Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xét xử vụ án Dương Tự Trọng: 13h30 chiều 23-5, Tòa sẽ tuyên án

T.Hoa| 22/05/2014 07:53

(HNMO)- Từ 7h50 sáng nay (22-5), TAND tối cao mở phiên phúc thẩm xét xử Dương Tự Trọng (nguyên Phó Giám đốc CATP Hải Phòng) và đồng phạm về tội danh “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.

Dẫn giải bị cáo Dương Tự Trọng vào phòng xử án


Trước đó, từ 7h, xe chở các bị cáo và các nhân chứng, trong đó có Dương Chí Dũng, anh trai của bị cáo Dương Tự Trọng đã có mặt tại sân tòa. Phía bên ngoài, có rất đông người nhà các bị cáo đứng ngóng chờ tin tức từ người thân.

Dương Chí Dũng có mặt tại phiên phúc thẩm với tư cách là nhân chứng


Trước khi Thư ký tòa tiến hành các thủ tục để phiên xét xử được bắt đầu, Dương Tự Trọng tranh thủ khoảng thời gian ngắn quay xuống để trao đổi với anh trai mình.

Dương Tự Trọng tranh thủ quay xuống trao đổi ngắn với Dương Chí Dũng


Trước đó, trong 2 ngày 7 và 8-1-2014, TAND TP Hà Nội đã xét xử sơ thẩm vụ án. Theo bản án, khi biết anh trai là Dương Chí Dũng bị khởi tố, Dương Tự Trọng, nguyên Phó Giám đốc CATP Hải Phòng, đã tổ chức cho anh trốn đi nước ngoài. Vũ Tiến Sơn, nguyên Phó Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - CATP Hải Phòng, đã thay mặt Trọng đứng ra liên lạc, chỉ đạo, phân công để tổ chức cho Dũng trốn đi nước ngoài.

Dương Chí Dũng sau đó được đưa vào TP.HCM, qua cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh để sang Campuchia rồi tới Singapore. Do không xin được visa vào Mỹ, ông Dũng quay lại Campuchia và ở tại đây gần 4 tháng cho tới khi bị bắt vào tháng 9-2012.

HĐXX nhận định, Dương Tự Trọng là cán bộ CA cấp cao nhưng đã làm sai, gây khó khăn cho công tác điều tra, dù có thành tích trong công tác nhưng cần phải áp dụng mức án cao, tuyên phạt 18 năm tù giam.

Bị cáo Vũ Tiến Sơn trực tiếp chỉ đạo việc đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn bị tuyên phạt 13 năm tù. Bị cáo Hoàng Văn Thắng, nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường - CATP Hải Phòng - 5 năm tù, Nguyễn Trọng Ánh, nguyên cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - CATP Hải Phòng - 6 năm tù, Đồng Xuân Phong, nguyên cán bộ Cục Hải quan Hải Phòng- 7 năm tù, Trần Văn Dũng, tức Dũng “Bắc Cạn”- 8 năm tù, Phạm Minh Tuấn, Giám đốc xí nghiệp Bạch Đằng - 5 năm tù.

Sau phiên tòa sơ thẩm, riêng Hoàng Văn Thắng không kháng cáo. 6 bị cáo còn lại kháng cáo.

Hai bị cáo Dương Tự Trọng và Vũ Tiến Sơn


Mở đầu phiên xét xử, chủ tọa phiên phúc thẩm Hà Thị Xuyến tuyên  bố  một số nhân chứng được triệu tập vắng mặt tại phiên tòa, trong đó một số nhân chứng vắng mặt không có lý do. Tuy nhiên, những nhân chứng này có đầy đủ các lời khai ở cấp sơ thẩm cho nên HĐXX quyết định vẫn tiến hành xét xử đối với vụ án.

8h35: Chủ tọa phiên toa bắt đầu với phần xét hỏi, làm rõ vai trò của Vũ Tiến Sơn trong quá trình đưa Dương Chí Dũng đi bỏ trốn. Bị cáo nhận thức rõ hành vi của mình xuất phát từ mục đích tình cảm nhưng đã vi phạm pháp luật.

