Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo cảnh quan sạch đẹp, an toàn

Việt Nga| 11/06/2018 07:09

(HNM) - Sau hai năm triển khai hạ ngầm hệ thống dây, cáp viễn thông, điện lực trung, hạ áp, đến nay cảnh quan các tuyến phố hoàn thành việc này đã phong quang sạch đẹp, an toàn hơn cho người dân.

Thanh thải dây, cáp viễn thông trên địa bàn quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng


Cắt dây, hạ cột tại 44 tuyến phố

Kể từ năm 2016 đến nay, Hà Nội đã phê duyệt 3 đợt, với tổng số 121 tuyến phố cho các doanh nghiệp viễn thông, điện lực: Viettel, VNPT, MobiFone, EVN Hà Nội và FPT thi công công trình ngầm. Sau 3 đợt thi công, điện lực đã hoàn thành tại 62 tuyến, các doanh nghiệp viễn thông (gồm Viettel, VNPT, MobiFone, FPT) đã xong phần việc của mình tại 50 tuyến; đợt 3 có thêm một doanh nghiệp nữa là CMC tham gia đầu tư công trình ngầm, nhưng hiện chưa triển khai. Việc xây dựng công trình ngầm trên mỗi tuyến phố, có các chủ đầu tư khác nhau (điện lực, hoặc là một trong số 5 doanh nghiệp viễn thông còn lại), song đều phải có sự tham gia, phối hợp của EVN Hà Nội.

Trong số các tuyến mà các doanh nghiệp hoàn thành thi công công trình ngầm như đã nêu ở trên, chỉ có 50 tuyến phố đã hoàn tất công trình ngầm, điều đó đồng nghĩa với việc chỉ có thể cắt bỏ dây cũ, cột cũ để ngầm hóa đường dây đi nổi tại 50 tuyến. Tính đến đầu tháng 6-2018, có 44 tuyến đã cắt hạ dây cũ, cột cũ (đợt 1: 17 tuyến, đợt 2: 27 tuyến).

Theo Phòng Quản lý hạ tầng thuộc Sở Xây dựng, hiện còn 6 tuyến Lê Hồng Phong, Thái Thịnh, Nguyễn Khuyến, Trần Quang Diệu - Trung Liệt, Ngô Thì Nhậm, Lê Văn Hưu), các doanh nghiệp đang hạ ngầm dây cáp đi nổi.

Như vậy, việc ngầm hóa hệ thống dây, cáp viễn thông, điện lực không chỉ giúp bảo đảm cảnh quan đường phố, mà còn đem lại sự an toàn cho người dân khi đi lại trên đường. Điều này có thể dễ nhận thấy tại các tuyến đã ngầm hóa như Giảng Võ, Thái Hà - Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Công Trứ, Đội Cấn, Khâm Thiên - những phố có mật độ dân cư và phương tiện qua lại đông đúc.

Cùng với đó, UBND các quận đã triển khai cải tạo, chỉnh trang hè đường sau khi hạ ngầm tại các tuyến Giang Văn Minh, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Du, Bà Triệu, Đại Cồ Việt, Giải Phóng, Nguyễn Trãi... Nếu như trước đây trên các tuyến phố này có hệ thống dây chằng chịt trên vỉa hè, hoặc vắt ngang qua đường, gây nguy hiểm và mất an toàn giao thông, an toàn cháy nổ, thì nay đi qua, đường phố phong quang, cảnh quan đẹp hơn nhiều và an toàn.

Gấp rút đẩy nhanh tiến độ

Các doanh nghiệp viễn thông, các đơn vị quản lý dây thông tin (công an, quân đội) đều thực hiện việc ngầm hóa hệ thống dây, cáp của mình khá nhanh sau khi có thông báo. Chỉ phía các doanh nghiệp truyền hình cáp, do đặc điểm thiết bị đặc thù hơn nên bị chậm so với tiến độ và đã phải xin gia hạn công việc này.

Ngoài ra, tại một số tuyến phố do chưa cải tạo được hệ thống chiếu sáng hiện có, nên ngay cả khi các chủ đầu tư hoàn thành việc ngầm hóa thì chưa thể cắt dây, hạ cột. Đó cũng là lý do mà hiện EVN Hà Nội chỉ thu hồi được 1.347 cột cũ (trong tổng số 2.567 cột) tại các tuyến phố đã hoàn thành ngầm hóa.

Cũng theo Sở Xây dựng Hà Nội, do một số tuyến phố chưa cải tạo được hệ thống chiếu sáng và vẫn tồn tại cột chiếu sáng bằng bê tông nên có nơi xảy ra tái vi phạm: Các hộ kinh doanh chăng dây điện, doanh nghiệp kéo dây, cáp thông tin như tại phố Cửa Bắc, Khâm Thiên… Vi phạm này cũng được Sở giao các đơn vị chức năng thực hiện cắt hạ.

Để đẩy nhanh tiến độ, nhưng đồng thời bảo đảm việc thi công hạn chế gây ảnh hưởng tới sinh hoạt cũng như sự đi lại của người dân, từ đề xuất của UBND quận Hoàn Kiếm, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Xây dựng là đầu mối.

Theo đó, Sở Xây dựng chịu trách nhiệm xác định hướng tuyến, phương án, kiểm tra thống nhất biện pháp thi công chung giữa các doanh nghiệp và gửi Sở Giao thông - Vận tải cấp 1 giấy phép thi công chung (giao cho EVN Hà Nội). Cách làm này cũng giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời giúp doanh nghiệp làm cuốn chiếu, dứt điểm, đẩy nhanh tiến độ thi công.

Về triển khai nhiệm vụ năm 2018 tại đơn vị, đại diện VNPT Hà Nội cho biết, VNPT Hà Nội đã hoàn thành xây dựng hạ tầng ngầm hóa 21 tuyến, trong số này đã cắt cáp tại 20 tuyến phố. VNPT phối hợp với EVN Hà Nội lập phương án đồng bộ thi công 5 tuyến thuộc khu vực quận Hoàn Kiếm và 5 tuyến khu vực quận Ba Đình; đồng thời đang lựa chọn nhà thầu cho 11 tuyến còn lại.

Còn đại diện Ban Quản lý dự án 1 thuộc Tổng công ty MobiFone cho biết, trong các tuyến phố thực hiện ngầm hóa được giao, MobiFone đã đề nghị dừng triển khai tại tuyến La Thành và để thi công sau cho đồng bộ cùng dự án tuyến Vành đai 1.

Hiện, MobiFone chuẩn bị cho việc thi công tuyến Thụy Khuê, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 8-2018; phối hợp với điện lực các quận để triển khai bản vẽ thi công đồng bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo cảnh quan sạch đẹp, an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.