Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công tác Dư luận xã hội trên địa bàn TP Hà Nội: Nắm bắt tốt ngay từ cơ sở

01/03/2018 07:22

(HNM) - Với vị thế Thủ đô, là cơ quan đầu não về chính trị - hành chính đồng thời là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, Hà Nội cũng là nơi đang tập trung triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án lớn, do đó dễ phát sinh những vấn đề phức tạp, hình thành các điểm nóng.


Nhu cầu khách quan của công tác quản lý

Dư luận xã hội là hiện tượng thuộc lĩnh vực tinh thần của đời sống xã hội, nó tồn tại gắn liền với sự phát triển của xã hội loài người. Một cách khái quát, dư luận là sự phán xét, đánh giá của các nhóm lớn trong xã hội về các vấn đề có liên quan đến lợi ích, có tính thời sự, bức thiết, vì vậy nó là “hàn thử biểu” cho phép “đo” được sự suy nghĩ, mong muốn của cộng đồng trước các vấn đề của đời sống xã hội. Cùng với những hoạt động quản lý khác, việc nắm bắt dư luận xã hội sẽ giúp nhà quản lý có đủ thông tin, điều kiện để điều chỉnh các hoạt động quản lý, góp phần bảo đảm cho chủ trương, chính sách khi ban hành sát thực tế, mang lại hiệu quả cao nhất trong đời sống xã hội.

Thực tế hoạt động của công tác dư luận trên địa bàn thành phố những năm qua đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giữ gìn ổn định chính trị - xã hội, phát triển kinh tế - xã hội chung của Thủ đô. Trong quá trình thực hiện công tác này cũng khẳng định rất rõ vai trò của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp có ý nghĩa quan trọng quyết định tới hiệu quả hoạt động của công tác dư luận xã hội.

Quả thực, nơi nào lãnh đạo cấp ủy, lãnh đạo chính quyền quan tâm, hiểu đúng về dư luận xã hội thì công tác dư luận ở đó hoạt động hiệu quả và phát huy được vai trò của mình.

Chìa khóa nằm ở cách nhìn nhận, ứng xử

Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa vai trò, vị trí, hiệu quả của công tác dư luận, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung vào một số vấn đề cụ thể sau:

Thứ nhất, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp phải nhận thức đúng về bản chất dư luận xã hội.

Dư luận là một hiện tượng xã hội thuộc lĩnh vực tinh thần, nó phản ánh những tồn tại của đời sống xã hội, do đó nó luôn mang theo tính phức tạp vốn có. Vì vậy, khi tiếp nhận các thông tin dư luận đòi hỏi người lãnh đạo phải có cách nhìn nhận khách quan, đúng mức, nắm được nguyên lý hình thành của dư luận xã hội là dựa trên cơ sở nhận thức và cơ sở xã hội, thực tiễn để có cái nhìn toàn diện về bản chất của dư luận.

Về cơ sở nhận thức, dư luận xã hội được quy định trước hết bởi trình độ hiểu biết của công chúng, của các nhóm xã hội. Về cơ sở xã hội, thực tiễn của dư luận, các yếu tố xã hội, trước hết là lợi ích nhóm, tầng lớp, giai cấp, quốc gia, dân tộc có mối liên hệ chặt chẽ với nội dung và sắc thái của dư luận xã hội. Trong một nhà nước mạnh, chính quyền và nhân dân gắn bó với nhau, lợi ích quốc gia, dân tộc thường được coi trọng hơn các lợi ích khác (cá nhân, nhóm, tầng lớp, giai cấp). Ngược lại, trong một nhà nước yếu, dân chủ không được coi trọng, pháp luật, kỷ cương bị buông lỏng thì lợi ích cá nhân, cục bộ mới chính là căn cứ của các ý kiến dư luận.

Việc hiểu rõ cơ sở nhận thức và cơ sở xã hội trong quá trình hình thành dư luận xã hội sẽ giúp nhà quản lý có thể nhìn nhận đúng bản chất của dư luận, từ đó có được cách xử lý nhằm giải thích, điều chỉnh hay định hướng dư luận.

Thứ hai, coi trọng xây dựng tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động cho công tác dư luận.

Cho đến nay, hệ thống thực hiện công tác dư luận vẫn mang tính đặc thù, gắn liền với quy mô, phạm vi của từng quận, huyện, thị xã, cơ quan, đơn vị, do đó trong quá trình triển khai thực hiện gặp những khó khăn về cơ chế, chính sách, đặt ra vấn đề về vai trò của lãnh đạo các cấp trong quá trình chỉ đạo triển khai thực hiện. Trung ương và thành phố đã có văn bản quy định về tổ chức, cơ chế cho hoạt động công tác dư luận ở các tỉnh, thành song sự quan tâm của lãnh đạo các địa phương để chuyển hóa quy định chung thành tổ chức bộ máy hoạt động cụ thể có vai trò quyết định.