“Với hành vi đã thực hiện, án sơ thẩm kết án về tội danh thì tôi hoàn toàn nhất trí, nhưng kết luận tôi có vai trò chỉ huy, chỉ đạo thì không đúng. Tôi chỉ thực hiện một công đoạn giúp anh Trọng và chỉ biết một số việc Trọng giao trực tiếp” – Sơn khai.

Khi trình bày mong muốn được giảm án, Sơn viện dẫn một số lý do như thành khẩn khai báo, bố đẻ có công với cách mạng.

Bị cáo Trần Văn Dũng, tức Dũng “Bắc Kạn” khai chỉ biết Dương Tự Trọng và Vũ Tiến Sơn chứ không có quan hệ với Dương Chí Dũng. Lúc Dương Chí Dũng bị đẩy về Campuchia, ngày 3-6, Dũng cầm gói tiền 30.000 USD do Sơn đưa sang đưa cho Dũng và quay về Việt Nam, từ đó không có liên hệ.

Bị cáo Dũng và Đồng Xuân Phong bị xét hỏi sau đó đều xin giảm nhẹ án với các tình tiết như thành khẩn khai báo, động cơ gây án xuất phát từ tình cảm anh em, không vụ lợi, gia đình có công với cách mạng để hưởng mức án thấp nhất.

Bị cáo Nguyễn Trọng Ánh khai từ đầu không được Trọng nói rõ đưa Dương Chí Dũng đi trốn, không liên lạc thường xuyên với Trọng hay Sơn, do đó động cơ, mục đích không cố ý vi phạm. “ Sức khỏe của bị cáo không được tốt (có nhiều u trong vòm họng). Bị cáo giảm gần 20kg trong thời gian giam giữ vì không ăn uống được. Bản án sơ thẩm vô hình chung là bản án “tử hình” với bị cáo nên mong muốn được giảm án” – Bị cáo trình bày.

Dương Tự Trọng tỏ ra căng thẳng trong suốt quá trình xét hỏi các bị cáo khác. Và khi tới lượt mình, bị cáo đã xúc động tới mức không thể trả lời các câu hỏi của Chủ tọa.

Bị cáo Dương Tự Trọng trước khi trả lời xét hỏi đã xin dành vài giây tưởng niệm cho bố của bị cáo Vũ Tiến Sơn vừa mất. Sau đó, do bị cáo quá xúc động, nước mắt nghẹn ngào, không thể trả lời các câu hỏi nên chủ tọa chuyển sang xét hỏi bị cáo Phạm Minh Tuấn.


Bị cáo Tuấn cho rằng tại phiên xét xử sơ thẩm, do chưa hiểu biết về pháp luật nên đã nhận tội nay giữ nguyên kháng cáo kêu oan và không nhận tội.

Khi đã bình tĩnh trở lại, trả lời câu hỏi của chủ tọa, Dương Tự Trọng xác nhận những lời khai của các bị cáo khác trong vụ án: “Việc các bị cáo còn lại tham gia không như đánh giá của VKSND và bản án sơ thẩm. Tôi không sợ ngồi tù, tôi làm tôi chịu trách nhiệm. Trong việc này, tất cả anh em tham gia đều là anh em thân tình, trừ Dũng “Bắc Cạn” là tôi biết qua giang hồ” - bị cáo.

Bị cáo Dương Tự Trọng cũng cho rằng quá trình tổ chức cho Dương Chí Dũng đi trốn không hề tinh vi như đã bị kết tội: “Khi biết tin anh sắp bị bắt, tôi bất ngờ hoàn toàn và nghĩ ngay đến những người tôi thân nhất, coi như ruột thịt. Chúng tôi không hóa trang, đi xe biển Hải Phòng giữa ban ngày. Cả Hải Phòng biết những người này là tôi quý nhất. Nếu tinh vi thì ở Hà Nội tôi có nhiều anh em xã hội khác” .

Dương Tự Trọng cũng khẳng định mình giữ vai trò chỉ đạo, còn từ Sơn trở xuống chỉ là vai trò thực hành trung gian. Bị cáo Dũng “Bắc Kạn” chỉ “đi cho vui”.

