Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rộng cửa hội nhập, quảng bá văn hóa

Mai Hoa| 09/10/2016 06:55

(HNM) - Diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long (19C Hoàng Diệu - Hà Nội từ ngày 6 đến 10-10), Hội sách Hà Nội 2016 với chủ đề “Sách và Hội nhập” là một sự kiện có ý nghĩa lớn của Thủ đô nhằm thúc đẩy sự phát triển văn hóa đọc, qua đó, thực hiện tốt mục tiêu mà Đảng, Chính phủ đề ra là xây dựng một xã hội học

Hội sách Hà Nội 2016 thu hút đông đảo độc giả. Ảnh: Anh Tuấn



Tín hiệu tốt cho văn hóa đọc

Có thể cảm nhận rõ sự quan tâm của lãnh đạo TP Hà Nội trong tổ chức các hội sách một cách bài bản, có tính hệ thống, từ Phố sách Xuân cho đến Hội sách Thiếu nhi 1-6, và nay là Hội sách Hà Nội. Khẳng định các sự kiện này sẽ được tổ chức thường niên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung - khi phát biểu khai mạc sự kiện này - bày tỏ mong muốn những điểm hẹn văn hóa định kỳ sẽ “góp phần tôn vinh văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập, tạo nét đẹp trong đời sống văn hóa xã hội của Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Hội sách Hà Nội 2016 là hoạt động giao lưu văn hóa giữa các quốc gia trong cộng đồng ASEAN. Khác với các hội sách trước đây, bên cạnh sự góp mặt của đông đảo các đơn vị xuất bản nổi tiếng trong nước, Hội sách Hà Nội 2016 còn có sự tham gia của nhiều NXB, đơn vị phát hành nổi tiếng như: Cambridge, Oxford (Anh), Copperath (Đức), Glanat (Pháp), Susseaeta (Tây Ban Nha)... Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Sách Thái Hà, Ủy viên BCH phụ trách về hợp tác quốc tế của Hội Xuất bản Việt Nam phân tích: “Trong khuôn khổ Hội sách Hà Nội, việc bà Claudia Kaiser - Phó Chủ tịch của Hội sách Frankfurt Book Fair đến dự, trò chuyện về xu hướng phát triển của Ngành Xuất bản trên thế giới chắc chắn sẽ giúp Việt Nam mở ra nhiều cơ hội hợp tác. Bởi Hội sách quốc tế Frankfurt có quy mô lớn nhất thế giới, thường chỉ tổ chức trong 5 ngày nhưng có đến 4.000 sự kiện, hơn 10.000 nhà báo của hàng trăm quốc gia đến đưa tin. Bên cạnh đó, sự tham gia của Hiệp hội Xuất bản ASEAN và một số hiệp hội xuất bản các nước thành viên… chứng tỏ chúng ta đang hội nhập tốt. Hội sách được tổ chức bài bản, trang trọng, thu hút đông đảo bạn đọc, đặc biệt là các khán giả trẻ. Đó là tín hiệu tốt cho văn hóa đọc”.

Được khởi động từ tháng 6-2016, qua 4 tháng chuẩn bị, Hội sách Hà Nội 2016 có nhiều sự kiện đáng chú ý. NXB Kim Đồng tổ chức chương trình giao lưu “Mở khóa trí tưởng tượng”, giới thiệu dòng sách tranh không lời; NXB Phụ nữ tạo diễn đàn giao lưu giữa dịch giả và thí sinh cuộc thi “Thử tài dịch sách”… Cùng với đó là các hoạt động bổ trợ như tổ chức không gian “Trà sách - Thư pháp”, chiếu phim tài liệu nghệ thuật giới thiệu các di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội và phát một số chương trình tọa đàm ngoại cảnh tiếng Anh theo chủ đề “Hà Nội trong mắt người nước ngoài”… Đặc biệt, BTC cũng trao giải cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc Thủ đô năm 2016” trong dịp này.

Nói về hội sách, em Nguyễn Vân Thùy Linh (học sinh lớp 9A4 Trường THCS Ngô Sĩ Liên, quận Hoàn Kiếm) bày tỏ: “Em và nhiều bạn ở trường rất háo hức tham gia cuộc thi bởi đây là cơ hội để chúng em có thể chia sẻ những cuốn sách hay. Với bản thân em, Hội sách Hà Nội được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long chắc chắn là một kỷ niệm khó quên”.

Hội sách quốc tế Frankfurt (Đức) được coi là “Liên hợp quốc của sách” với kinh nghiệm gần 500 tuổi, thường được tổ chức định kỳ vào tháng 10 hằng năm. Mỗi năm, Hội sách có “khách mời danh dự” với những ưu đãi đặc biệt: Được dành khu trưng bày lên đến 2.000m2 ở khu vực trung tâm, được hơn 10.000 nhà báo quốc tế thuộc hàng trăm quốc gia đưa tin quảng bá cùng lúc… BTC sẽ gửi thư đến tất cả các quốc gia tham dự Hội sách để thu thập sách về quốc gia của “khách mời danh dự” bằng đủ thứ tiếng khác nhau.

Trở thành “Khách mời danh dự” của hội sách lớn nhất thế giới

Đặc biệt quan tâm đến Hội sách Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung không chỉ đến dự, đọc diễn văn và tham gia cắt băng khai mạc mà còn dành nhiều thời gian tiếp đón các vị khách quốc tế tham dự. Nói về ấn tượng của mình với Hội sách, bà Claudia Kaiser cho phóng viên Báo Hànộimới biết: “Tôi vô cùng ấn tượng về sự quan tâm của lãnh đạo Hà Nội tới sự phát triển của Ngành Xuất bản và vấn đề xây dựng văn hóa đọc. Hội sách được tổ chức ở một địa điểm đẹp, hấp dẫn, có nhiều sự kiện được tổ chức tốt, thu hút nhiều bạn trẻ...”. Tuy vậy, bà Claudia Kaiser cũng thẳng thắn góp ý: “Cảm nhận chung của tôi là các bạn còn chưa đầu tư nhiều cho hoạt động dịch, quảng bá các tác phẩm sách hay của Việt Nam ra thế giới. Tôi nghĩ các bạn cần tham gia Hội sách thế giới để quảng bá sách Việt Nam, văn hóa và con người Việt Nam với thế giới. Và, không thể thiếu vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ Ngành Xuất bản và công tác dịch thuật”.

Đúng như chủ đề “Sách và Hội nhập”, lãnh đạo Hà Nội đã không bỏ qua cơ hội hợp tác từ hoạt động này. Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Minh Khánh chia sẻ: “Trong buổi làm việc với bà Claudia Kaiser, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói rằng việc tham gia Hội sách quốc tế Frankfurt là cần thiết, và đề nghị bà Kaiser hỗ trợ, tư vấn giúp Hà Nội chuẩn bị các điều kiện để tham gia hội sách này như một cách để quảng bá văn hóa Hà Nội - Việt Nam thông qua các tác phẩm văn học. Mục tiêu của chúng ta là trở thành “khách mời danh dự” của Hội sách Frankfurt Book Fair vào năm 2021”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rộng cửa hội nhập, quảng bá văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.