Chủ Nhật, 12/01/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
(HNMO) - Từ đầu tháng 5 đến nay, hàng loạt vụ sạt lở diễn ra trên diện rộng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trước đó, sự việc tương tự cũng xảy ra tại kênh Hai Quý (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) ngày 8-5, khiến 7 hộ dân phải khẩn trương di dời.
Một vụ sạt lở nghiêm trọng tại huyện Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh). |
Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, những năm qua tình trạng sạt lở ở các tỉnh, thành thuộc ĐBSCL diễn ra khá phổ biến, ngày càng gia tăng cả về phạm vi và tốc độ. Cụ thể, đối với sạt lở bờ trên hệ thống sông ở khu vực ĐBSCL, hiện có 513 điểm với tổng chiều dài 520km.
Đặc biệt, các khu vực thuộc các tỉnh phía thượng nguồn sông Cửu Long như: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, thường xảy ra các đợt sạt lở mạnh, nguy hiểm đe dọa đến công trình hạ tầng, nhà cửa của Nhà nước và tính mạng nhân dân. Với 774km chiều dài bờ biển, đoạn từ TP Hồ Chí Minh đến Kiên Giang, có tới 44 khu vực xảy ra xói bồi. Xói lở bờ biển diễn ra mạnh làm khoảng 300ha đất/năm không có khả năng phục hồi.
Về nguyên nhân, theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, tình trạng xói lở bờ sông, kênh, rạch, bờ biển do hiện tượng địa chất tự nhiên và sự bồi lắng xảy ra ở những đoạn sông cong. Ngoài ra, nạn khai thác cát trái phép, phương tiện đường thủy chở quá tải, sự suy giảm bùn cát từ thượng nguồn do xây dựng đập hồ chứa, khai thác nước ngầm cũng gây xói lở. Đồng thời, nước biển dâng làm các yếu tố về sóng và dòng chảy ven bờ tăng lên gây sạt lở bờ biển...
Sạt lở tuyến đê bao cồn Phú Đa tại huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre). |
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về công tác phòng chống tình trạng sạt lở ở các tỉnh, thành ĐBSCL, Tiến sĩ Trần Bá Hoằng - Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam cho hay, cần tập trung đẩy mạnh việc trồng, bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn và hệ thống đê nhỏ ven biển vì ít tốn kém mà hiệu quả cao. Đối với việc chống sạt lở bờ sông, rạch, cần chú trọng các giải pháp phi công trình, ứng dụng thử nghiệm các loại vật liệu, công nghệ mới. Đặc biệt, đẩy mạnh liên kết vùng để tối ưu hóa phòng chống sạt lở; đồng thời, hợp tác quốc tế với các nước Tiểu vùng sông Mê Kông trong quản lý, sử dụng nguồn nước trong lưu vực.
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ), trước hết cần chấm dứt tình trạng khai thác cát bừa bãi hiện nay. Các địa phương cần quản lý chặt chẽ việc xây dựng các công trình ven sông để hạn chế chất tải lên bờ sông, kênh, rạch và cản trở dòng chảy; khoanh vùng và cắm mốc giới hạn hành lang sạt lở nguy hiểm để di dời, bố trí tái định cư cho các hộ dân. Đặc biệt, xây dựng các bản đồ cảnh báo sạt lở, giới hạn việc quy hoạch bố trí dân cư, khu công nghiệp và các công trình ven sông có nguy cơ sạt lở cao.
Còn GS.TS Hồ Long Phi - nguyên Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu (WACC - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần thường xuyên quan trắc, cập nhật cơ sở dữ liệu về sạt lở và thủy văn, hải văn; vận hành theo quy luật tự nhiên và phát huy các giá trị của hệ sinh thái bản địa...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.