Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Canh Hoạch

ANHTHU| 22/07/2008 14:15

(HNM) - Canh Hoạch tên Nôm là làng Vác, nay thuộc xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Tây. Canh Hoạch có nhiều dòng họ sinh sống từ lâu đời, như Mai, Trần…, cùng nhiều người hiếu học, người có tài trong các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật.

(HNM) - Canh Hoạch tên Nôm là làng Vác, nay thuộc xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Tây. Canh Hoạch có nhiều dòng họ sinh sống từ lâu đời, như Mai, Trần…, cùng nhiều người hiếu học, người có tài trong các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật. Nhưng nổi trội hẳn lên đến mức chói lọi, thì làng quê này có hai họ Nguyễn, sau thông gia với nhau và như hòa nhập với nhau vậy.

Khai khoa cho Canh Hoạch là Nguyễn Bá Ký (có thư tịch ghi là Phạm Bá Ký. ở đây chúng tôi theo phả tộc họ Nguyễn ở Canh Hoạch). Ông đỗ tiến sĩ khoa Quý Mùi 1463, niên hiệu Quang Thuận thứ 4 đời Lê Thánh Tông, rồi làm quan đến chức Thượng thư bộ Binh. Con trai ông là Nguyễn Đức Lượng sinh năm 1465. Lúc đầu vốn tên là Hề, đến khi đỗ Trạng nguyên khoa Giáp Tuất 1514, niên hiệu Hồng Thuận 6 đời vua Lê Tương Dực, được vua phê cho đổi tên là Đức Lượng. Sau, ông làm quan đến chức Tả thị lang bộ Lễ, khi mất, được thăng Thượng thư. Con trai Nguyễn Đức Lượng là Nguyễn Khuông Lễ, đỗ Tiến sĩ khoa ất Mùi 1535, niên hiệu Đại Chính 6 đời Mạc Đăng Doanh. Khuông Lễ làm quan đến chức Hữu Thị lang, tước bá. Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng có người em gái là Nguyễn Thị Hiền giỏi giang, xinh đẹp, lại có nét thi thư quý phái. Sự dun dủi của số phận, bà Nguyễn Thị Hiền làm vợ của công tử Nguyễn Doãn Toại con trai Thám hoa Nguyễn Doãn Địch. Việc Nguyễn Doãn Toại làm chồng Nguyễn Thị Hiền và chết ngay trong đêm đó, sau này được người đời truyền tụng khá ly kỳ, khó tin. Nhưng cuộc tình duyên này cho bà Hiền một con trai là Nguyễn Thiến. Ông ngoại của Nguyễn Thiến là Nguyễn Bá Ký. Ông nội Nguyễn Thiến là Nguyễn Doãn Địch, quê gốc là thôn Tảo Dương, sang cư trú ở Canh Hoạch từ lâu, năm 26 tuổi đỗ Thám hoa Khoa Tân Sửu 1481, niên hiệu Hồng Đức 12 đời Lê Thánh Tông, sau làm quan đến chức Hữu thị lang. Nguyễn Thiến (1495- 1557), khi lên 6 tuổi đã được mẹ cho theo học cậu ruột là Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng. Rồi Nguyễn Thiến cũng đỗ Trạng nguyên Khoa Nhâm Thìn 1532, niên hiệu Đại Chính thứ 3 đời Mạc Đăng Doanh. Ông làm quan cho nhà Mạc đến chức Thượng thư bộ Lại, Ngự sử đài đô ngự sử , Đông các Đại học sĩ, Nhập thị kinh diên, tước Thư quận công. Sau, vì bất mãn với nhà Mạc nên cùng thông gia là Đại tướng Thái tể Phụng quốc công Lê Bá Ly vào Thanh Hóa quy thuận nhà Lê Trung hưng. Vua Lê cho ông giữ nguyên các chức tước, đảm trách việc tuyển bổ quan lại cho nhà Lê trong 7 năm trời. Nguyễn Thiến qua đờinăm Thiên Hựu 1557, đời Lê Anh Tông, thọ 63 tuổi. Ông có hiệu là Cảo Xuyên, là danh sĩ có tiếng thế kỷ XVI. Nguyễn Thiến đỗ Trạng nguyên trước Nguyễn Bỉnh Khiêm một khoa, lúc sinh thời, hai người thường xướng họa thơ văn cùng nhau. Tác phẩm của ông còn lại 16 bài thơ chép trong sách Toàn Việt Thi Lục. Theo sách Nhị Khê Nguyễn thị gia phả, Nguyễn Thiến là viễn tổ của thi hào Nguyễn Du…

