Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần lộ trình và hài hòa khoảng cách về giới

Vũ Dung - Ngọc Hạ| 09/12/2017 07:32

(HNM) - Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, từ ngày 1-1-2018, nhiều lao động nữ nghỉ hưu trong năm 2018 sẽ hưởng lương thấp hơn đến 10% so với người có cùng thời gian đóng bảo hiểm xã hội nghỉ hưu năm 2017.

Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: Đã đề xuất lộ trình tính lương hưu đối với lao động nữ

Việc thay đổi cách tính lương hưu từ năm 2018 không chỉ tác động đến lao động nữ mà có tác động chung đến tất cả người lao động. Tuy nhiên, tác động đến lao động nam từng bước theo lộ trình, còn với lao động nữ thì không có lộ trình. Dự báo năm 2017, cả nước có khoảng 57.500 lao động nữ nghỉ hưu; năm 2018, khoảng 49.700 lao động nữ nghỉ hưu đúng tuổi 55 (chưa tính số lao động nghỉ hưu trước tuổi) và cách tính lương hưu mới sẽ tác động đến khoảng 21.000 lao động nữ.

Việc đổi cách tính lương hưu với lao động nữ đang thu hút dư luận. Ảnh: Bá Hoạt


Trước những tâm tư của nhiều người về vấn đề này, BHXH Việt Nam và Vụ BHXH (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã làm việc, bàn các phương án xử lý chênh lệch về cách tính lương hưu giữa lao động nam và lao động nữ. BHXH Việt Nam đề xuất phương án áp dụng lộ trình điều chỉnh cách tính lương hưu đối với lao động nữ trong 5 năm. Theo phương án này, để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu ở mức tối đa là 75% thì lao động nữ nghỉ hưu trong năm 2018 phải có 26 năm đóng BHXH; nghỉ hưu trong năm 2019 phải có 27 năm; trong năm 2020 là 28 năm; năm 2021 là 29 năm; từ năm 2022 trở đi là 30 năm.

Theo tôi, phương án này hoàn toàn tương đồng với lộ trình thay đổi cách tính lương hưu như đối với lao động nam. Có thể hiểu, khi kết thúc lộ trình vào năm 2022, để đạt tỷ lệ hưởng 75% thì cả lao động nam và nữ đều phải có số năm đóng BHXH tăng thêm 5 năm (mỗi năm tăng thêm 1 năm đóng). Hiện, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã báo cáo, đề xuất phương án với Quốc hội, trong đó đề xuất phương án áp lộ trình trong cách tính lương hưu của lao động nữ.

Bà Hoàng Thị Hồng, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, xã Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội): Chờ quyết định điều chỉnh thuyết phục

Tháng 12-2018, tôi sẽ được chốt sổ BHXH và giải quyết chế độ hưu trí. Tuy nhiên, theo quy định mới, tôi chỉ được hưởng 65% lương. Nếu về hưu năm 2017, tôi không bị mất 10%, hưởng đủ 75% như nhiều người trước đó. Là một trong những giáo viên cống hiến mấy chục năm cho ngành Giáo dục, giờ đến lúc tuổi già, sức yếu mà mất đi số tiền mình đã đóng góp thì quá thiệt thòi so với công sức đã bỏ ra.

Tôi cũng từng nghĩ sẽ đi giám định sức khỏe để được nghỉ hưu trong năm 2017 nhưng sau đó tôi quyết định chờ vào sự điều chỉnh hợp lý, hợp tình của Chính phủ. Mong rằng Quốc hội sẽ đưa ra các quyết sách nhằm bảo đảm quyền lợi cho lao động nữ, thực hiện có lộ trình, hợp lý hợp tình và cũng là sự động viên những người lao động như chúng tôi.

Bà Nguyễn Thị Phương (phường Quán Thánh, quận Ba Đình): Cần sửa đổi để phụ nữ không thiệt thòi

Để thực hiện cân đối quỹ BHXH đang có tổng mức chi trả lương hưu lớn hơn tổng mức đóng, cơ quan quản lý đã tính đến phương án tăng tuổi nghỉ hưu, tăng thời gian đóng BHXH, thay đổi tỷ lệ hưởng lương hưu… Theo lộ trình tăng dần thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu tối đa, từ ngày 1-1-2018, lao động nam đủ 35 năm, nữ 30 năm mới được hưởng lương hưu tối đa (75%), thay vì 30 năm và 25 năm như hiện nay. Trong khi lao động nam có lộ trình thực hiện tăng số năm đóng BHXH đến năm 2022 thì lao động nữ lại không có lộ trình như vậy mà áp luôn nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi.

Để bảo đảm đời sống lao động nữ khi nghỉ hưu ổn định, đông đảo người lao động nữ mong mỏi được thực hiện tăng số năm đóng BHXH theo lộ trình như lao động nam.

Ông Trần Trọng Đoàn (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ): Chú trọng chính sách an sinh xã hội

Với so sánh thiệt hơn khi nghỉ hưu trước và sau năm 2018 nên nhiều người đã tính đến việc nghỉ hưu trước tuổi hoặc lĩnh BHXH một lần. Cả hai cách xử lý này đều có mặt được và chưa được. Nghỉ hưu trước tuổi phải tiến hành các thủ tục giám định y khoa với kết quả suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên. Trường hợp nghỉ hưu chưa đủ tuổi theo quy định còn phải giảm trừ tỷ lệ 2% mỗi năm do nghỉ hưu trước tuổi. Một số trường hợp khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, được hưởng lương hưu thấp hơn so với người đủ điều kiện được hưởng. Còn những lao động thường làm thủ tục lĩnh trợ cấp 1 lần mỗi khi thay đổi nơi làm việc sẽ không đủ số năm công tác để hưởng lương hưu. Khi đến tuổi nghỉ hưu, thu nhập ít ỏi, họ sẽ dựa vào đâu?

Rõ ràng, quá trình xây dựng và thực hiện chính sách cần để người dân nhận thấy rõ những lợi ích sau này nhằm để an sinh xã hội, ổn định đời sống thì người dân mới có ý thức và mong muốn tích lũy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần lộ trình và hài hòa khoảng cách về giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.