cơ sở đó tôi tin là bà con sẽ được giảm nhẹ”. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP cũng lưu ý, để có cơ sở cho các cơ quan giải quyết, người dân Đồng Tâm “cần có cái đơn gửi về Bí thư Đảng ủy xã tiếp nhận để chuyển về thành phố”.

Quyết định khởi tố vụ án của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội đối với vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm theo 2 tội danh: “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” (theo điều 123 Bộ luật Hình sự) và “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” (theo điều 143 Bộ luật Hình sự) là việc làm cần thiết, hoàn toàn tuân thủ đúng các quy định của pháp luật hiện hành và phù hợp với thực tế sự việc đã xảy ra. Không khởi tố nghĩa là cơ quan bảo vệ pháp luật không làm tròn nhiệm vụ bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Không khởi tố còn đồng nghĩa tạo tiền lệ xấu, gây mất công bằng trong thực thi pháp luật.

Cần phải khẳng định, việc khởi tố điều tra vụ án là một hoạt động tố tụng hết sức bình thường của cơ quan điều tra. Đây chỉ là tiền đề bước đầu để trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng làm rõ từng vi phạm, xác định tính chủ quan, khách quan dẫn tới vụ việc để có các biện pháp tố tụng hình sự phù hợp…, chứ chưa phải là kết tội. Trong quá trình tố tụng phải cá thể hóa trách nhiệm hình sự của từng cá nhân để bảo đảm tính khách quan, công bằng trước pháp luật. Vì thế, hoàn toàn không có chuyện khởi tố vụ án là đã “áp” cho ai đó là có tội. Pháp luật cũng như quan điểm trong tố tụng, giải quyết sự việc luôn có “độ mở” về chính sách khoan hồng, độ lượng với những người biết nhận rõ lỗi lầm để thành khẩn sửa chữa. Để có thể có căn cứ xem xét mức độ khoan hồng với những hành vi vi phạm pháp luật, thì nguyên tắc hàng đầu là phải có những chứng cứ pháp lý cần thiết. Mà những chứng cứ này chỉ có thể có được thông qua xem xét sự việc khách quan, sâu sắc, toàn diện, đa chiều; có tính toán đến hoàn cảnh thực tế, nguyên nhân sâu xa… Đó chính là công việc mà rồi đây Cơ quan điều tra sẽ từng bước làm rõ theo nguyên tắc “suy đoán vô tội”. Chính sự hợp tác của nhân dân xã Đồng Tâm với cơ quan chức năng trong những ngày tới sẽ là yếu tố quan trọng có tính quyết định để sự việc được giải quyết thấu lý, đạt tình. 


Người dân xã Đồng Tâm luôn mong muốn có một cuộc sống bình yên, hăng say sản xuất làm giàu, xây đắp tương lai ấm no, hạnh phúc. Đảng, Nhà nước, Thành phố và các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng không có mục tiêu phục vụ nhân dân nào khác ngoài việc làm sao để những ước mong đó trở thành hiện thực, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Pháp luật chỉ có thể khoan hồng khi thu thập đầy đủ chứng cứ mang giá trị pháp lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.