Ngôi đình làng Canh Hoạch, gọi là đình Vác, còn có tên nữa là đình Đụn, một ngôi đình với kiến trúc thời Lê - Mạc thật hoành tráng và bay bổng. ở đây thờ ba vị Phúc thần làm Thành hoàng. Hai ngài, Trình Lý và Cao Hàn, tương truyền là tướng của Vua Hùng thứ 18, từng lập đồn luỹ tại thượng trang Cổ Hoạch. Do vậy dân Canh Hoạch thờ hai ngài. Một vị nữa là tướng quân Trần Uất, tương truyền là con thứ của Hưng Đạo đại vương, luôn sát cánh bên cha đánh giặc NguyênMông. Thấy Canh Hoạch là chốn địa lợi, Ngài đã lập đồn binh tại đây để đánh giặc. Dân canh Hoạch nhớ ơn, thờ phụng Ngài. Cách đình không xa, có nhà thờ Trạng nguyên, cũng là Nhà thờ họ Nguyễn có ba nhà Khoa bảng lớn là Bá Ký, Đức Lượng và Khuông Lễ. Trong Nhà thờ này còn có đôi câu đối (tạm dịch): “Cậu Trạng Nguyên, cháu Trạng Nguyên, Khoa danh đỗ đầu sáng danh sử sách/cha Tiến sĩ, con Tiến sĩ, tám đời quyền quý phúc ấm đầy nhà”. Ngoài Nhà thờ Trạng nguyên, ở Canh Hoạch có Nhà sắc, còn gọi là Đình sắc, toạ lạc trên nền nhà cũ của bà Hiền thân mẫu Trạng nguyên - danh sĩ Nguyễn Thiến. Thoạt đầu Đình sắc được dân làng dựng lên để quản giữ những đạo sắc vua phong cho các vị Thành hoàng làng. Về sau, thành là nơi thờ danh tướng Nguyễn Quyện và là nơi ghi giữ công tích của gia tộc Trạng nguyên Nguyễn Thiến.

Nhắc đến gia tộc Nguyễn Thiến nói riêng và truyền thống nhân bản của Canh Hoạch nói chung, không thể không nhắc Nguyễn Quyện, con trai Nguyễn Thiến. Vốn là tướng giỏi của nhà Mạc, vì giữ hiếu, Nguyễn Quyện phải theo cha vào quy thuận nhà Lê. Đến 1557, khi người cha qua đời, Nguyễn Quyện theo lòng trung, cùng em là Nguyễn Miễn trở lại với nhà Mạc. Đương thời, dân gian có câu: “Quyện tồn Mạc tạc, Quyện bại Mạc vong”. Quả vậy, Nguyễn Quyện trở về với nhà Mạc, đã cầm quân đánh một số trận thắng, khiến thanh thế quân Mạc cao hẳn lên. Tuy nhiên, nhà Mạc đã không còn được lòng dân, vai trò cá nhân Nguyễn Quyện không cưỡng lại được xu thế tất yếu của lịch sử. Năm 1592, Nguyễn Quyện thua trận ở Ô Cầu Dền, bị bắt. Trịnh Tùng muốn dụ, ông quyết giữ khí tiết. Nguyễn Quyện chết trong ngục ngày 4 tháng 11 năm Quý Tỵ 1593. Sinh thời, Nguyễn Quyện với tài năng lẫy lừng nên được Vua Mạc phong đến Thường Quốc Công, rồi đến Thái bảo. Ông còn đem một số quân sĩ thuộc quyền về xây dựng căn cứ quân sự lớn ở quê nhà; và, mở mang kinh tế thương nghiệp ở trang Cổ Hoạch khiến từ Ngã tư Vác cho đến Tảo Dương trở nên thịnh vượng, sầm uất ngay từ thế kỷ XVI. Dân chúng vùng Cổ Hoạch xưa vô cùng tự hào về Nguyễn Quyện. Tới Triều Nguyễn, đã có sắc phong cho ông là bậc tướng tài của đất nước. Bởi vậy dân Canh Hoạch thờ ông ở Đình sắc…

