Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Xứ Đông Dương - hồi ký Paul Doumer" tái hiện một giai đoạn lịch sử Việt Nam

T.Minh| 07/04/2016 17:33

(HNMO)- “Xứ Đông Dương” (tên tiếng Pháp: L'Indo-Chine française: Souvenirs) – là cuốn hồi ký của Paul Doumer, Toàn quyền Đông Dương giai đoạn từ năm 1897 đến năm 1902, và sau này trở thành tổng thống Pháp.



Cuộc tọa đàm về tác phẩm “Xứ Đông Dương - Hồi ký của Paul Doumer” vừa diễn ra tối 6/4 tại Trung tâm Văn hóa Pháp đã giúp cho độc giả hiểu sâu hơn về nội dung và giá trị của cuốn sách. Đặc biệt là hiểu hơn về một giai đoạn lịch sử Việt Nam dưới góc nhìn mới mẻ. Chương trình do Trung tâm văn hóa Pháp - L’Espace, Alpha Books và Trung tâm hợp tác trí tuệ Việt Nam (VICC) tổ chức, với sự tham gia của PGS. TS. Dương Văn Quảng, Nhà văn Nguyễn Trương Quý, Ông Nguyễn Cảnh Bình – Chủ tịch HĐQT Alpha Books.



Tại buổi tọa đàm, PGS. TS. Dương Văn Quảng đã chia sẻ với độc giả sâu hơn về nội dung và giá trị của cuốn sách, còn nhà văn Nguyễn Trương Quý cũng chia sẻ nhận định của mình về cuốn sách dưới góc nhìn của một nhà văn chuyên viết tùy bút, khảo cứu về Hà Nội. Bên cạnh đó, những chia sẻ của ông Nguyễn Cảnh Bình về cuốn sách, về Paul Doumer từ góc nhìn chính trị, kỹ trị cũng sẽ là những chia sẻ hấp dẫn với độc giả quan tâm đến chương trình.

“Xứ Đông Dương – Hồi ký Paul Doumer” của Paul Doumer, toàn quyền Đông Dương giai đoạn từ năm 1897 đến năm 1902, và sau này trở thành tổng thống Pháp (từ năm 1931 cho đến khi bị ám sát vào ngày 7-5-1932). Paul Doumer không chỉ là một nhà cai trị, ông còn là một học giả, một nhà kỹ trị, một chính trị gia đầy tham vọng muốn biến Đông Dương trở thành một nước Pháp ở Viễn Đông.

Vốn là người đã cai quản cả Đông Dương và từng giữ một chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Tài chính của Pháp và sau này từng làm chủ tịch Hạ viện, rồi chủ tịch Thượng viện Pháp nên người đọc có cơ sở để tin rằng những suy nghĩ và đánh giá của ông là những đánh giá sâu sắc, rất khác với nhiều tác giả thuộc địa khác.

Không chỉ dừng lại ở việc ghi chép về người thật việc thật, tác giả còn thể hiện rõ tầm nhìn xây dựng và phát triển quốc gia trong bối cảnh xứ Đông Dương nhưng cũng trong viễn cảnh chung của cộng đồng nước Pháp.



Lịch sử vốn là một ngôi nhà có nhiều cửa sổ. Đứng từ bên ngoài, tùy từng góc nhìn khác nhau, người ta có thể chứng kiến những mảng sáng tối khác nhau và đưa ra những nhận định tương phản khác nhau, điều đó là chuyện bình thường. Sự thẩm định của thực tiễn qua một khoảng thời gian lịch sử đủ độ lùi xa có thể sẽ đưa lại những đánh giá tương đối công bằng thỏa đáng hơn, tuy chắc chắn rằng chẳng bao giờ sẽ đạt được những phán quyết, kết luận cuối cùng.

Tuy nhiên, có một điều gần như được đồng thuận nhất trí trong những những ý kiến đối lập khác nhau, đó là việc mọi người đều coi Paul Doumer là một gương mặt lịch sử có tầm vóc lớn, một hiện tượng lịch sử để lại nhiều dấu ấn sâu đậm đối với Việt Nam cũng như nước Pháp thời cận đại. Những chuyển biến về kinh tế-xã hội và phát triển đô thị ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX cần được coi như những tiến hóa mang tính bước ngoặt của lịch sử dân tộc, trong đó có vai trò và sự đóng góp lớn của Paul Doumer. Một nhân cách độc lập, cấp tiến, bênh vực sự công bằng xã hội, một kẻ thù không khoan nhượng đối với tệ giáo điều, nạn tham nhũng và sự lười biếng trì trệ cũng có thể là một tấm gương đáng suy ngẫm đối với xã hội Việt Nam đương đại. Thêm vào là một mẫu hình ứng xử kết hợp nhuần nhuyễn giữa vốn kiến thức uyên bác và vốn kinh nghiệm phong phú, một tài năng trong tư duy logic vững chắc và phong cách biểu đạt dung dị sinh động trong nói và viết phải chăng cũng là những kỹ năng sống đáng học tập.

Lịch sử vốn là bức thông điệp đa nghĩa mà quá khứ luôn luôn nhắn gửi cho hiện tại. Tìm hiểu, suy ngẫm về bức tranh toàn cảnh của xã hội Việt Nam cách đây hơn một thế kỷ, những con người có vai trò ảnh hưởng tới xã hội ấy, trong đó có những hồi ức của Toàn quyền Paul Doumer, chắc chắn là những điều bổ ích và sẽ không bao giờ thừa".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Xứ Đông Dương - hồi ký Paul Doumer" tái hiện một giai đoạn lịch sử Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.