Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hóa giải tình trạng mưa là ngập

Nguyễn Lê| 24/07/2017 07:05

(HNM) - Cứ mưa, thủy triều lên là ngập. Vấn đề bất hợp lý ở chỗ, kinh phí vẫn chi cho chống ngập, nhưng kết quả lại không tương xứng. Để hóa giải thực trạng này, theo các chuyên gia, điều kiện cần và đủ là vốn và con người.



Tình hình diễn biến phức tạp

Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của bão số 2, mưa xuất hiện với tần suất dày đặc khiến nhiều khu vực ở TP Hồ Chí Minh bị ngập. Nếu như trước đây, các quận, huyện vùng ven như quận Thủ Đức, quận 2, huyện Nhà Bè, quận 8... chủ yếu ngập do triều cường thì nay có dấu hiệu ngập nặng do mưa. Tình hình ngập lụt cũng có dấu hiệu diễn biến phức tạp hơn tại các quận trung tâm như Bình Thạnh, Phú Nhuận, quận 1, quận 5, quận 10, Tân Bình... Điển hình là từ đầu tháng 7 đến nay, tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, "ranh giới" giữa quận 1 và quận 5 liên tục xảy ra ngập sau mưa, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân.

Tại quận Bình Thạnh, đoạn gần Bến xe Miền Đông, ngập lụt khiến tình hình giao thông ở khu vực trở nên phức tạp. Đường Phạm Văn Đồng, con đường được xem là đẹp và hiện đại bậc nhất khu vực nội đô cũng xảy ra tình trạng ngập nặng. Đáng nói, nhiều đoạn bị ngập cả hai chiều. Tại đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) - một trong những trục đường chính nối cửa ngõ phía Đông vào quận 1 - vẫn là "rốn ngập" khu trung tâm TP Hồ Chí Minh. Do hạ tầng đô thị quanh tuyến đường phát triển rất mạnh trong thời gian gần đây, trong khi hạ tầng kỹ thuật không theo kịp khiến việc chống ngập bằng hệ thống thoát nước không hiệu quả, thành phố buộc phải áp dụng biện pháp chống ngập cấp bách, tạm thời.

Cần cả vốn và con người

Đại diện chủ đầu tư công trình máy bơm ly tâm chống ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh cho biết, sẽ hoàn thành, vận hành hệ thống vào đầu tháng 8. Đây là tín hiệu vui hiếm hoi trong bối cảnh công tác chống ngập khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh thời gian qua chưa phát huy nhiều tác dụng. Tuy vậy, theo các chuyên gia, việc bơm nước chống ngập bằng hệ thống bơm ly tâm cũng chỉ là giải pháp tình thế. Đó là chưa kể do chưa vận hành chính thức nên chưa thể kiểm chứng hiệu quả thực tế.

Đáng lo ngại là trong tháng 6, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thông báo ngưng tài trợ 400 triệu USD vốn ODA cho dự án Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Đây là dự án được kỳ vọng sẽ giải quyết ngập lụt tại địa bàn 8 quận, khu vực phía Bắc TP Hồ Chí Minh, trong đó có tác dụng chống ngập cho cả Sân bay Tân Sơn Nhất. Ông Trần Đăng Nghĩa, Phó ban Quản lý dự án xây dựng công trình (Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh) cho biết, việc ngưng tài trợ vốn trên ảnh hưởng đến dự án cải tạo kênh Hy Vọng, vốn là dự án khả thi nhất để chống ngập cho Sân bay Tân Sơn Nhất.

Ông Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, trong khi các công trình nhà ở phát triển ồ ạt thì bài toán chống ngập lại chưa được quan tâm đúng mức, nhìn nhận, phân tích một cách thấu đáo.

Muốn chống ngập một cách căn cơ cần phải có hai điều kiện tiên quyết là vốn và con người. Ông Hồ Long Phi cho rằng, đối với công tác chống ngập tại TP Hồ Chí Minh, đòi hỏi nguồn vốn lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Còn đối với con người, cả người dân, nhà đầu tư và chính quyền thành phố cùng chung tay chống ngập. "Nhà đầu tư không thể đẩy trách nhiệm chống ngập cho chính quyền. Còn người dân phải ý thức bảo vệ môi trường thì công tác chống ngập mới mong có chuyển biến thật sự", ông Hồ Long Phi nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hóa giải tình trạng mưa là ngập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.