"Chúng tôi luôn tâm tâm niệm niệm rằng việc làm này chỉ là để anh Dũng lẩn trốn cơ quan điều tra, tránh bị bắt giữ. Còn ý định ra nước ngoài là của anh Dũng chứ mình không thể quyết định được” - Bị cáo khai

- Bị cáo có quan hệ với Hoàng Kim Nhung như thế nào? – Chủ tọa hỏi

- Bị cáo với Nhung quan hệ đã từng có thời kỳ yêu nhau, làm thơ tặng nhau.

- Ai là người đề xuất việc cho Dũng trốn đi nước ngoài?

- Là Dương Chí Dũng

- Bị cáo có ý kiến gì?

- Tôi có phân tích, anh đi như thế nguy hiểm, đằng nào chẳng phải về. Anh Dũng nói không phải bàn nữa, em ở nhà chăm sóc bố mẹ. Tôi hỏi anh đi bằng gì thì anh Dũng nói sẽ tự đi. Tôi nói như thế không được, sẽ có anh em, đường dây quen biết để giúp anh.

- Như vậy bị cáo đã đồng tình?

- Chắc chắn

Bị cáo Dương Tự Trọng cũng cho rằng, mình bị tòa sơ thẩm kết án bị cáo về tội danh “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” theo Điều 275 thì đúng nhưng khoản thì không đúng vì không có căn cứ để khẳng định tội danh của mình tạo ra dư luận xã hội xấu, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và làm cản trở đến quá trình điều tra của CQĐT.

“Tôi xin giảm nhẹ án không phải cho tôi mà chỉ muốn xin cho anh em. Việc tôi có mặt hay không có mặt trong cuộc đời không có ý nghĩa gì, nhưng còn người thân phải chịu khổ nhất. Tôi vào tù còn khỏe hơn, mỗi ngày tập luyện 3-4 tiếng đồng hồ, nhưng còn mẹ, vợ, con… những người không đáng tội lại tội hơn… Kính đề nghị HĐXX khách quan xem xét, đánh giá đúng để chúng tôi tâm phục khẩu phục” – bị cáo thành khẩn.

Trả lời các câu hỏi của HĐXX với tư cách là nhân chứng, Dương Chí Dũng thuật lại rõ ràng, đầy đủ quá trình từ khi được Dương Tự Trọng bố trí đưa vào nghỉ tại nhà bạn gái ở phố Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội cho đến khi sang Campuchia, định sang Mỹ nhưng không thành.

Dương Chí Dũng cung cấp các lời khai tại phiên tòa


“Bị cáo nói Thắng lái xe đi Quảng Ninh, Móng Cái. Trong thâm tâm muốn sang Trung Quốc cho gần. Nhưng trên đường đi, bấm độn thấy hướng Đông Bắc xấu. Trong cặp của bị cáo có hộ chiếu đi Mỹ chưa hết hạn. Con gái út hiện đang học tại Mỹ nên bị cáo quyết định chuyển hướng sang Campuchia để sang Mỹ. Lúc đầu bị cáo tính định đi xe ôm sang Campuchia nhưng Trọng nói không được, sợ tai nạn.

Quyết định trốn là do tôi. Đi ra Quảng Ninh là do tôi. Việc thay đổi hướng sang Campuchia cũng là ở tôi. Trọng chỉ bố trí xe và người giúp đỡ” – Dương Chí Dũng khẳng định.

“Nếu Trọng không giúp anh, liệu anh có trốn được không?” – Trả lời câu hỏi của chủ tọa, Dương Chí Dũng đáp: “Tôi vẫn trốn sang được, nhưng sẽ phải loay hoay xử lý đóng dấu nhập cảnh. Vào cảnh ấy thì ai cũng phải tính thôi… Đến bây giờ tôi rất thấm thía, đau khổ vì sai lầm. Tất cả anh em, mọi người, bạn bè thân thiết trong gia đình bị như thế này tôi rất khổ tâm”.

