Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để tính mạng người dân “treo” cùng vi phạm

Quốc Bình| 26/09/2017 07:08

(HNM) -

Mặt ngoài ngôi nhà xảy ra vụ cháy rạng sáng 25-9, tại thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Đức Trí


Cháy nổ vẫn tăng

Thay mặt Ban Cán sự đảng UBND thành phố trình bày báo cáo về “Tình hình, kết quả công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố trong tình hình mới”, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố khẳng định, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, văn bản chỉ đạo; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện công tác này. Thành phố đã công khai danh sách 79 công trình nhà cao tầng chưa nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đã đưa vào sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đến nay, 19 công trình đã khắc phục vi phạm. Từ đầu năm 2017 đến nay, các cơ quan chức năng thành phố đã thanh tra, kiểm tra 32.089 lượt cơ sở; phát hiện và yêu cầu khắc phục 92.540 tồn tại, thiếu sót về PCCC; xử phạt vi phạm hành chính 3.139 trường hợp, với số tiền gần 10 tỷ đồng...

Dù đã quyết liệt triển khai các biện pháp, song có một thực tế, việc đầu tư cho hệ thống PCCC tại chỗ còn mang tính đối phó. Trong 9 tháng đầu năm 2017, toàn thành phố xảy ra 627 vụ cháy, làm chết 20 người và thiệt hại trên 400 tỷ đồng, 55ha rừng. Trong đó có những vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như, vụ cháy cơ sở sản xuất chocolate kết hợp nhà ở tại huyện Hoài Đức ngày 29-7 làm 8 người chết. So với cùng kỳ năm 2016, tăng 5 vụ, 15 người chết; thiệt hại về tài sản tăng hơn 300 tỷ đồng.

Thảo luận tại hội nghị, 6 ý kiến phát biểu thống nhất với báo cáo đánh giá của Ban Cán sự đảng UBND thành phố, đồng thời trao đổi về các biện pháp PCCC thời gian tới. Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Vũ Văn Nhàn cho biết, UBND huyện có văn bản yêu cầu khắc phục đối với cơ sở không bảo đảm yêu cầu PCCC; nếu không thực hiện thì bị buộc ngừng hoạt động. Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân cho biết, huyện đã rà soát, xác định 10 khu vực không có nguồn nước, khó khăn về đường vào để triển khai các phương án ứng phó. Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng cho biết, khi phát hiện cơ sở kinh doanh không bảo đảm quy định pháp luật về PCCC, Sở sẽ yêu cầu ngừng hoạt động.

Theo dõi sát sao công tác PCCC thời gian qua, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam cho rằng, cần quy định rõ trách nhiệm của chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, đồng thời khẳng định: "HĐND thành phố sẽ tiếp tục chất vấn việc xử lý các công trình vi phạm về PCCC”.

Mỗi nhà dân phải có phương án thoát hiểm

Trước những hạn chế, bất cập trên địa bàn thành phố, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, PCCC là vấn đề nóng và còn diễn biến xấu. Dẫn chứng vụ cháy làm 2 người chết rạng sáng 25-9 ở huyện Chương Mỹ, vụ việc đau xót ở huyện Hoài Đức và trước con số gần 500.000 nhà ống hầu hết không có lối thoát hiểm, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố cùng với các quận, huyện, thị xã quyết liệt thực hiện mục tiêu: Mỗi hộ dân phải xây dựng phương án an toàn PCCC; từng thành viên trong gia đình phải biết cách thoát hiểm khi xảy ra cháy, nổ. Đồng chí cũng yêu cầu bổ sung nhà dân vào nhóm đối tượng quản lý về PCCC để kiểm tra thường xuyên. Bí thư Thành ủy cũng nhắc nhở lực lượng chức năng cần rà soát lại từng hộ dân, cũng như các cơ sở kinh doanh có điều kiện như vũ trường, karaoke.

Với 60 công trình nhà cao tầng chưa bảo đảm điều kiện PCCC, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị xử lý dứt điểm, có kế hoạch, xác định thời gian, trách nhiệm của từng người với từng công trình. "Các cơ quan được giao soạn thảo Quy chế cưỡng chế trong lĩnh vực PCCC cần khẩn trương hoàn thành để đưa vào thực hiện; không được để tính mạng của người dân “treo” cùng vi phạm” - Bí thư Thành ủy lưu ý.

Đồng chí Hoàng Trung Hải cũng chỉ đạo Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố tăng cường huấn luyện, đào tạo, nâng cao năng lực cứu nạn cho cán bộ, chiến sĩ. Các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch khắc phục các vấn đề như, trên địa bàn thành phố còn 446 trụ nước cứu hỏa và 173 bể trữ nước cứu hỏa không có nước, 143 ao hồ không có lối xuống... Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan liên quan tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, giúp người dân nâng cao hiểu biết, tự trang bị các kiến thức bảo vệ gia đình, bản thân khi có hỏa hoạn, không để xảy ra những vụ việc gây mất mát lớn, nghiêm trọng.

Khoảng 1h15 sáng 25-9 đã xảy ra vụ cháy tại số nhà 50, tổ 2, khu Xuân Hà, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, khiến 2 người tử vong. Địa điểm xảy cháy là ngôi nhà 5 tầng kiên cố, với diện tích 120m2/sàn, vừa là nơi sinh hoạt vừa là nơi sửa chữa, buôn bán phụ tùng xe máy do ông Nguyễn Văn Nam làm chủ. Vụ cháy đã khiến hai con của ông Nam tử vong do ngạt khói. 

Về sự việc này, cùng ngày, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội quyết định hỗ trợ gia đình hai nạn nhân bị tử vong, với số tiền 10 triệu đồng/người.

Thành - Phương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để tính mạng người dân “treo” cùng vi phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.