Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghĩ dài cho đến hẹn... bớt lo!

Tuấn Khải - Tiến Thành| 16/12/2017 06:12

(HNM) - Đến mùa cao điểm cuối năm, nhiều trục giao thông chính vào cửa ngõ thành phố lại ùn tắc. Nguyên nhân có nhiều, nên giải pháp cũng đa dạng. Tăng cường lực lượng để chốt trực, tổ chức phân luồng từ xa và tại chỗ là những giải pháp trước mắt đang được các lực lượng chức năng của thành phố thực hiện...

Đường Phạm Hùng ùn tắc trong một ngày cuối năm. Ảnh: Lê Hiếu


Công trường "ép" lòng đường, vỉa hè bị lấn chiếm

Trung úy Phạm Lê Biên, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 6 (Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt) cho biết, tuyến đường Phạm Văn Đồng là cửa ngõ giao thông quan trọng phía Tây Bắc thành phố. Tuy nhiên, trong thời gian qua khi triển khai dự án mở rộng đường Vành đai 3 từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long đã gây ùn tắc giao thông trên tuyến, đặc biệt là trong giờ cao điểm tại khu vực cầu vượt Mai Dịch đến khu vực siêu thị Mega Market. Mặc dù Đội Cảnh sát giao thông số 6 đã bố trí lực lượng chốt trực tại các điểm nóng để phân làn, điều tiết giao thông, nhưng chưa đạt được hiệu quả cao do lưu lượng người tham gia giao thông quá lớn, trong khi đường Phạm Văn Đồng bị thu hẹp lại chỉ còn một nửa so với trước để nhường chỗ cho đơn vị thi công.

Thực tế "có công trường là có tắc đường" không phải là cá biệt mà khá phổ biến ở nhiều trục giao thông khác trên địa bàn thành phố ở thời điểm này, nhất là vào giờ cao điểm. Bên cạnh đó còn có một nguyên nhân mang tính "kinh niên" khác là tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại các trục giao thông này vẫn tồn tại.

Để khắc phục những bất cập này, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an TP Hà Nội) cho biết, Phòng sẽ huy động tối đa lực lượng, phối hợp với công an các quận, huyện, thị xã tập trung điều hành, hướng dẫn giao thông tại 15 tuyến quốc lộ, trục chính ra vào thành phố nhằm phân luồng từ xa, điều hành, hướng dẫn giao thông, kiên quyết không để xảy ra ùn tắc kéo dài, giảm áp lực tại các nút giao thông cửa ngõ. Đồng thời, tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát lưu động 24/24 giờ, tập trung vào các vi phạm về đi sai phần đường, làn đường, chở quá số người quy định; dừng, đỗ, đón trả khách sai quy định; chở quá tải, quá khổ...

Ngoài lực lượng Cảnh sát giao thông, Thượng tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự - Công an TP Hà Nội cho biết, Phòng cũng tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự đô thị, an toàn giao thông, tổ chức điều tiết tại các tuyến đường cửa ngõ. Trong đó trọng tâm là những vi phạm liên quan đến việc lấn chiếm vỉa hè lòng đường, đỗ xe sai quy định. Biện pháp này nhằm góp phần giữ gìn trật tự, an toàn giao thông tại các công trình trọng điểm đang thi công trên địa bàn thành phố, trả lại đường thông hè thoáng, bảo đảm phương tiện di chuyển thuận lợi qua các tuyến, địa bàn đang thi công.

Trước mắt: Tăng lực lượng, lâu dài: Thúc thi công

Ùn tắc tại các trạm thu phí vào dịp Tết Nguyên đán cũng đang là nỗi lo của các cơ quan chức năng cũng như đông đảo người dân. Vì thế, giải pháp khắc phục cũng được các lực lượng chức năng rất quan tâm. Theo Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (quản lý trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ), đơn vị đã sẵn sàng các phương án giải tỏa ùn tắc như chuẩn bị kế hoạch cho các tình huống ùn tắc cục bộ trên tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, sẵn sàng phân luồng từ xa, hướng các phương tiện sang đường quốc lộ 1A cũ; tổ tuần đường được duy trì liên tục, sẵn sàng xe cứu hộ để xử lý các tình huống va chạm, hư hỏng xe trên đường có thể dẫn tới nguy cơ ùn tắc.

Sở GT-VT Hà Nội đã chỉ đạo Thanh tra sẵn sàng phương án phối hợp với các lực lượng chức năng khác để bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố nói chung và các cửa ngõ Thủ đô nói riêng. Theo ông Trần Đăng Hải, Chánh Thanh tra Sở GT-VT Hà Nội, lực lượng thanh tra đã có kế hoạch ứng trực 100% quân số, sẵn sàng phối hợp với Cảnh sát giao thông nhằm chống ùn tắc tại các điểm có nguy cơ cao ùn tắc giao thông. Thanh tra Sở sẽ lập chốt để xử lý nghiêm các trường hợp xe đón trả khách trên đường, xe dù, bến cóc trước khu vực các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm, Yên Nghĩa, Gia Lâm...; đồng thời, phân tuyến từ các cửa ngõ nhằm hạn chế phương tiện ngoại tỉnh đi vào trung tâm. Với các khu vực bến bãi sẽ chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra xử lý, tránh trường hợp khi vắng bóng lực lượng chức năng thì các xe khách lại dừng, đỗ.

Tuy nhiên, theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, để giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông tại các tuyến đường cửa ngõ thành phố dịp cuối năm, về lâu dài cần đốc thúc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các công trình giao thông vốn thường triển khai vào dịp này. Hiện tại, trên địa bàn thành phố đó là các công trình như đường Vành đai 3 mở rộng, đường sắt trên cao qua quốc lộ 6, cầu vượt nút giao thông An Dương và đường Nghi Tàm… để tháo dỡ rào chắn, trả lại mặt đường cho các phương tiện tham gia giao thông. Đối với những tuyến đường nhỏ hẹp, không bố trí điểm đỗ và trông giữ xe sẽ nghiên cứu phần mềm ứng dụng có thể cảnh báo người lái xe những điểm đang bị ùn tắc để tìm đường khác... Về lâu dài, để giảm ùn tắc giao thông bền vững ở Hà Nội cần nhiều giải pháp đồng bộ, mang tính chiến lược. Song song với những biện pháp từ lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, các quận, huyện, thị xã cần quan tâm chỉ đạo các lực lượng chức năng gồm: Công an, lực lượng tự quản... tham gia hướng dẫn giao thông vào giờ cao điểm nhằm khắc phục tình trạng này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghĩ dài cho đến hẹn... bớt lo!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.