11h25: HĐXX kết thúc phần xét hỏi.  Đại diện VKS và các luật sư đặt thêm các câu hỏi với các bị cáo và nhân chứng


 11h40: HĐXX kết thúc phần phẩm vấn. Phiên tòa bắt đầu làm việc trở lại từ 14h chiều nay với phần luận tội.


Các bị cáo tại phiên xét xử  buổi chiều


14h chiều nay (22-5), TAND Tối cao tiếp tục phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Dương Tự Trọng cùng các bị cáo về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.

Đầu giờ làm việc, đại diện VKSND nêu lại nội dung vụ án, nhấn mạnh hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng. Mặc dù các bị cáo biết Dương Chí Dũng đã bị khởi tố và bắt tạm giam về tội “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Tham ô”, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, việc Chí Dũng trốn trót lọt sang Campuchia không những gây khó khăn cho công tác phòng chống tham nhũng, gây dư luận hoài nghi trong nhân dân đối với cơ quan bảo vệ pháp luật của Nhà nước. Nếu không bắt được Dũng thì những khoản tiền tham ô và tiền gây thất thoát của Chí Dũng sẽ không thu hồi được; đồng thời gây tốn kém không ít tiền của và sức lực của cơ quan điều tra tổ chức truy bắt, nên hậu quả xảy ra là đặc biệt nghiêm trọng.

VKS cho rằng, hành vi đưa Dương Chí Dũng ra nước ngoài của các bị cáo là nghiêm trọng, với thủ đoạn tinh vi. Mỗi bị cáo tuy được giao thực hiện từng phần việc nhưng đã phối hợp thực hiện chặt chẽ, chính xác. Các đồng phạm phần lớn là CA, đã sử dụng kinh nghiệm, nghiệp vụ trong phòng chống tội phạm để thực hiện hành vi phạm tội có tổ chức.

VKS thấy với bị cáo Dương Tự Trọng, là người chủ mưu, dù là cán bộ cao cấp trong ngành CA, nhưng khi biết Dương Tự Trọng bị khởi tố, có lệnh bắt tạm giam trong một chuyên án lớn đã không giữ vững lập trường, quan điểm mà để những suy tính riêng tư chi phối, đã chỉ đạo, yêu cầu một số cấp dưới thân tín móc nối đưa Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài; còn là người trực tiếp chuẩn bị, cung cấp điện thoại, phương tiện, tiền bạc để cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài

Mặc dù có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tuy nhiên trong quá trình điều tra, bị cáo đã ngoan cố, không chịu khai nhận nên bị tuyên 18 năm tù, là mức án cao với tội danh này. Sau cấp sơ thẩm bị cáo có nhận thức lại. Tại phiên phúc thẩm, bị cáo thành khẩn khai báo, là tình tiết giảm nhẹ mới phát sinh, do vậy cũng cần thiết áp dụng thêm để xem xét giảm nhẹ cho bị cáo một phần hình phạt

Bị cáo Vũ Tiến Sơn, có vai trò thứ hai sau Dương Tự Trọng, là người đã trực tiếp đứng ra, là mắt xích quan trọng xâu chuỗi hành vi phạm tội của các bị cáo với nhau. Ngoài trực tiếp chỉ đạo điều hành, Sơn còn là người trực tiếp chuẩn bị phương tiện như xe ô tô, điện thoại trong quá trình đưa Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài… Mức phạt của Sơn thấp hơn bị cáo Dương Tự Trọng, cao hơn các bị cáo khác là hợp lý. Các tình tiết giảm nhẹ tình phạt được cấp sơ thẩm xem xét, áp dụng đầy đủ như động cơ phạm tội xuất phát từ tình cảm, nể nang, lệ thuộc một phần vào Dương Tự Trọng trong quan hệ cấp trên - cấp dưới. Bản thân Sơn trước khi phạm tội là người có nhiều thành tích trong ngành CA, nhân thân tốt.

