Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tích cực khắc phục hậu quả, phòng chống dịch bệnh sau úng ngập

Kim Nhuệ| 26/10/2017 07:05

(HNM) - Sau hơn hai tuần xảy ra mưa lũ, hôm qua (25-10), xã trũng và ngập úng nặng nhất là Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) và Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức) không còn hộ dân nào bị ngập.


Các huyện đã phối hợp với Sở Y tế Hà Nội, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, Bệnh viện Da liễu Hà Nội, Bệnh viện Mắt Hà Đông cấp phát thuốc phòng, chống bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là phòng, chống dịch đau mắt đỏ, nước ăn chân, tả, thương hàn ở người; dịch cúm H5N1, H7N9 ở gia cầm; tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm; đặc biệt là bệnh lở mồm, long móng…

Tại huyện Chương Mỹ, Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, trong ngày 25-10, nhiều tổ chức, nhà hảo tâm trên địa bàn cả nước tiếp tục đến động viên và hỗ trợ các hộ dân chịu thiệt hại bởi mưa lũ. Ngay khi nước rút, xã đã huy động tổng cộng gần 500 người là đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ, lực lượng vũ trang, nhân viên y tế cơ sở… thu gom gần 10 tấn rác thải và xác động vật, phun thuốc tiêu độc khử trùng khu nhà ở, chuồng trại, giếng nước ăn…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Minh Ngọc cho biết, tổng hợp tình hình thiệt hại từ các xã, trận mưa lũ vừa qua đã làm 1 người chết, thiệt hại về tài sản khoảng 104 tỷ đồng, trong đó xã Nam Phương Tiến 35 tỷ đồng, xã Thủy Xuân Tiên 20 tỷ đồng, xã Hoàng Văn Thụ 15 tỷ đồng…

Đến ngày 25-10, huyện đã tiếp nhận tiền, hàng hóa của thành phố và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ nhân dân các xã bị úng ngập tổng số 4.232 thùng mỳ ăn liền, 3.116 cây nến, 850 chiếc đèn pin, 80 lọ dung dịch vệ sinh, 2.640 chai nước uống, 3.325 bình nước uống (loại 18,9 lít), 3 bình lọc nước, 50 thùng chứa nước sạch, 21,295 tấn gạo, 12.000 gói bột canh, 360 chai dầu ăn, 756 suất quà bằng hiện vật và 1,2 tỷ đồng. Số hàng hóa, tiền ủng hộ trên, huyện giao Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội điều phối tới các địa phương, cấp tới từng hộ dân bị thiệt hại bảo đảm đúng đối tượng, kịp thời, công khai, công bằng…

Tại huyện Mỹ Đức, ông Lê Hải Hồng, Trưởng phòng Kinh tế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, huyện đã huy động các lực lượng chức năng phối hợp với nhân dân vùng ngập úng thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại, đề xuất phương án hỗ trợ khôi phục sản xuất… Dự kiến đến ngày 10-11 huyện Mỹ Đức sẽ hoàn thành công tác này, góp phần hỗ trợ nhân dân nhanh chóng ổn định đời sống, khôi phục sản xuất…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tích cực khắc phục hậu quả, phòng chống dịch bệnh sau úng ngập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.