Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Thần chết” rình rập trên các đường ngang

Tuấn Khải| 25/07/2014 06:16

(HNM) - Theo Ủy ban ATGT quốc gia, 6 tháng đầu năm 2014, cả nước xảy ra 84 tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 79 người, bị thương 18 người.



Điều đáng nói là trong khi Chính phủ, các ngành liên quan và các địa phương nỗ lực thực hiện hàng loạt giải pháp, qua đó đã kéo giảm tỷ lệ TNGT (đặc biệt là đường bộ) xuống, thì riêng TNGT đường sắt lại vẫn gia tăng.

Các đường ngang dân sinh tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với giao thông đường sắt. Ảnh: Nhật Nam


80% tai nạn xảy ra ở đường ngang

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cho biết, trên mạng lưới đường sắt hiện có gần 6.000 đường ngang các loại, trong đó 544 đường ngang có biển báo, 304 đường ngang có cảnh báo tự động, 654 đường ngang có người gác, 4.268 đường dân sinh vượt qua đường sắt. Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng hơn 600 đường ngang dân sinh là có người gác. Từ trước đến nay, luôn có tới 80% trên tổng số vụ TNGT liên quan đường sắt xảy ra ở các đường ngang dân sinh. Nhưng việc giải tỏa các đường ngang dân sinh này lại vô cùng phức tạp. Nhiều khu vực hành lang an toàn bảo vệ đường sắt bị người dân lấn chiếm để họp chợ, trồng cây, thậm chí làm lều lán hoặc xây dựng nhà cửa… gây mất an toàn nghiêm trọng cho những chuyến tàu.

Chẳng nói đâu xa, ngay tại Hà Nội, có thể dễ gặp tình trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ đường sắt ở khu vực đường Lê Duẩn, Giải Phóng (quận Đống Đa), khu vực thôn Tân Dân - xã Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm), xã Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì)… Trên tuyến đường sắt Thống Nhất đoạn qua đường Lê Duẩn, Giải Phóng, hình ảnh những cửa hàng đồ điện, đồ gỗ… bày bán hàng sát đường ray, xe máy dựng bừa bãi diễn ra khá phổ biến. Đã vậy, nhiều gia đình còn tự tạo những cầu dắt xe qua đường ray đâm thẳng xuống đường cho thuận tiện. Tuyến đường sắt Bắc Hồng - Văn Điển đoạn chạy qua thôn Tân Xuân có 25 mố cầu đường sắt dẫn nối với cầu Thăng Long với chiều dài gần 1km song đây cũng là đoạn tuyến tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhất. Nhiều người dân địa phương ngang nhiên lấn chiếm hành lang bảo vệ đường sắt để làm lều quán bán hàng. Lúc cao điểm nhất, có tới cả trăm hộ lấn chiếm. Đại diện Đội an toàn cầu Thăng Long cho biết, việc các hộ dân lấn chiếm không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà nghiêm trọng hơn là gây khó khăn trong công tác duy tu bảo dưỡng cũng như vận hành hệ thống thông tin, tín hiệu an toàn đường sắt. Đã nhiều lần lực lượng chức năng ra quân giải tỏa nhưng được một thời gian, các hộ lại tái lấn chiếm.

Kết nối tín hiệu đường bộ - đường sắt

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020. Theo đó, đến năm 2017, UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua phải giải tỏa dứt điểm các đường ngang trái phép, cương quyết không để phát sinh thêm các vi phạm hành lang an toàn đường sắt và các đường ngang trái phép… Đặc biệt, các cấp chính quyền địa phương phải tăng cường vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) đường sắt.

Thực hiện kế hoạch này, Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng Công ty ĐSVN thực hiện chặt chẽ công tác quản lý đường ngang. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam rà soát và phân loại tất cả đường ngang để giao dần cho địa phương quản lý, đồng thời nghiên cứu cơ chế đặt hàng hoặc khoán cho địa phương vận hành quản lý các đường ngang với điều kiện có đủ trang thiết bị; việc duy tu, bảo trì hệ thống phải do đường sắt Việt Nam thực hiện; xây dựng cơ chế giám sát, quản lý bảo đảm ATGT, rà soát các quy định liên quan điều kiện an toàn trong phòng vệ đường ngang, chứng chỉ nghề của người thực hiện tổ chức phòng vệ đường ngang để xem xét, sửa đổi cho phù hợp.

Bộ GTVT cũng chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam ngay trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2014 chủ trì, phối hợp với Tổng Công ty ĐSVN và các đơn vị có liên quan rà soát các vị trí đường ngang không người gác để cắm biển báo phù hợp; phối hợp với chính quyền các địa phương xóa bỏ các đường ngang trái phép và đề nghị chính quyền địa phương cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm; đồng thời khẩn trương hoàn thành kết nối tín hiệu giao thông tại các nút giao thông đường bộ có đèn tín hiệu và đường ngang đường sắt để điều khiển giao thông đường bộ khi có chắn tàu.

Tổng Công ty ĐSVN cho biết, đến nay mới có 10 vị trí đường ngang được kết nối tín hiệu đường sắt - đường bộ đồng bộ. Các tỉnh kết nối được tín hiệu gồm Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đồng Nai mỗi tỉnh có 1 điểm; Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam có 2 điểm. Còn 9 điểm đường ngang phức tạp trên các tuyến đường sắt cần được đồng bộ tín hiệu đường sắt với đường bộ. Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa rốt ráo thực hiện, đặc biệt là Hà Nam, Ninh Bình, Bình Định, Đồng Nai, Bắc Giang, Phú Thọ...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Thần chết” rình rập trên các đường ngang

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.