Đối với bị cáo Phạm Minh Tuấn, có vai trò thấp nhất trong vụ án. Bản án sơ thẩm đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ, xử phạt bị cáo 5 năm tù. VKS xét thấy mức án này là hơi nặng, nhưng do bị cáo kháng cáo kêu oan nên tại phiên phúc thẩm, Tòa chỉ tập trung chứng minh bị cáo oan hay không oan, không để cập đến việc giảm nhẹ tội cho bị cáo.

VKS nhận thấy Tuấn và Trọng là bạn thân, coi nhau như anh em trong gia đình. Với quan hệ mật thiết như vậy, việc gây thất thoát nhiều tỷ đồng của Dũng thì Tuấn không thể không biết. Trước khi đi đón Dũng để đưa xuống Quảng Ninh, Tuấn đã nói chuyện với Trọng ở Phố Nối.

Từ những phân tích trên, VKS đề nghị chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Dũng “Bắc Cạn”, Ánh, Sơn, Phong, Trọng và bác kháng cáo kêu oan của bị cáo Tuấn.

4h35: Luật sư Nguyễn Đình Hưng, bào chữa cho bị cáo Trọng cho rằng không thể đưa kết quả điều tra ngày hôm nay về hành vi phạm tội của Dương Chí Dũng để nói rằng 2 năm trước các bị cáo đã nhận thức được các bị cáo đã biết vụ án này là “đặc biệt nghiêm trọng”.

Luật sư này còn cho rằng, bản án sơ thẩm có những đánh giá chồng chéo, có tư duy làm phương hại đến các bị cáo, nhiều nhận định mâu thuẫn nhau…

Ngoài ra, LS đề nghị HĐXX xác nhận thái độ khai báo thành khẩn của Dương Tự Trọng tại phiên phúc thẩm; điều chỉnh lại những nhận định sai sót của án sơ thẩm.

Bị cáo Dương Tự Trọng đồng tình và không có ý kiến gì với nhận định của VKS cũng như bản bào chữa của luật sư Nguyễn Đình Hưng

15h03: Các luật sư tiếp tục đưa ra các căn cứ xin giảm nhẹ tội cho các bị cáo còn lại


16h10: Trong phần tranh luận, bị cáo Phạm Minh Tuấn cho rằng đại diện VKS đưa ra những cáo buộc rất khiên cưỡng đối với mình như “làm trong lĩnh vực hàng thải thì phải biết việc anh Dũng bị khởi tố bắt giam”


Các bị cáo Vũ Tiến Sơn, Đồng Xuân Phong trình bày ý kiến bổ sung sau khi các luật sư đã thực hiện phần bào chữa.

16h25: Đại diện VKS cho biết tiếp tục giữ nguyên quan điểm đánh giá về tính chất và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của vụ án. Việc truy tố các bị cáo cùng một khung hình phạt trong trường hợp này là chính xác.

Đại diện VKS giữ quyền công tố tại Tòa


Một số bị cáo như Trần Văn Dũng, Phạm Minh Tuấn, Đồng Xuân Phong tại thời điểm đưa Dương Chí Dũng đi chưa biết bị khởi tố, hành vi phạm tội ra sao… nhưng sau này bị đánh giá gây hậu qủa đặc biệt nghiêm trọng, đại diện VKS cho rằng đây là đánh giá trong vụ án có đồng phạm. Trong số đồng phạm có thể chưa biết tường tận vụ việc ra sao nhưng sẵn sàng tiếp nhận, làm theo chỉ đạo của bị cáo đầu vụ. Nếu chưa biết rõ, chưa hình dung được vụ án ra làm sao mà vẫn làm như bị cáo Tuấn “anh Trọng nhờ thì giúp” thì luật quy định là lỗi cố ý gián tiếp.

Về vai trò chủ mưu của Dương Tự Trọng, đại diện VKS lý giải, tình tiết người mật báo nếu như chứng minh được cũng chỉ là điều kiện thôi. Các bị cáo đều đã trưởng thành, có đầy đủ năng lực nhận thức, phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Bị cáo Phạm Minh Tuấn cho rằng mình bị oan. Đại diện VKS lập luận khi đi đón Dương Chí Dũng, với cương vị là quan chức nhà nước cao cấp, ra đi trong hoàn cảnh như thế thì Tuấn phải biết là “có chuyện”. Tuy nhiên, vì quan hệ anh em, bạn bè với Trọng, cho dù là Tuấn chưa rõ sự việc của Dương Chí Dũng là gì mà làm theo ý đồ của Trọng đã đủ cơ sở kết luận là đồng phạm.