Thứ ba, biết lắng nghe, bình tĩnh khi tiếp thu dư luận.

Trong quá trình quản lý, các chủ trương, chính sách khi triển khai thực hiện trong đời sống xã hội sẽ luôn nhận được những ý kiến đánh giá khen, chê dựa trên các quan điểm, cách nhìn nhận và các yếu tố lợi ích của các nhóm khác nhau trong xã hội. Với góc độ của người lãnh đạo, cần tiếp nhận đầy đủ các luồng thông tin dư luận khác nhau, cho dù nó là như thế nào. Sẽ vô cùng nguy hiểm nếu như lãnh đạo chỉ quan tâm tới các dư luận đồng thuận, ủng hộ mà xem nhẹ hay bỏ qua những thông tin dư luận trái chiều. Trong thực tế có những nơi khi xảy ra các sự việc nổi cộm, bức xúc trong xã hội lãnh đạo có tâm lý né tránh, e ngại, che giấu thông tin khiến cho sự việc trở nên phức tạp, khó khăn cho quá trình giải quyết.

Mặt khác, trong quá trình xây dựng một xã hội dân chủ, việc người dân bộc lộ ý kiến của mình, phản biện về các vấn đề có liên quan đến cộng đồng sẽ là một xu thế tất yếu khó tránh khỏi. Vì vậy, việc nhà lãnh đạo biết lắng nghe các ý kiến dư luận xã hội cũng là cách góp phần thúc đẩy dân chủ trong đời sống xã hội, qua đó tạo điều kiện phát huy trí tuệ chung của cộng đồng trong quá trình quản lý xã hội nói chung.

Thứ tư, quan tâm cung cấp thông tin giải đáp, định hướng dư luận.

Dư luận xã hội là cầu nối giữa ý thức xã hội và hành động xã hội, dư luận xã hội có thể góp phần thúc đẩy hình thành những hành động trong thực tế. Để làm tốt việc nắm bắt và xử lý các thông tin dư luận, cần đặc biệt chú ý tới vấn đề thông tin hai chiều. Yếu tố quan trọng nhất để giải đáp, định hướng dư luận chính là sự minh bạch thông tin. Khi thông tin được minh bạch rõ ràng, tất yếu sẽ hạn chế được những luồng dư luận xã hội trái chiều do không được cung cấp thông tin một cách đầy đủ. Chỉ khi nào nhà lãnh đạo, quản lý có quyết tâm chính trị cao, sẵn sàng “đối diện” với sự nhận xét, đánh giá của công luận thì khi đó minh bạch thông tin mới có điều kiện triển khai thực hiện.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện giải đáp, định hướng dư luận xã hội, nhà lãnh đạo, quản lý cần đặc biệt chú ý tới vai trò của truyền thông đại chúng. Có thể nói mối quan hệ giữa dư luận và truyền thông đại chúng là mối quan hệ hai chiều, tác động qua lại lẫn nhau. Thông tin đại chúng tác động trực tiếp đến quá trình hình thành dư luận. Ngược lại, dư luận cũng là nguồn cung cấp sự kiện cho nội dung của thông tin đại chúng.

Như vậy, dư luận xã hội có vai trò quan trọng trong việc phản hồi quá trình thực hiện chính sách, phát huy dân chủ trong đời sống xã hội. Để làm được như vậy, vai trò của lãnh đạo cấp ủy và chính quyền các cấp có ý nghĩa quan trọng, quyết định tới hoạt động của công tác dư luận xã hội. Lãnh đạo cấp ủy và chính quyền các cấp có cách nhìn nhận, thái độ và ứng xử đúng đối với dư luận xã hội sẽ là chìa khóa để thực hiện tốt hoạt động này. Một xã hội phát triển sẽ đồng nghĩa với việc tính dân chủ càng được nâng cao, con người có điều kiện để bày tỏ những quan điểm, nguyện vọng của mình. Vì vậy, việc cần thiết là phải thực hiện ngày càng tốt hơn công tác dư luận xã hội, nâng cao chất lượng hoạt động của nó phục vụ cho hoạt động quản lý xã hội.

Phạm Thanh Học
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Công tác Dư luận xã hội trên địa bàn TP Hà Nội: Nắm bắt tốt ngay từ cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.