Theo dõi Báo Hànộimới trên

Luật sư đề nghị hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại

Thành Tâm| 23/04/2014 09:19

(HNMO) - Sáng 23-4, phiên phúc thẩm xét xử vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm kháng cáo bản án sơ thẩm vụ án “tham ô” và “cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Vinalines tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo.


Cũng để bào chữa cho bị cáo Dũng, luật sư cho rằng cần phải xem xét vai trò của các thành viên HĐQT khác vì Dũng không có vai trò quyết định. Hành vi của Dũng chỉ có thể là “thiếu trách nhiệm”. Luật sự Trần Đình Triển (bào chưa cho Dương Chí Dũng) cho rằng, hồ sơ của vụ án chưa thể khẳng định được mối quan hệ giữa Dũng và Goh Hoon Seow, chưa có chứng cứ phía đối tác Nga. Luật sư cho rằng, quá trình luận tội, VKS chỉ trích dẫn lời bị cáo Trần Hải Sơn là không khách quan, trong khi lời khai này còn nhiều mâu thuẫn. Những vấn đề đó dẫn đến vi phạm tố tụng.

16h15: Luật sư của Mai Văn Phúc cũng tranh luận, cho rằng hành vi của Mai Văn Phúc không đúng với tội danh bị tuyên án. Phúc không phải là người quyết tâm chủ trương mua ụ nổi, không có sự liên hệ với đối tác môi giới (AP). Mai Văn Phúc phải thi hành nghị quyết của HĐQT. Việc thanh toán tiền mua ụ nổi đã được đại diện ngân hàng khẳng định là hoàn toàn đúng thông lệ. Luật sư cho rằng những lời khai của Trần Hải Sơn về việc Phúc nhận tiền đầy mâu thuẫn, không đáng tin cậy. Luật sư dẫn lại những lời khai của Sơn, liên quan đến lần đưa tiền, số tiền và địa điểm giao tiền và cho rằng bị cáo liên tục có sự thay đổi lời khai, không thống nhất, không có chứng cứ. 


Xét kháng cáo của người có quyền lợi liên quan về số bất động sản có phần tài sản của Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, VKS ghi nhận kháng cáo của vợ bị cáo Dũng.

14h50, luật sư bào chữa cho bị cáo Dũng trình bày quan điểm, cho rằng có sức ép của yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng, trước sự phức tạp của loại tội phạm này nên cơ quan điều tra thiên về “buộc tội”, không chú trọng “gỡ tội”, ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo. Luật sự cho rằng không đủ cơ sở pháp lý để quy kết Dương Chí Dũng tội “tham ô”, vì Dũng không hề quản lý trực tiếp tài sản tại Vinalines. Chưa rõ cơ sở pháp lý để cho rằng 1,66 triệu USD mà AP “lại quả” là tài sản của Vinalines. Các lời khai của các bị cáo tại tòa cũng chưa nêu rõ được vai trò chủ mưu của Dũng, mối quan hệ của Dũng với Goh Hoon Seow. Luật sư cũng cho rằng mức án “tử hình” đối với Dương Chí Dũng chưa thỏa đáng, chưa thấu tình đạt lý, ngay cả nếu bị cáo có hành vi “tham ô”. Vì cho rằng có thêm chứng cứ mới là lời khai của Goh Hoon Seow, luật sư đề nghị hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại, đặc biệt là làm rõ hành vi “tham ô” của Dương Chí Dũng.

Ảnh: Dân trí


14h00': Tòa tiếp tục làm việc.

