Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xét xử nhiều vụ án trọng điểm, nhạy cảm và đặc biệt phức tạp

Ngân Hạ| 04/12/2017 10:08

(HNMO) - Sáng 4-12, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ năm HĐND thành phố, Chánh án TAND thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính báo cáo về kết quả công tác năm 2017.

Chánh án TAND TP Nguyễn Hữu Chính. Ảnh: Bùi Việt


Theo đó, từ ngày 1-10-2016 đến 30-9-2017, TAND hai cấp thành phố Hà Nội đã thụ lý 30.777 vụ, tăng 2.029 vụ; đã giải quyết 27.755 vụ, đạt tỷ lệ 90,1%, tăng 79 vụ so với năm 2016. Số vụ án còn lại hầu hết là mới thụ lý và còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật.

Số vụ án bị hủy, sửa giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, tổng số án bị hủy là 193 vụ (chiếm 0,69% số án đã giải quyết, giảm 29 vụ so với năm 2016). Tổng số án sửa là 657 vụ (chiếm 2,36% số án đã giải quyết, giảm 161 vụ so với năm 2016).

Nhiều vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, đặc biệt phức tạp, nhất là các vụ án tham nhũng, kinh tế đã được Tòa án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, được dư luận đồng tình ủng hộ.

Điển hình như vụ án Giang Kim Đạt và đồng phạm phạm tội tham ô tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn dương Vinashin; vụ Hà Văn Thắm và đồng phạm phạm tội tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của nhà nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; vụ Đặng Minh Châu và đồng phạm phạm tội "Mua bán trái phép chất ma túy" với gần 1.200 bánh heroin; vụ án Nguyễn Tiến Dũng và đồng phạm phạm tội "Mua bán trái phép chất ma túy".

TAND hai cấp thành phố Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, VKSND các cấp tổ chức xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không kết án oan người không phạm tội và bỏ lọt tội phạm; không để án quá hạn, tạm đình chỉ do lỗi chủ quan của thẩm phán; hình phạt của Tòa án áp dụng đối với các bị cáo bảo đảm nghiêm minh, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.

Việc cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ có căn cứ, đúng quy định của pháp luật; việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung giảm so với cùng kỳ năm 2016. Việc trả hồ sơ bảo đảm đúng quy định của pháp luật, được chấp nhận với tỷ lệ 79,2%.

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, trong năm 2017, TAND hai cấp thành phố Hà Nội vẫn còn một số án bị hủy, cải sửa, để quá thời hạn xét xử. Án tạm đình chỉ giảm nhưng số án quá hạn tăng so với năm 2016. Cụ thể, số án tạm đình chỉ còn 899 vụ, án quá hạn còn 157 vụ (tăng 72 vụ).

Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trên do số lượng các loại vụ án Tòa án phải thụ lý, giải quyết tăng cao so với năm 2016 (tăng 2.029 vụ) với nhiều vụ án lớn, phức tạp, trong khi biên chế Thẩm phán của một số đơn vị chưa đủ để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.

Về chủ quan, trình độ thẩm phán còn chưa đồng đều, chưa tích cực nghiên cứu tác động đến hồ sơ để sớm đưa vụ án ra giải quyết.

Một số khó khăn, vướng mắc cũng được nêu ra là một số quy định của pháp luật vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể như việc ghi âm, ghi hình tại cơ quan điều tra theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự và một số quy định của Bộ Luật hình sự có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Vấn đề xác định chi phí phá sản, việc lập tài khoản liên quan đến chi phí phá sản trong việc giải quyết các vụ án kinh tế... dẫn đến cách hiểu khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Tòa án đã thụ lý một số vụ án nhưng phải tạm đình chỉ nên để quá hạn giải quyết.

Số lượng các loại vụ việc TAND hai cấp thành phố thụ lý, giải quyết tăng qua các năm nhưng số lượng biên chế không được tăng, đặc biệt là biên chế thẩm phán. Biên chế được TAND tối cao phân bổ chưa xem xét đến tính đặc thù là cơ quan xét xử trên địa bàn Thủ đô, có nhiều vụ án phức tạp, nhạy cảm, được dư luận trong nước và quốc tế đặc biệt quan tâm.

Các bước trong quy trình bổ nhiệm và bổ nhiệm lại thẩm phán còn chậm, dẫn đến tình trạng thiếu thẩm phán trong xét xử, giải quyết vụ án, đặc biệt là các loại án dân sự, hành chính.

Trên cơ sở đó, Chánh án TAND TP nêu một số kiến nghị, đề xuất với Thành ủy, HĐND, UBND thành phố. Đặc biệt, để giải quyết tình trạng án hành chính còn tồn đọng nhiều, tỷ lệ giải quyết thấp, TAND thành phố Hà Nội cử các thẩm phán trực tiếp đến trụ sở UBND các quận, huyện để thẩm tra, thu thập chứng cứ, tiến hành đối thoại. Do đó, TAND thành phố đề nghị HĐND thành phố chỉ đạo các cơ quan tích cực phối hợp để giải quyết loại án này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xét xử nhiều vụ án trọng điểm, nhạy cảm và đặc biệt phức tạp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.