Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý nghiêm các đối tượng kích động tại trạm thu giá BOT

Lương Ninh Giang| 18/01/2018 20:40

Bộ GT-VT sẽ tiếp tục công khai, minh bạch thông tin về các dự án và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận của người dân và xã hội (HNMO) - Ngày 18-1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Công điện số 82/CĐ-TTg về bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT.


Công điện nêu rõ: bên cạnh những thành quả nhiều mặt, quá trình triển khai thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đầu tư BOT đã có một số tồn tại, bất cập cần tập trung khắc phục để bảo đảm các mục tiêu phát triển, hiệu quả kinh tế - xã hội và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hình thức đầu tư này. Các bất cập này đang bị các đối tượng xấu lợi dụng kích động, chống phá... làm mất an ninh trật tự và an toàn giao thông, gây ảnh hưởng xấu đến việc thu hút xã hội hóa đầu tư. Đặc biệt, sự việc xảy ra tại Trạm thu giá Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang và một số trạm thu giá BOT đang có diễn biến hết sức phức tạp, nhưng chưa có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương. Một số địa phương chưa thấy tính nghiêm trọng của vấn đề kẻ xấu lợi dụng việc này và chỉ coi là nhiệm vụ của ngành GT-VT. Tình hình phức tạp tại các trạm thu giá xảy ra ở một số tỉnh, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, nếu không được cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các cấp chính quyền ở các địa phương tập trung phối hợp xử lý thì có thể các đối tượng xấu càng lợi dụng, lấn tới, tiềm ẩn những hành vi gây mất an ninh trật tự, kể cả các tổ chức phản động lợi dụng phá hoại chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự thông qua việc phá hoại hình thức đầu tư BOT.

Để các cấp, các ngành có sự phối hợp chặt chẽ, tập trung các giải pháp giải quyết các bất cập đang diễn ra tại các dự án BOT giao thông, nhằm sớm lập lại an ninh, trật tự tại các trạm thu giá BOT trên toàn quốc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần trực tiếp chỉ đạo giải quyết triệt để tình hình mất an ninh trật tự trên địa bàn, lập tức có các biện pháp xử lý nghiêm đối với những đối tượng hành vi kích động, gây rối, cố tình phá hoại, gây mất trật tự xã hội theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ GT-VT phối hợp với Bộ Công an và UBND các địa phương tổ chức giao thông khoa học hơn, cắm biển phân luồng, phân làn hợp lý tại các khu vực trạm thu giá các tuyến tránh, nhất là các trạm đang xảy ra phức tạp; cung cấp ngay cho Bộ Công an các hồ sơ, tài liệu chuyên ngành có liên quan đến đối tượng kích động, chống phá, quấy rối tại các trạm thu giá (kể cả đối với các hành vi đưa tin sai sự thật, làm phức tạp tình hình) để có biện pháp xử lý nghiêm đối với các phần tử gây rối làm mất an ninh trật tự, nhất là các đối tượng đứng đầu, lặp đi lặp lại, nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Giao Bộ Công an chủ trì, cùng với Bộ Quốc phòng, Công an các địa phương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, xử lý ngay những đối tượng cố tình vi phạm; nhất là những thành phần lái xe có hành vi cản trở giao thông (như quay đầu xe nhiều lần, cố tình dừng xe trước trạm thu giá rồi bỏ đi làm việc khác…), phá hoại trang thiết bị tại trạm thu giá; các tổ chức, cá nhân có hành vi gây rối, chống phá, phản động. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì khởi tố để điều tra, xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo Giám đốc Công an địa phương giải quyết kịp thời an ninh trật tự tại các trạm thu giá, xử lý nghiêm các trường hợp không nghiêm túc thực hiện; đồng thời chỉ đạo Cục CSGT họp trực tuyến với CSGT các địa phương quán triệt các giải pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn...




* Cũng trong ngày 18-1, Bộ GT-VT đã tổ chức họp báo nhằm giải đáp một số vấn đề liên quan đến các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).Theo Bộ GT-VT, trong giai đoạn từ đầu năm 2016 đến tháng 7-2017, tại một số trạm thu giá như Trạm cầu Hạc Trì, Quốc lộ (QL) 32, QL6, Cầu Giát, Bến Thủy, Quảng Bình, Hưng Yên xảy ra hiện tượng các hộ dân sống gần trạm tập trung phương tiện cản trở để kiến nghị chính sách phí. Sau khi Luật Giá có hiệu lực (từ ngày 1-1-2017), Bộ GT-VT đã làm việc với các nhà đầu tư và các địa phương thống nhất chủ trương giảm giá cho các đối tượng bị ảnh hưởng ở vùng lân cận trạm thu giá.


Giai đoạn từ tháng 8-2017 đến nay, Bộ đã miễn, giảm giá cho các phương tiện khu vực trạm thu giá tại 51/55 dự án đã khai thác. Tuy nhiên, tình hình mất an ninh trật tự tại các trạm có chiều hướng phức tạp, không bảo đảm trật tự an toàn giao thông và gây ùn tắc; có một số nhóm đối tượng coi thường pháp luật, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, quyền và lợi ích của những người dân tuân thủ pháp luật. Điển hình là các hành vi: cản trở phương tiện qua trạm, cố tình không mua vé và gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến; cố tình điều khiển phương tiện tông hỏng barie để vượt trạm; đỗ xe trong trạm để lau chùi, rửa xe... Đáng chú ý, có một số đối tượng lôi kéo, kích động lái xe phản đối việc mua vé, cản trở các lái xe mua vé hoặc đe dọa nhân viên bán vé...

Bộ GT-VT đề nghị các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng các kiến nghị của người dân để có hành vi chống phá, kích động, cản trở giao thông tại các trạm. Bộ GT-VT sẽ tiếp tục công khai, minh bạch thông tin về các dự án và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận của người dân và xã hội...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý nghiêm các đối tượng kích động tại trạm thu giá BOT

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.