Trước khi bước vào với phần tranh luận tại tòa, đại diện VKSND Tối cao đã kết luận vụ án và tiến trình kháng cáo của các bị cáo. Trên cơ sở hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi công khai tại phiên phúc thẩm, đại diện VKSND Tối cao cho rằng Dương Chí Dũng và đồng phạm đã cố ý làm trái chỉ đạo của Chính phủ trong việc triển khai dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam và dự án mua ụ nổi 83M, gây thiệt hại nghiêm trọng, tham ô 1,66 triệu USD. Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc và đồng phạm còn “cố ý làm trái” trong việc mua ụ nổi 83M khi nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam chưa có hạ tầng, trình đề xuất mua ụ nổi với giá cao hơn giá đối tác. Vinalines chưa thực hiện đúng quy định về luật đấu thầu, chào hàng cạnh tranh. Trong việc khảo sát tình trạng kỹ thuật của ụ nổi, các bị cáo đã cố ý báo cáo sai thực tế về tình trạng kỹ thuật của ụ nổi, có ý đồ “mua bằng được ụ nổi”, thông qua môi giới là Công ty AP khiến giá cao hơn báo giá gốc của Công ty Nakhodka (chủ sở hữu ụ nổi 83M). Việc giải ngân, thanh toán mua ụ nổi cũng bị đánh giá là cố ý làm trái do Công ty AP chưa cung cấp đủ chứng từ nhưng Mai Văn Phúc, Bùi Thị Bích Loan, Trần Hữu Chiều vẫn chỉ đạo và ký bảo lãnh thư đề nghị ngân hàng giải ngân. Hành vi của các bị cáo nguyên là cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong cũng bị cho là “cố ý làm trái”, do biết ụ nổi quá tuổi (43 tuổi tính đến năm 2008) mà vẫn làm thủ tục thông quan. VKS cho rằng, tuy không bàn bạc, nhưng Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều đã thống nhất ý chí về việc mua ụ nổi, có sự giúp sức của các bị cáo khác, gây thiệt hại hơn 336 tỷ đồng. Vì vậy, việc truy tố các bị cáo về tội “cố ý làm trái” là đúng người đúng tội, không oan.

Về tội “tham ô tài sản”, mặc dù các bị cáo Dũng, Phúc không thừa nhận cầm tiền, kêu oan, nhưng căn cứ vào hồ sơ vụ mua bán, việc Dương Chí Dũng thừa nhận quan hệ thân thiết với Goh Hoon Seow, việc Dũng, Phúc chỉ đạo và cùng đồng phạm “mua bằng được” ụ nổi cho thấy hành vi “tham ô” là có. Thêm nữa, thực tế, Công ty AP đã chuyển hơn 1,66 triệu USD. Sơn không thể chiếm hưởng một mình vì không là người quyết định mua ụ nổi. VKS cho rằng, lời khai đưa tiền của Sơn phù hợp với lời khai của một số nhân chứng, bằng chứng tại khách sạn, thời gian xuất nhập cảnh của người liên quan…

Phiên sơ thẩm kết án Dũng, Phúc, Chiều Sơn về tộ “tham ô” là đúng. Kháng cáo của các bị cáo là không có cơ sở. Dương Chí Dũng giữ vai trò chủ mưu trong các hành vi “tham ô”, “cố ý làm trái”. Mức yêu cầu bồi thường đã tuyên ở phiên sơ thẩm là nhẹ so với thiệt hại, cần phải tăng (hiện gia đình Dũng đã nộp 5,2 tỷ đồng khắc phục). Mai Văn Phúc có vị trí, vai trò thấp hơn nên phải chịu hình phạt và mức bồi thường thấp hơn. Các bị cáo khác cũng góp phần gây thiệt hại nghiêm trọng nên cũng phải chịu mức hình phạt tương ứng. Vì vậy, mức án đã tuyên tại phiên sơ thẩm là có cơ sở, phù hợp. Riêng về mức bồi thường của bị cáo Lê Văn Dương, VKS cho rằng mức bồi thường này cao so với sai phạm, đề nghị xét giảm. Mức án sơ thẩm đối với các bị cáo nguyên cán bộ Hải quan là quá nghiêm khắc, đề nghị giảm một phần hình phạt cho các bị cáo.