16h35: Đối đáp lại những quan điểm của đại diện VKS, Luật sư Nguyễn Đình Hưng cho rằng sự giải thích về hậu quả nghiêm trọng của VKS là không thỏa mãn. Về vấn đề chủ mưu, LS đưa ra lập luận chặt chẽ rằng phải từ việc có người chỉ đạo việc Dương Chí Dũng trốn đi thì Dũng và Dương Tự Trọng mới thực hiện việc trốn.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp


16h41, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, khi đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn, các bị cáo không hề biết hậu quả xảy ra tại Vinalines. Hơn nữa, khi khởi tố Dương Chí Dũng tội “Cố ý làm trái…”, không phải tội tham nhũng. Vậy tại sao đại diện Viện kiểm sát lại đưa ra nhận định rằng dư luận quần chúng nghi ngờ về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

Về vấn đề đồng phạm, sau khi nêu khái niệm “đồng phạm” được pháp luật quy định, luật sư Thiệp cho rằng, trong vụ án này, các bị cáo chỉ nhằm mục đích đưa Dương Chí Dũng ra nước ngoài, không mong muốn hậu quả khác, nên cần xem xét lại việc quy kết đồng phạm.

17h09: Trước khi kết thúc phiên xét xử vào chiều nay, các bị cáo được nói lời cuối cùng.

Bị cáo Dương Tự Trọng đề đạt một số nguyện vọng: Do những văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện Khoản 3 Điều 275 Bộ luật Hình sự chưa được cụ thể rõ ràng nên mong HĐXX áp dụng điểm có lợi cho bị cáo

Ngoài ra, bị cáo mong HĐXX xem xét lại yếu tố “lỗi” đối với bị cáo Tuấn; vai trò chủ mưu của bị cáo Sơn bởi Sơn chỉ có vai trò ngang bằng các bị cáo khác.

“Chúng tôi đã bị tạm gian hơn 1 năm, thời gian trôi qua chậm chạp, lặng lẽ và dài đằng đẵng. Ở hoàn cảnh chúng tôi, mỗi giây, mỗi phút là sự khát khao tự do, nỗi nhớ nhà da diết cùng với khắc khoải lo lâu tuyệt vọng và xót xa. Càng xót xa hơn khi vì mình mà những người thân đang ngày đêm phải chịu những đau khổ, cay đắng. Khổ tâm nhất là khi nghĩ về bố mẹ. Tôi có nhiều đêm giật mình thổn thức gọi mẹ, nhớ mẹ và thương mẹ vô cùng... Mỗi ngày, tôi cũng cầu xin Chủ tịch nước từ bi cho anh Dũng và anh Phúc được sống. Kính mong HĐXX công minh, công tâm trong xét xử, không khiên cưỡng, không suy luận theo kiểu con gà đẻ trứng, văn minh và nhân đạo” ” – bị cáo bật khóc khi nghĩ về bố mẹ.

Bị cáo Ngô Tiến Sơn cũng vô cùng xúc động khi trình bày, sáng nay, tại phiên phúc thẩm mới biết bố mình đã mất. Bị cáo xin bố tha lỗi và mong muốn được hưởng khoan hồng, mau chóng trở về với đời sống để cống hiến, làm lại cho gia đình, xã hội.

Các bị cáo còn lại cũng đều thành khẩn mong HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ để giảm án, cho họ có cơ hội trở về cuộc sống.

17h20: HĐXX tuyên bố nghỉ làm việc. Sau buổi nghị án vào sáng mai, 13h30 chiều cùng ngày, Tòa sẽ tuyên án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử vụ án Dương Tự Trọng: 13h30 chiều 23-5, Tòa sẽ tuyên án

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.