Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những giọt nước làm nên biển cả

Mai Hoa| 23/07/2017 07:56

(HNM) - Gần 600 nhà báo đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường trong các cuộc kháng chiến giữ nước của nhân dân ta...

Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam tặng quà tri ân nhà báo - thương binh, thân nhân nhà báo - liệt sĩ.


Sự hy sinh thầm lặng

Nhà báo Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch Liên chi hội Báo Quân đội nhân dân không giấu nổi niềm xúc động, tự hào khi kể về các thế hệ nhà báo - chiến sĩ của Báo Quân đội nhân dân: Khi lên đường tác nghiệp trong chiến tranh, các nhà báo quân đội đều ghi sẵn thông tin vào một tờ giấy nhỏ để trong túi áo ngực: "Nếu tôi chết, hãy gửi ba lô máy ảnh và toàn bộ dữ liệu của tôi về trụ sở cơ quan ở số 7 Phan Đình Phùng - Hà Nội". Qua hai cuộc kháng chiến, Báo Quân đội nhân dân vinh danh 9 nhà báo - liệt sĩ, 2 Anh hùng lực lượng vũ trang, hàng chục thương binh và rất nhiều nhà báo chiến sĩ. Nhà báo Hồng Hải chia sẻ: "Chúng tôi gọi các nhà báo đã trải qua kháng chiến là những thương binh không có thẻ, bởi họ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình vì đất nước, vì nền Báo chí Cách mạng Việt Nam".

Hơn 20 năm theo đuổi viết về đề tài gương các nhà báo liệt sĩ hy sinh trên các chiến trường, nhà báo Văn Hiền, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An xúc động: Trò chuyện với các nhân chứng, đồng đội, đồng nghiệp của mình, sẽ thấy các nhà báo không chỉ lo tác nghiệp mà còn chiến đấu rất dũng cảm. Ví như nhà báo - liệt sĩ Lê Văn Luyện ở khu 5 đã nhường hầm trú ẩn cho đồng đội, chiến đấu dũng cảm trước khi hy sinh vì pháo địch. Riêng khu 5 có đến 147 nhà báo hy sinh! Còn ở chiến trường Thừa Thiên - Huế, con số nhà báo - liệt sĩ là 36. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy cả nước có gần 600 nhà báo - liệt sĩ, trong đó có đến 66 nhà báo nữ, như nữ liệt sĩ Lê Đoan, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Cứu quốc Nam Bộ, Thư ký Tòa soạn Báo Phụ nữ Việt Nam, các nữ liệt sĩ Lê Thị Xuân, Phạm Thị Ngọc Huệ (phóng viên Báo Trường Sơn)... Nhiều nhà báo - liệt sĩ nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt.

Viết về các nhà báo liệt sĩ, một nhà báo cao tuổi từng chia sẻ: Như bao người lính vô danh, nhiều thế hệ nhà báo đã tự nguyện chấp nhận sự hy sinh thầm lặng. Phía sau mỗi dòng tin, mỗi bài báo, mỗi thước phim, tấm ảnh gửi về từ chiến trường là những năm tháng gian khổ, là bao tổn thất riêng tư, là máu đã đổ. Nhà báo không ký tên vào lịch sử. Họ chỉ để lại dấu ấn trong lịch sử chiến công và tên tuổi của người khác. Như những giọt nước nhỏ nhoi, họ đã hy sinh quên mình, góp sức vào biển lớn, góp phần làm nên chiến thắng, bảo vệ nền tự do, độc lập của Tổ quốc!

Tri ân bằng việc làm thiết thực

Đóng góp của các nhà báo - liệt sĩ, thương binh, chiến sĩ qua các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc không nhỏ, nhưng công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân của người trong nghề vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn hàng đầu là công tác tìm kiếm, quy tập mộ phần của các nhà báo - liệt sĩ. Phó Trưởng ban Tổ chức cán bộ, Thông tấn xã Việt Nam Ngô Thị Kim Oanh cho biết: Thông tấn xã Việt Nam có 263 nhà báo - liệt sĩ, nhưng số hài cốt liệt sĩ được quy tập còn rất nhỏ, cho dù đơn vị đã phối hợp với các đội quy tập mộ liệt sĩ các tỉnh, thành phố, cung cấp thông tin, sơ đồ mộ chí của các nhà báo - liệt sĩ. Đây là khó khăn khách quan, đòi hỏi Hội Nhà báo Việt Nam cần có chủ trương thu thập thông tin về tìm kiếm, quy tập mộ nhà báo - liệt sĩ bằng các kênh của mình, hay qua các hội viên, chi hội nhà báo các tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, hoàn cảnh của nhiều nhà báo - thương binh, thân nhân nhà báo - liệt sĩ còn rất khó khăn, nhưng các cấp Hội Nhà báo còn thiếu sự kết nối thông tin để kịp thời hỗ trợ. Nhà báo Hà Thị Hồng Dương, Ủy viên Ban chấp hành, Trưởng ban Công tác Hội (Hội Nhà báo Việt Nam) bày tỏ: "Chỉ trong một thời gian ngắn phát động các hoạt động tri ân nhà báo - liệt sĩ, Hội Nhà báo Việt Nam đã huy động được 270 triệu đồng cùng nhiều phần quà giá trị để trao tặng các nhà báo thương binh, thân nhân nhà báo - liệt sĩ.

Nhưng rất ít Hội Nhà báo địa phương biết về các nhà báo liệt sĩ - thương binh trên địa bàn có hoàn cảnh khó khăn. Ngay ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ..., khi chúng tôi liên hệ trao quà, Hội Nhà báo địa phương rất bất ngờ vì không nghĩ trên địa bàn mình có thân nhân nhà báo - liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn đến vậy!". Rõ ràng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tấm gương nhà báo - liệt sĩ, nhà báo - thương binh và cuộc sống của thân nhân họ để xã hội cùng chung tay hỗ trợ, thể hiện trách nhiệm và tình cảm qua việc đền ơn đáp nghĩa thường xuyên.

Ghi nhận các đề xuất, giải pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi khẳng định: Trong thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ đưa các hoạt động liên quan đến việc thực hiện chính sách người có công, gia đình thương binh, liệt sĩ vào Chương trình công tác hằng năm của Hội. Cùng với đó, Hội sẽ tiếp tục động viên 63 hội nhà báo các tỉnh, thành, gần 200 liên chi hội và chi hội trực thuộc, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam trong cả nước cùng sưu tầm hồ sơ, tìm kiếm nhân chứng để có danh sách đầy đủ về các nhà báo - liệt sĩ và nhà báo - thương binh, thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa; đồng thời, tiến hành thu thập thông tin, tìm kiếm nhân chứng, tư liệu để tìm mộ liệt sĩ. Hội Nhà báo Việt Nam cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất xây dựng Quỹ hỗ trợ các nhà báo - thương binh, thân nhân nhà báo - liệt sĩ...

Với sự chung tay của tất cả, chắc chắn công tác tri ân nhà báo - liệt sĩ, nhà báo - thương binh sẽ có nhiều bước chuyển tích cực trong thời gian tới, như kỳ vọng của nhà báo Hà Thị Hồng Dương: "Nhiều giọt nước làm nên biển cả. Nhiều đốm lửa nhen lên thành ngọn lửa - ngọn lửa của sự tri ân, của lòng biết ơn mãi cháy trong tim thế hệ làm báo hôm nay".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những giọt nước làm nên biển cả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.