Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều bất cập trong ứng phó thiên tai ở miền núi

Kim Văn| 24/07/2017 07:09

(HNM) - Lũ quét, sạt lở đất thời gian qua đã gây thiệt hại nặng về người và tài sản ở khu vực miền núi phía Bắc. Điều đó không chỉ cho thấy tính chất cực đoan của thời tiết mà còn bộc lộ những bất cập trong ứng phó với thiên tai của người dân và chính quyền cơ sở.


Từ giữa tháng 6 đến nay, khu vực miền núi phía Bắc xảy ra 5 đợt mưa lớn, tổng lượng mưa phổ biến từ 250mm đến 350mm. Riêng tại các tỉnh: Hà Giang, Lai Châu, Tuyên Quang, Yên Bái, Điện Biên, Thái Nguyên... lượng mưa từ 300mm đến 500mm. Mưa, lũ đã gây ngập lụt cục bộ và sạt lở đất tại 12 tỉnh miền núi phía Bắc, làm 19 người chết, mất tích; thiệt hại vật chất hàng chục tỷ đồng...

Tại hội nghị phòng, chống thiên tai các tỉnh miền núi phía Bắc diễn ra đầu tháng 6 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân khiến khu vực này chịu thiệt hại lớn về người là do công tác dự báo và cảnh báo mưa lũ chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Việc di dời nhân dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ quét còn gặp khó khăn, thiếu quỹ đất đáp ứng nhu cầu di dời dân cư... Ngoài ra, do tập quán và điều kiện sinh sống tại nơi ở mới không phù hợp nên nhiều hộ dân không chịu di chuyển…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Hữu Thể, công tác dự báo, cảnh báo cần sớm được cải thiện để người dân hiểu rõ nguy cơ và hậu quả của lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; các nhà khoa học nghiên cứu những tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, làm cơ sở cảnh báo cho địa phương trong bố trí di dời dân cư. Với địa hình miền núi có độ dốc lớn, phải nghiên cứu mạng lưới các thủy điện; xây dựng các hồ, đập phù hợp với đặc thù địa hình vùng cao…

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cho rằng phần lớn dân cư miền núi là dân tộc ít người, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, sống chủ yếu dựa vào làm nương rẫy, du canh, du cư, vì vậy, việc tiếp cận thông tin về thiên tai, mưa lũ gặp nhiều khó khăn… Vì vậy, chính quyền, đoàn thể địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực tự phòng tránh thiên tai cho người dân. Khi xảy ra mưa lũ, việc bố trí lực lượng hoặc có rào chắn nghiêm cấm nhân dân đi qua các ngầm tràn; khuyến cáo người dân hạn chế các hoạt động ở sông, suối để tránh lũ cuốn... là vô cùng cần thiết.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh, các cấp, các ngành, địa phương chú trọng nâng cao công tác truyền tin cảnh báo thiên tai, mưa lũ, trong đó có trang bị, xây dựng và phục hồi hệ thống truyền thanh cơ sở, loa cầm tay... bảo đảm kịp thời thông tin tình hình mưa lũ đến người dân. Tại những vùng có nguy cơ cao, tăng cường nguồn lực để di dời dân, bố trí lại dân cư...

Các cơ quan chức năng nâng cao năng lực dự báo, thu hẹp vùng dự báo để người dân chủ động phòng tránh; đẩy mạnh xây dựng cộng đồng an toàn gắn với thực hiện tiêu chí bảo đảm điều kiện phòng, chống thiên tai, trong đó chú trọng phương châm “4 tại chỗ”; quan tâm xây dựng, củng cố lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã nhằm từng bước nâng cao năng lực dân sự trong ứng phó thiên tai tại cơ sở. Các địa phương phải thực hiện tốt đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Một yếu tố quan trọng nữa trong chiến lược phòng, chống, ứng phó thiên tai là rất cần cộng đồng trách nhiệm của các cấp chính quyền, các ngành chức năng và nhân dân trong việc nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là rừng, bởi đây chính là "lá chắn" thiên tai rất hiệu quả và bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều bất cập trong ứng phó thiên tai ở miền núi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.