Theo dõi Báo Hànộimới trên

Triển khai sao cho phù hợp?

Hà Phạm| 18/09/2017 07:01

(HNM) - TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục triển khai dự án phát triển giao thông xanh, trong đó có tuyến buýt nhanh (BRT) và tuyến buýt chất lượng cao. Tuy nhiên, triển khai như thế nào cho phù hợp giữa các loại hình đang được chính quyền thành phố cân nhắc kỹ lưỡng.


Cần phát triển tuyến buýt chất lượng cao

PGS.TS Nguyễn Bá Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho rằng, chủ trương phát triển tuyến buýt nhanh mà chính quyền TP Hồ Chí Minh đề ra là đúng đắn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, thói quen đi lại của người dân đối với phương tiện công cộng hiện đại khối lượng lớn chưa có, vốn đầu tư lớn khi nguồn ngân sách hạn hẹp thì thành phố nên chuyển hình thức đầu tư từ tuyến buýt nhanh sang tuyến xe buýt chất lượng cao mới hợp lý.

Tuyến xe buýt chất lượng cao số 109 (Công viên 23-9 - Sân bay Tân Sơn Nhất) hướng tới tiêu chuẩn “5 sao” đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Lê Quân


Theo PGS.TS Nguyễn Bá Hoàng, việc phát triển tuyến buýt chất lượng cao không đòi hỏi phải có quỹ đất sạch như BRT, nguồn vốn bỏ ra ít hơn. Điều quan trọng, đây xem như bước “tập dượt” và hình thành thói quen của người dân khi đi lại bằng loại hình vận tải công cộng chất lượng cao, từ đó đánh giá được tính khả thi khi triển khai BRT sau này.

“Nếu mở tuyến buýt chất lượng cao, thành phố không cần đầu tư hệ thống giao thông thông minh, cải tạo làn đường dành riêng suốt tuyến, thiết bị soát vé, nhà chờ, kết cấu hạ tầng, đầu tư phương tiện BRT…”, PGS.TS Nguyễn Bá Hoàng nêu rõ.

Còn theo TS Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, làm BRT cần bảo đảm yếu tố nhanh (tốc độ), rẻ (giá cả), an toàn và thuận tiện. Trong các tiêu chí này, khó nhất vẫn là tiêu chí về tốc độ di chuyển vì lưu lượng xe cá nhân đang tăng quá nhanh tại các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh.

Cũng theo nhiều chuyên gia, trong khi thành phố chưa đồng bộ về hạ tầng giao thông, việc triển khai tuyến buýt chất lượng cao được xem là “bước chờ” để thành phố hoàn thiện các tuyến đường kết nối như vành đai, trên cao, cầu vượt…, hay các loại hình giao thông công cộng khác như Metro, xe điện mặt đất (Tramway), tàu điện một ray (Monorail)…, để đồng bộ và tăng tính kết nối, đem lại hiệu quả mong muốn. Bên cạnh đó, thành phố nên phát triển nhiều hơn nữa các tuyến buýt chất lượng cao chứ không riêng gì 1 tuyến buýt này để tăng tính kết nối giữa các tuyến, khi đó mới “kéo” được người dân tham gia đi lại.

Hài hòa giữa các giải pháp

Trao đổi với Báo Hànộimới, lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh cho hay, chủ trương của chính quyền thành phố là đẩy mạnh phát triển các dự án giao thông xanh, trong đó có dự án buýt nhanh và tuyến buýt chất lượng cao.

Tuy nhiên, tại cuộc họp mới đây với UBND thành phố và các đơn vị liên quan, Sở Giao thông - Vận tải cùng với Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông - đô thị thành phố (viết tắt là Ban Giao thông - Đô thị, chủ đầu tư) đã đề xuất phát triển dự án giao thông xanh theo 2 hướng là tiếp tục phát triển tuyến buýt nhanh và chuyển sang hình thức tuyến buýt chất lượng cao.

Lý do là trong quá trình phát triển dự án giao thông xanh, các đơn vị nhận thấy, việc chuyển sang phát triển tuyến buýt chất lượng cao phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông hiện nay. Trong quá trình này, thành phố sẽ dần xây dựng và hoàn chỉnh các tuyến đường nhánh kết nối với tuyến buýt chất lượng cao; tuyến đường Vành đai 2; Bến xe Miền Tây mới; mở rộng quốc lộ 1A, đoạn từ vòng xoay An Lạc đến Bến xe Miền Tây; giảm lượng xe giao thông cá nhân; nâng cao lượng người dân đi xe công cộng…, tạo tiền đề cho việc phát triển tuyến buýt nhanh trên Đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ một cách phù hợp.

Trả lời câu hỏi “Liệu thành phố có dừng hẳn tuyến buýt nhanh?”, ông Lương Minh Phúc, Trưởng ban Ban Giao thông - Đô thị khẳng định, thông tin TP Hồ Chí Minh dừng triển khai dự án xe buýt nhanh BRT là không chính xác, bởi lãnh đạo thành phố giao Ban Giao thông - Đô thị phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải hoàn chỉnh nội dung báo cáo rà soát tính khả thi và hiệu quả của dự án phát triển giao thông xanh thành phố. Điều này đồng nghĩa, thành phố chưa có kết luận cuối cùng về dự án.

Cũng theo ông Phúc, hiện Sở Giao thông - Vận tải cùng Ban Giao thông - Đô thị đã thống nhất và kiến nghị UBND thành phố tiếp tục triển khai dự án phát triển giao thông xanh trên cơ sở bổ sung, cập nhật, điều chỉnh một số hạng mục, cấu phần dự án nhằm bảo đảm những yêu cầu phù hợp với đặc điểm giao thông và đô thị thành phố.

Bên cạnh đó, tăng cường tính khả thi, hiệu quả dự án, làm cơ sở để nhân rộng loại hình xe buýt trong dự án thành mạng lưới, cấu phần cơ bản trong hệ thống giao thông công cộng thành phố tương lai (gồm các tuyến tàu điện ngầm, buýt chất lượng cao, tuyến buýt truyền thống sau khi quy hoạch lại).

Theo Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh, dự báo năm đầu tiên, lượng khách đi tuyến buýt nhanh gần 18.000 người/ngày, không giống như tính toán trước đây là gần 25.000 người/ngày, trong khi, thực tế năng lực vận chuyển tối đa của BRT lên đến 132.000 khách/ngày. Lượng khách này không hơn so với các tuyến buýt thường, thậm chí thấp hơn một số tuyến, trong khi kinh phí đầu tư BRT rất lớn. Cụ thể, dự án tuyến xe buýt nhanh BRT dọc Đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ dài 23km. Tổng mức đầu tư gần 144 triệu USD, dự kiến thi công vào tháng 8-2018 và hoàn thành tháng 12-2019.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển khai sao cho phù hợp?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.