Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội

Bảo Hân| 16/10/2017 14:17

(HNMO) - Chiều 16-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2002-2017. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và Vũ Đức Đam. Tại điểm cầu Hà Nội, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội chủ trì cùng đại diện các sở, ngành liên quan.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.


Hội nghị sẽ nghe báo cáo tóm tắt tổng kết 15 năm thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội từ đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội (NH CSXH) cùng các tham luận của Bộ Giáo dục - Đào tạo; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng một số tỉnh, thành trong cả nước...

 Trên 31,8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn


Vốn tín dụng chính sách được đầu tư đến 100% số xã, phường, thị trấn trên cả nước.


Theo báo cáo của Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NH CSXH) Dương Quyết Thắng, trong giai đoạn 2002-2017, NH đã tập trung huy động được các nguồn lực của toàn xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách. Đến hết tháng 9-2017, tổng nguồn vốn của NH đạt trên 179 nghìn tỷ đồng, tăng trên 172 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 25 lần so với khi thành lập. 

Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao, đến nay, NH đã và đang triển khai thực hiện 20 chương trình tín dụng chính sách và một số chương trình, dự án do các địa phương, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước uỷ thác. Đến 30-9, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 169.036 tỷ đồng, gấp hơn 24 lần so với thời điểm thành lập; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 19,2%, với trên 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn.

Dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ là 13.944 tỷ đồng, với gần 457 nghìn đối tượng đang dư nợ.

Trong 15 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% số xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới... 

Đã có trên 31,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NH CSXH; góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động, hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 9,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; gần 105.000 căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, gần 528.000 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, trên 11.000 căn nhà phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung; trên 112.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài...

"Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2001 - 2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005 - 2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011-2015 từ 14,2% xuống 4,25% cuối năm 2015" - ông Dương Quyết Thắng nhấn mạnh.

Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách cũng không ngừng được củng cố và nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của toàn hệ thống NH CSXH đã giảm từ 13,75% tại thời điểm nhận bàn giao xuống còn 0,81% tại thời điểm 30-9-2017 (trong đó, nợ quá hạn 0,42%, nợ khoanh 0,39%).

Cũng theo Tổng Giám đốc NH CSXH, sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tính dụng chính sách xã hội đã phát huy hiệu lực, hiệu quả trên phạm vi toàn quốc, có tác động tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội và hoạt động của NH CSXH.

Cụ thể, nguồn vốn ủy thác địa phương đã tăng thêm 4.593 tỷ đồng (118% so với trước khi có Chỉ thị 40-CT/TƯ), đưa tổng nguồn vốn ủy thác địa phương đến nay đạt 8.485 tỷ đồng. 

Xác định tín dụng chính sách xã hội tiếp tục là công cụ kinh tế hữu hiệu trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều nhanh và bền vững thời gian tới, NH CSXH đặt mục tiêu các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách và tiếp cận các dịch vụ do NH CSXH cung cấp; dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng 10%; tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1%/tổng dư nợ; nguồn vốn ngân sách địa phương bổ sung hàng năm tăng bình quân trên 20%...

Hà Nội: trên 1,5 triệu hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay 21.000 tỷ đồng


Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn tham luận tại hội nghị.


Tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn khẳng định, thành phố đã tập trung huy động được các nguồn lực tài chính, tạo lập nguồn vốn đáp ứng cơ bản nhu cầu vay của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội với chất lượng ngày càng được nâng cao.

Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao từ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng Công thương và Kho bạc Nhà nước, đến nay, trên địa bàn Hà Nội đang triển khai cho vay 15 chương trình tín dụng ưu đãi, tổng dư nợ tín dụng đạt 6.192 tỷ đồng với trên 286 nghìn khách hàng vay vốn, tăng gấp 18 lần so với khi thành lập Chi nhánh NH CSXH Hà Nội (tháng 4-2003). Trong đó, dư nợ cho vay từ nguồn vốn ngân sách thành phố và các quận, huyện, thị xã là 1.685 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 27% trên tổng dư nợ.

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cũng cho biết, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ nợ quá hạn trên tổng dư nợ giảm từ 3,83% (năm 2003) xuống còn 0,07% (thời điểm 30-9-2017).

Trong 15 năm, vốn tín dụng ưu đãi giải ngân qua NH CSXH thành phố với doanh số trên 21.000 tỷ đồng cho trên 1,5 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách; tạo việc làm cho trên 460 nghìn lao động; giúp 140 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây dựng trên 7.200 ngôi nhà cho hộ nghèo.

Giai đoạn 2010-2015, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn thành phố giảm từ 6,09% đầu giai đoạn xuống còn 1,5% vào cuối giai đoạn; giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3,64% đầu năm 2016 xuống còn 2,37% vào cuối năm 2016.

Tham luận cũng khẳng định, với sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố và sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, Chỉ thị số 40-CT/TƯ đã thực sự đi vào cuộc sống và đạt được một số kết quả quan trọng. 

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả triển khai tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, tại hội nghị, phía TP Hà Nội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan sớm ưu tiên bố trí vốn triển khai chương trình cho vay ưu đãi để mua, thuê nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo Nghị định số 100/NĐ-CP ngày 20-10-2015; xem xét, điều chỉnh nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ 6 triệu đồng/công trình lên 12 triệu đồng/công trình, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Cán bộ tín dụng nhất thiết phải gần dân, sát dân

Phát biểu kết luận và chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, những kết quả mà NH CSXH đạt được trong 15 năm qua có nhiều ý nghĩa trong công cuộc xoá đói giảm nghèo của Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ cũng đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương khi ngày càng nhận thức rõ hơn vai trò, vị trí của các chính sách tín dụng xã hội, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho chi nhánh ngân hàng chính sách hoạt động.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý tập thể cán bộ, công nhân viên, người lao động của NH CSXH phải thẳng thắn nhìn vào những tồn tại, bất cập hiện nay để tiếp tục công việc "nặng nhọc và ngày càng khó khăn" của mình.

Chính sách tín dụng có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhằm bảo đảm công bằng, bình đẳng cho xã hội. Chính vì vậy, cán bộ làm tín dụng, hệ thống tín dụng, chính sách nhất thiết phải gần dân, sát dân, phải nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân để đáp ứng tốt hơn, phù hợp với nhu cầu của người vay vốn.

"NH CSXH và hệ thống các chi nhánh cần phải tiếp tục phát triển theo hướng ổn định, bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động cho vay, thu nợ, bảo đảm giảm thiểu rủi ro và để các hộ nghèo, cận nghèo cùng các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới" - Thủ tướng Chính phủ lưu ý.

Các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, đề xuất giải pháp tăng cường nguồn lực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của các hộ nghèo, đối tượng chính sách; điều chỉnh chính sách tín dụng, mức cho vay phù hợp với thực tế, đáp ứng nhu cầu cơ bản của người nghèo và đối tượng chính sách khác. 

Thực hiện chủ trương xã hội hoá nguồn vốn tín dụng, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức hội, hiệp hội, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước... cần chung tay tạo lập nguồn vốn cho người nghèo và có chính sách cho vay vốn ưu đãi, ổn định đời sống cho người dân, góp phần vào mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo bền vững.

Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất tới tập thể cán bộ, viên chức và người lao động của NH CSXH nhằm biểu dương, tôn vinh những thành tích xuất sắc mà Ngân hàng đã đạt được những năm qua. Ngoài ra, 20 tập thể, trong đó có UBND TP Hà Nội và 9 cá nhân triển khai có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.