Việc sách Nhị Khê Nguyễn thị thế phảghi Nguyễn Thiến là viễn tổ của thi hào Nguyễn Du, xin nêu vắn tắt: Con trai thứ của Trạng nguyên Nguyễn Thiến là PhùHưng hầu Nguyễn Miễn. Con trai thứ ba của Nguyễn Miễn là Nam Dương hầu Nguyễn Nhiệm, năm 1601 đã tụ binh ở vùng Hoàng Giang (Ninh Bình) để chống lại nhà Lê. Thất bại, Nguyễn Nhiệm chạy vào ẩn cưở Tiên Điền (Nghệ An) và là tổ của họ Nguyễn ở Tiên Điền, sau này sinh ra thihào Nguyễn Du. Về Đình sắc có liên quan đến hai người con gái của danh tướng Nguyễn Quyện. Người chị là Nguyễn Thị Nguyệt đoan trang tươi đẹp, được tấn phong Hoàng hậu của Mạc Mậu Hợp. Người em là Nguyễn Thị Niên, làm vợ Quận công Bùi Văn Khuê. Nhưng, khi thấy bà Nguyễn Thị Niên dung nhan mỹ lệ, vua Mạc Mậu Hợp liền yêu mê và có ý nài hoa ép nguyệt. Bùi Văn Khuê đã phải đưa vợ và một số thủ hạ vào giữ đất Ninh Bình, rồi cho con là Bùi Văn Nguyên vào Thanh Hóa xin quy thuận nhà Lê.Vua Lê và chúa Trịnh Tùng chưa thực tin, cho tướng Phan Ngạn ra quản thúc vợ chồng Bùi Văn Khuê. Rồi Phan Ngạn lại mê mẩn trước sắc đẹp của bà Niên, đã lập mưu giết ông Khuê và ép bà làm vợ mình. Bà Nguyễn Thị Niên xin làm tuần chay tế chồng cũ rồi mới dám lấy chồng mới. Và đêm đó trên sông Gián Khẩu, sau tuần chay, Phan Ngạn xuống thuyền bà Niên đúng như bà trù liệu. Có hiệu lệnh, thủ hạ của bà giết chết Phan Ngạn. Bày rượu tế chồng xong, bà Nguyễn Thị Niên bảo đưa thuyền ra vực Bông, chỗ sâu nhất khúc sông Gián, rồi trẫm mình tự vẫn. Người chị Nguyễn Thị Nguyệt, sau, bị quân của Trịnh Tùng bắt, rồi chết ngày 25 tháng 11 năm 1592… Hiện ở Đình sắc có đôi câu đối chữ Nôm: “Bến Gián nhô lên gươm tiết nghĩa/ vực Bông gieo xuống gánh cương thường”… Một người tài nữ nữa, là em ruột của tướng Nguyễn Quyện, bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, hiệu là Nữ chúa Huệ Lan, dân chúng gọi bà là Bà Chúa Thuận. Là vợ Chúa Trịnh, bà có uy thế lập bàn thờ Nguyễn Quyện ngay nơi Đình sắc. Con bà sau này đã mua 3 mẫu ruộng đặt hậu cho bà ở chùa Vác, và mua 1,5 mẫu ruộng đặt hậu cho bà ởĐình sắc, nhờ dân làng hương hoả thờ phụng. Đình sắc hiện gồm ba gian chính cùng tả mạc, hữu mạc hai bên. Gian chính giữa đặt long ngai, bài vị của Thường Quốc công Nguyễn Quyện. Gian bên phải để hòm sắc. Gian bên trái đặt bài vị Bà Chúa Thuận. Đình sắc cũng là nơi ghi giữ công tích của gia tộc Trạng nguyên Nguyễn Thiến. Đôi câu đối ở đình sắc cho thấy rõ điều đó (tạm dịch):

Văn đỗ Trạng nguyên, võ làm tới Thường Quốc công, phú quý đầy triều.

Trai thì trung thần, gái thì trọn đạo làm vợ, sử sách còn ghi.

Canh Hoạch nổi tiếng thiên hạ năm, sáu thế kỷ xưa là vậy. Còn gần trăm năm nay, người tứ xứ biết tới làng quê này qua Ngã tư Vác, một ngả về Hà Đông, một ngả tới ứng Hòa, một ngả sang Ngã ba Thá, một ngả vào làng giò chả Tân Ước. Ngã tư Vác còn được gọi là phố Vác. Làng Canh Hoạch nằm ven theo phố Vác. Ngoài làm nông, người Canh Hoạch còn thạo rất nhiều nghề nữa: Làm nón lá, làm giấy cuộn pháo; đan phên, cót, đóng chõng tre, giường tre, vót đũa tre, làm đòn gánh, làm giỏ ấm ủ nước, thợ mộc, thợ xây, thợ may, thợ cắt tóc; làm thầy lang chữa bệnh, chữa đồng hồ, chữa xe đạp, chụp ảnh; làm gạch ngói, gạch hoa…, và nghề làm quạt giấy là hay nhất, khiến cả nước biết tiếng quạt Vác!

Tân An

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Canh Hoạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.