Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hành vi cần xử nghiêm

Tuấn Lương| 12/05/2017 07:05

(HNM) - Hiện có nhiều doanh nghiệp vận tải, lái xe đã


Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội kiểm tra việc lắp đặt và sử dụng thiết bị giám sát hành trình cho xe ô tô tại Bến xe Mỹ Đình.


Ngắt đường truyền để dễ vi phạm

Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho biết, cả nước có hơn 80% xe ô tô kinh doanh vận tải đã được lắp thiết bị giám sát hành trình (GSHT). Thông qua hệ thống này, cơ quan quản lý, chủ doanh nghiệp có thể kiểm soát, chấn chỉnh những lái xe chạy không đúng lộ trình, dừng đỗ, bắt trả khách dọc đường hay chạy quá tốc độ... Tuy nhiên, không ít phương tiện thường xuyên tìm cách trốn tránh truyền dữ liệu từ GSHT về hệ thống quản lý của Tổng cục.

Thực tế kiểm tra của các cơ quan chức năng cho thấy, trong khi nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư, lựa chọn những thương hiệu cung cấp thiết bị GSHT uy tín để lắp đặt cho xe nhằm giám sát và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, đội ngũ nhân viên lái, phụ xe trong việc tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, thì vẫn còn không ít đơn vị lại lựa chọn các loại thiết bị giá rẻ để lắp đặt đối phó. Không chỉ doanh nghiệp, mà trực tiếp các lái xe cũng tìm cách để tránh bị kiểm tra, xử lý vi phạm bằng cách ngắt, hoặc tắt thiết bị GSHT. Khi đã thoát được “mắt thần” của cơ quan quản lý, họ ngang nhiên chạy bừa, chạy ẩu, dừng đỗ, đón trả khách sai quy định...

Một lái xe khách chuyên chạy tuyến đường Bắc - Nam cho biết, để ngắt truyền dữ liệu rất đơn giản, chỉ cần nối thêm một công tắc phụ. Khi lái xe muốn chạy quá tốc độ thì tắt thiết bị GSHT để tránh bị lực lượng chức năng phát hiện. Biết làm vậy là vi phạm, nhưng do áp lực chủ xe “khoán” doanh thu nên lái xe phải chấp nhận... Cũng vì ngắt thiết bị GSHT nên đã có không ít vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng mà các ngành chức năng không thể phân tích được nguyên nhân. Điển hình là vụ tai nạn xảy ra ngày 7-5 làm 13 người chết, tài xế xe khách đã ngắt thiết bị GSHT.

Cương quyết thu hồi phù hiệu

Là một trong 10 địa phương có tỷ lệ “trốn” truyền dữ liệu cao, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GT-VT Hà Nội khẳng định, việc truyền dữ liệu là trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải và nhà cung cấp thiết bị GSHT. Trong trường hợp doanh nghiệp, lái xe cố tình không truyền dữ liệu hay tái phạm đều bị xử lý nghiêm theo quy định tại Thông tư 10 của Bộ GT-VT.

Để hạn chế tình trạng trên, Sở GT-VT Hà Nội đã rất cương quyết xử lý các phương tiện vi phạm. Gần đây nhất, ngày 26-4-2017, Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội Vũ Văn Viện đã ký quyết định thu hồi 442 phù hiệu xe ô tô các loại trong thời hạn 1 tháng với lý do, khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị GSHT các phương tiện này có 5 lần vi phạm vượt quá tốc độ chạy xe cho phép, hoặc người lái xe vi phạm quy định về thời gian lái xe liên tục... Cùng với thu hồi phù hiệu, Sở cũng công khai danh sách doanh nghiệp và phương tiện vi phạm, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh, có hình thức xử lý vi phạm, báo cáo về Sở bằng văn bản.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội An toàn giao thông Việt Nam, khi phương tiện không truyền dữ liệu từ thiết bị GSHT, doanh nghiệp, cơ quan quản lý không giám sát được hoạt động của phương tiện, các vi phạm của lái xe không được chấn chỉnh kịp thời sẽ có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông. Hiện, các văn bản quy phạm pháp luật đã quy định đầy đủ, để xử lý đối với những xe không truyền dữ liệu có thể thu phù hiệu xe; doanh nghiệp có nhiều xe bị thu hồi phù hiệu sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải... Vấn đề là cần sự quyết liệt trong kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm của lực lượng chức năng các địa phương nhằm nâng cao tỷ lệ phương tiện truyền dữ liệu GSHT và tuân thủ việc truyền dữ liệu một cách ổn định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành vi cần xử nghiêm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.