Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lãng phí lao động “xuất ngoại” trở về

Kim Vũ| 21/09/2017 07:18

(HNM) - Dù đã có rất nhiều phiên giao dịch việc làm, hàng chục nghìn vị trí mỗi năm để

Phỏng vấn người lao động trở về từ Hàn Quốc.


Cung - cầu vênh nhau

Cứ 3 tháng, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội lại tổ chức phiên giao dịch chuyên đề dành riêng cho lao động trở về từ Hàn Quốc. Mỗi phiên có 50 - 60 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng trực tiếp. Số lao động tham gia tuyển dụng rất đông, tuy nhiên, kết quả lại rất hạn chế. Chị Nguyễn Thị Việt Hà (huyện Chương Mỹ) trở về từ Hàn Quốc năm 2012, nhưng đến nay đã 5 lần thay đổi công việc, trong đó việc làm phiên dịch tiếng Hàn cho hai công ty Hàn Quốc tại Hà Nội là "trụ" được lâu nhất.

"Làm phiên dịch khiến tôi duy trì tiếng tốt hơn, để có cơ hội tiếp tục trở lại Hàn Quốc làm việc. Hiện tại, mức lương doanh nghiệp Hàn Quốc trả cho tôi là 12 triệu đồng/tháng. Tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội khác để có lương cao, đúng nguyện vọng" - chị Việt Hà chia sẻ.

Anh Đồng Văn Dũng (Hà Nội), làm thợ cơ khí ở Nhật Bản với mức lương gần 30 triệu đồng/tháng. Anh về nước năm 2015 nhưng sau một năm vẫn không tìm được việc làm phù hợp vì các công ty trả lương thấp, công việc lại vất vả. Nhiều lần tìm việc không thành, anh Dũng quyết định mở cửa hàng kinh doanh nhỏ để ổn định cuộc sống.

Nhu cầu người lao động là vậy, nhưng doanh nghiệp cũng lắm tâm tư. Đại diện một công ty FDI ở Hà Nội cho biết: Để tìm được một lao động đáp ứng nhu cầu của công ty rất khó. Người lao động thường không chấp nhận mức lương được trả, nhưng nếu trả lương cao thì doanh nghiệp không đủ sức. Ông Đỗ Đình Lâu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Transon Việt Nam đánh giá rất cao ý thức, tay nghề của người lao động đã từng làm việc ở Hàn Quốc. Công ty luôn có nhu cầu tuyển dụng 1.000 công nhân có tay nghề với mức lương lên tới 500 USD/người. Tuy nhiên, công ty vẫn chưa tìm được nhiều ứng viên như mong đợi.

Thiếu cơ chế


Ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thẳng thắn: Việc tái hòa nhập việc làm đối với lao động trở về nước vô cùng khó khăn. Đây cũng là lý do khiến lao động Việt Nam cố tình cư trú bất hợp pháp tại các nước. Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cũng cho biết, rất ít lao động trở về nước phát huy được các kỹ năng, kiến thức làm việc ở nước ngoài để tiếp tục phát triển nghề nghiệp. Phần đông lao động khi về nước vẫn làm những công việc giản đơn như trước khi họ đi...

Bà Trần Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin (Cục Quản lý lao động ngoài nước) khẳng định, vấn đề hậu xuất khẩu lao động còn nhiều bất cập. Cụ thể, nội dung Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài còn đơn giản, mới tập trung vào vấn đề việc làm và dừng ở mức “khuyến khích”, chưa có cơ chế cụ thể. Chưa quy định về hỗ trợ người lao động trong vấn đề hòa nhập xã hội, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tổng hợp và đánh giá nguồn lực lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về.

Việt Nam cũng chưa có chính sách cụ thể để hình thành nguồn lực thực hiện đào tạo lại cũng như bồi dưỡng kiến thức khởi sự doanh nghiệp cho lao động trở về có khả năng và yêu cầu để phát huy hiệu quả kép của hoạt động người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, một số địa phương chỉ quan tâm đến việc đưa người đi làm việc ở nước ngoài mà thiếu hướng dẫn cách quản lý, sử dụng số vốn tích lũy trong quá trình lao động ở nước ngoài.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, Cục đã đề xuất nhiều biện pháp giải quyết hậu xuất khẩu lao động. Trong đó, kiến nghị thời gian tới sẽ kết hợp với các doanh nghiệp, cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp theo dõi cụ thể đối với từng lao động khi về nước, nhằm giúp họ có việc làm phù hợp, tận dụng được kiến thức, kinh nghiệm; cũng như tư vấn để họ và gia đình sử dụng hiệu quả nguồn vốn tích lũy được. Đồng thời, đề nghị cơ quan quản lý về lao động (Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố) nắm chắc nguồn lực này, phân tách theo địa bàn, ngành nghề, trình độ để có kế hoạch, giải pháp sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn lực đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lãng phí lao động “xuất ngoại” trở về

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.