Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những thay đổi lái xe cần chú ý

Bảo Nga - Thùy Ngân| 17/10/2016 07:12

(HNM) - Ra đời từ năm 2012, qua áp dụng thực tế, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (QCVN) 41:2012/BGTVT vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, cần được chỉnh sửa đáp ứng yêu cầu tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Biển 412 từ nhóm biển chỉ dẫn, đã được chuyển sang nhóm biển hiệu lệnh và bắt buộc người lái xe phải chấp hành.



Theo nhận xét của nhiều chủ phương tiện trên các diễn đàn xã hội, điểm dễ nhận thấy nhất tại QCVN 41:2016 là các biển báo hiệu, biển báo cấm, biển hiệu lệnh… đã rõ ràng, dễ hiểu hơn rất nhiều theo hướng “nhìn biển thế nào đi thế nấy”, không còn tình trạng phải “đoán mò” như trước. Trong đó, QCVN 41:2016 bổ sung rất nhiều biển cấm, biển báo như: Biển P.107a “Cấm xe ô tô khách”, biển P.107b “Cấm xe ô tô taxi”, biển P.127b “Biển ghép tốc độ tối đa cho phép trên từng làn đường”, biển P.127d “Biển hết hạn chế tốc độ tối đa cho phép theo biển ghép”… Một trong những điểm mới quan trọng trong QCVN 41:2016 là quy định đặt biển hạn chế tốc độ tối đa trung gian. Theo đó “trong trường hợp chuyển tiếp từ giá trị tốc độ lớn xuống giá trị tốc độ nhỏ mà sự chênh lệch giữa hai giá trị tốc độ này lớn thì nên đặt biển hạn chế tốc độ tối đa trung gian. Đoạn chuyển tiếp trung gian được quy định là không nhỏ hơn 250m cho việc chuyển tiếp từ tốc độ 120km/h xuống 100km/h; 200m cho việc chuyển tiếp từ tốc độ 100km/h xuống 80km/h; 150m cho việc chuyển tiếp từ tốc độ 80km/h xuống 60km/h…”.

Trên các diễn đàn xã hội, quy định này được nhiều chủ phương tiện đánh giá là “rất hay” do phù hợp tình hình thực tế khi tham gia giao thông, chấm dứt tình trạng đang bon bon trên đường ở tốc độ cao bỗng phanh “cháy đường” khi gặp biển hạn chế tốc độ đột ngột. Cũng tại QCVN 41:2016, lần đầu tiên có sự xuất hiện của biển số P.127a quy định “tốc độ tối đa cho phép vào ban đêm”. Theo quy định, biển này được “áp dụng cho một số trường hợp qua khu đông dân cư vào ban đêm nhằm mục đích nâng cao tốc độ vận hành khi đường ít xe chạy. Biển chỉ có hiệu lực trong thời gian ghi trên biển và trong phạm vi từ vị trí đặt biển đến vị trí biển số R.420 “đoạn đường qua khu đông dân cư””. Đây là quy định bám rất sát tình hình thực tế, bởi tâm lý đa số người điều khiển phương tiện thường hay chủ quan, đi quá tốc độ vào ban đêm khi đường vắng, dẫn đến nhiều vụ tai nạn xảy ra do thiếu quan sát, không làm chủ được tốc độ.

Tại Điểm 3.1, khái niệm đường cao tốc đã được làm rõ. Theo đó, “đường cao tốc là đường dành riêng cho xe ô tô và một số loại xe chuyên dùng được phép đi vào theo quy định của Luật Giao thông đường bộ…”. Đây là bước tiến mới, chấm dứt tình trạng mô tô, xe gắn máy cũng bon bon đi vào đường cao tốc, gây nguy hiểm cho các phương tiện thời gian qua. Quy định cho phép đỗ xe “ghếch chân” trên vỉa hè cũng khiến không ít cánh tài xế, đặc biệt những người sống tại khu vực nội đô vui mừng. Nếu như trước đây, QCVN 41:2012 không quy định người điều khiển phương tiện được phép đỗ xe trên hè phố thì theo quy chuẩn mới, tại Điểm E.8a - Biển số 408a quy định rõ: “Để chỉ dẫn những nơi được phép đỗ xe một phần trên hè phố rộng, phải đặt biển số I.408a “Nơi đỗ xe một phần trên hè phố”. Xe phải đỗ từ 1/2 thân xe trở lên trên hè phố”. Theo nhận xét của các luật sư và người tham gia giao thông, quy định mới này đã “cởi trói” cho rất nhiều chủ phương tiện, đặc biệt là những người thường xuyên sử dụng ô tô tại khu vực nội đô, nơi “tấc đất tấc vàng”, vốn đang thiếu nghiêm trọng diện tích dành cho giao thông tĩnh. Đồng thời, quy định này cũng góp phần giảm thiểu tình trạng các phương tiện dừng, đỗ lấn chiếm lòng đường, gây cản trở giao thông.

Phụ lục E phần quy định ý nghĩa - sử dụng biển chỉ dẫn của QCVN 41:2016, mục b phần vạch 2:2: Vạch phân chia các làn xe cùng chiều, dạng vạch đơn, liền nét được “áp dụng dùng để phân chia các làn xe cùng chiều trong trường hợp không cho phép xe chuyển làn hoặc sử dụng làn khác; xe không được lấn làn, không được đè lên vạch”. Đây là điểm mới mà các chủ phương tiện cần lưu ý nếu không muốn “mất tiền oan” bởi trước đây các phương tiện được phép đè vạch đối với đường trên 60km/h thì nay không được lấn làn, không được đè vạch.

Một điểm mới của QCVN 41:2016/BGTVT khác với QCVN 41:2012 là đưa biển 412 (vẫn quen gọi là biển phân làn) từ nhóm biển chỉ dẫn (chỉ dẫn thông tin cần thiết...) sang nhóm biển hiệu lệnh (bắt buộc lái xe phải chấp hành), lái xe phải đi theo đúng làn đường phù hợp với loại phương tiện mà mình đang điều khiển. Trên đường phân làn đường, Điểm D.14, Mục b QCVN 41:2016 quy định “khi đến gần nơi đường bộ giao nhau, xe được phép chuyển làn để đi theo hành trình mong muốn. Việc chuyển làn phải thực hiện theo đúng các quy định pháp luật”. Nếu trước đây theo QCVN 41:2012: Đường có đặt biển 4.11 phân làn cho các phương tiện, ô tô đi bên trái, xe máy và xe thô sơ đi bên phải. Khi người điều khiển xe ô tô muốn rẽ phải, vẫn phải đỗ ở làn trái, đi qua vạch mới được phép rẽ phải để đi theo hành trình mong muốn. Thì nay, theo quy chuẩn mới, xe ô tô được phép nhập vào làn phải rồi rẽ phải. Cảnh sát giao thông không được phạt sai làn nếu người điều khiển phương tiện đỗ “sai làn” ở nơi đường giao nhau.

Và còn rất nhiều quy định mới về dừng đỗ phương tiện, biển báo được bổ sung thêm tại QCVN 41:2016/BGTVT sẽ tiếp tục được cập nhật trong các số báo tới nhằm giúp người tham gia giao thông hiểu rõ để chấp hành đúng pháp luật...

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những thay đổi lái xe cần chú ý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.