Về án tử hình của bị cáo Dương Chí Dũng, VKS cho rằng tuy gia đình đã nộp một phần tiền khắc phục nhưng mức án “tử hình” là có cơ sở. Bị cáo Mai Văn Phúc tuy vai trò thấp hơn nhưng hành vi tham ô là nguy hiểm, tuy gia đình đã nộp một phần khắc phục nhưng mức án “tử hình” là đúng. Với, bị cáo Trần Hải Sơn, đại diện VKS cho rằng đơn kháng cáo về hành vi “tham ô” cũng không có cơ sở. Kháng cáo của Trần Hữu Chiều về tội “tham ô” cũng không có cơ sở.

11h20': Bị cáo Trần Hữu Chiều khai không chỉ đạo việc mua ụ nổi, không biết chủ trương “mua bằng được” ụ nổi 83M (theo lời khai của Trần Hải Sơn). Bị cáo Mai Văn Khang khai không biết ai liên hệ với Công ty AP.

11h10': HĐXX công bố văn bản của Bộ GT-VT gửi Cục Hải quan Khánh Hòa, công văn của Bộ GT-VT trả lời kiến nghị của bị cáo Lê Văn Dương. Cả 2 văn bản này đều xác định ụ nổi là xưởng sửa chữa tàu trên biển, thay thế nơi sửa chữa trên cạn và không phải là tàu biển.

11h00: Đại diện nguyên đơn dân sự Vinalines khi được hỏi về việc đánh giá mức giá của ụ nổi 83M cho rằng khó có thể đánh giá bởi thời điểm khác nhau. Ụ nổi 83M được coi là còn có giá trị nhưng muốn biết chính xác phải giám định định giá.

10h30': Trong phần xét hỏi, nhóm luật sư bào chữa cho các bị cáo nguyên là cán bộ Hải quan Vân Phong (Khánh Hòa) cũng đề nghị đại diện Bộ GT-VT, Bộ Tài chính trả lời về những nội dung liên quan, như: ụ nổi có phải là tàu biển không, nội dung trả lời của Bộ về đơn kêu oan của bị cáo Lê Văn Dương, kết quả giám định thiệt hại gắn với trách nhiệm của một số cán bộ Hải quan. Đại diện Bộ Tài chính cho rằng cán bộ Hải quan không có sai phạm, không gây thiệt hại. Lời khai của bị cáo Trần Hữu Chiều cũng bày tỏ nhận thức, thiệt hại của Vinalines (qua việc mua ụ nổi) không phụ thuộc vào việc thông quan của Hải quan.

10h20': Các bị cáo Mai Văn Khang, Trần Hữu Chiều khai trước tòa, thừa nhận có sai phạm khi đưa ra báo cáo khảo sát có nhiều điều chưa chính xác, nhưng việc mua ụ nổi không chỉ căn cứ vào kết quả khảo sát của đoàn công tác Vinalines (mà Khang, Chiều) tham gia. Vì vậy, Vinalines đã thuê tư vấn đăng kiểm nước ngoài. Bị cáo Lê Văn Dương (đăng kiểm viên) khai thêm, thời điểm mua ụ nổi 83M, Cục Đăng kiểm chưa có hướng dẫn về việc đăng kiểm kỹ thuật cho ụ nổi. Ngoài ra, đây là hoạt động giám định theo yêu cầu của Vinalines nên chỉ kiểm định những phần được chỉ định. Về vấn đề này, bị cáo Dương cho rằng, dù có sai phạm nhưng không “cố ý làm trái” nhiệm vụ đăng kiểm, hành vi không quyết định đến việc mua ụ nổi và thiệt hại do mua ụ nổi nên xin giảm hình phạt trách nhiệm dân sự.

Trong phần xét hỏi, luật sư cũng đề nghị đại diện Bộ GT-VT, Bộ Tài chính trả lời về những nội dung liên quan, như: ụ nổi có phải là tàu biển không, nội dung trả lời của Bộ về đơn kêu oan của bị cáo Lê Văn Dương, kết quả giám định thiệt hại gắn với trách nhiệm của một số cán bộ Hải quan. Đại diện Bộ Tài chính cho rằng cán bộ Hải quan không có sai phạm, không gây thiệt hại. Lời khai của bị cáo Trần Hữu Chiều cũng bày tỏ nhận thức, thiệt hại của Vinalines (qua việc mua ụ nổi) không phụ thuộc vào việc thông quan của Hải quan.

9h40': Khi luật sư của Dương Chí Dũng trích “lời tuyên thệ” của Goh Hoon Seow, đại diện của đối tác môi giới bán ụ nổi (công ty AP - Singapor) cho rằng Trần Hải Sơn là người dẫn đầu đoàn khảo sát, thương thảo, Sơn cho rằng không phải người đứng đầu. Về quá trình tiếp xúc, thương thảo để đạt đến thỏa thuận về khoản tiền 1,66 triệu USD, khá khác biệt với lời khai của Goh Hoon Seow, Trần Hải Sơn khai có gặp gỡ và thực hiện việc mượn tài khoản Công ty của em gái làm nơi nhận tiền là theo gợi ý, sắp đặt của Goh Hoon Seow. Nhân chứng Trần Thị Hải Hà (em gái Trần Hải Sơn) cho biết thêm, vì tin tưởng anh trai nên giúp nhận tiền.

Bị cáo Mai Văn Phúc cho biết khi về nhận chức đã báo cáo Bộ GT-VT về tiến độ dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam và việc mua ụ nổi. Sau đó được trả lời là việc mua ụ nổi thuộc quyền của Vinalines. Căn cứ pháp lý để mua ụ nổi 83M là kết quả của Cục Đăng kiểm. Bị cáo cũng cho rằng, quá trình ngân hàng giải ngân mua ụ nổi là hoàn toàn bình thường. Trả lời luật sư, bị cáo Mai Văn Phúc cho rằng không khẳng định Dũng quyết định mua ụ nổi mà chỉ có suy nghĩ đó khi biết về khoản “lại quả” 1,66 triệu USD. Liên quan đến việc từ đâu có số tiền này, bị cáo Dũng lại không thừa nhận việc có quen biết, giao dịch với Goh Hoon Seow mà mới chỉ gặp một lần trước thương vụ mua ụ nổi 83M, cũng không gặp gỡ đối tác nước ngoài nào.

8h00': Được luật sư xét hỏi, bị cáo Mai Văn Phúc cho rằng việc bàn giao khi mình về nhận chức Tổng Giám đốc đã không có điều mục cụ thể về dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, vì vậy không nắm được tiến trình triển khai dự án này. Việc làm trái chủ trương của Chính phủ tại dự án này đã xảy ra từ trước khi Mai Văn Phúc nắm quyền. Bị cáo không chỉ đạo gì cụ thể về việc mua ụ nổi, chỉ căn cứ vào ý kiến của Nguyễn Hữu Chiều, để Nguyễn Hữu Chiều thực hiện dự án từ đấu đến cuối. Bị cáo tiếp tục phủ nhận việc nhận tiền từ Trần Hải Sơn. Tuy nhiên, bị cáo cũng xin nhận một phần trách nhiệm khi để xảy ra sai phạm, với tư cách lãnh đạo.

Trần Hải Sơn khi được luật sự thẩm vấn, bị cáo tiếp tục khẳng định giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra. Trước các câu hỏi về việc Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc chỉ đạo việc “mua bằng được ụ nổi”, chỉ đạo chia tiền và việc chuyển tiền cho 2 bị cáo trên, nội dung về việc chỉ đạo thỏa thuận với đối tác việc “lại quả”… Trần Hải Sơn không trả lời trực tiếp mà chỉ cho rằng mọi nội dung đã khai tại cơ quan điều tra, nay không thay đổi. Dù có những mâu thuẫn trong lời khai tại cơ quan điều tra, tại tòa sơ thẩm về cách thức chia tiền và việc chuyển tiền cho các bị cáo Dũng, Phúc, song Sơn một mực cho rằng “sự thật” là mình đã giao tiền. Một số nội dung lời khai trong hồ sơ được luật sư đưa ra, bị cáo Sơn cho rằng không nhớ.

HNMO sẽ tiếp tục cập nhật

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật sư đề nghị hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.