Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần lắm những món ăn tinh thần lành mạnh

ANHTHU| 22/08/2006 10:13

Chúng tôi vẫn thiên về ý nghĩ, rằng Cuộc vận động “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” (CVĐ) cần một cú hích thật sự. Những giải pháp tổng thể, những việc làm của các ngành hữu quan  là một chuyện. Còn phải có sự nuôi dưỡng đời sống tinh thần nhân dân một cách có chủ ý bằng những món ăn tinh thần lành mạnh. Hiện thực ra sao ? Chúng ta có thể và cần phải làm gì ?

Xem phim là một trong những nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của người Hà Nội Ảnh: Linh Tâm

Chúng tôi vẫn thiên về ý nghĩ, rằng Cuộc vận động “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” (CVĐ) cần một cú hích thật sự. Những giải pháp tổng thể, những việc làm của các ngành hữu quanlà một chuyện. Còn phải có sự nuôi dưỡng đời sống tinh thần nhân dân một cách có chủ ý bằng những món ăn tinh thần lành mạnh. Hiện thực ra sao ? Chúng ta có thể và cần phải làm gì ?

Nói thành “vấn đề” là có vẻ “nâng quan điểm”, thật sự thì những món ăn tinh thần khoanh lại, chi tiết hóa lại là những nhu cầu đơn giản. Nó cũng như ăn, mặc, ở, là xem gì, chơi gì mà thôi. Chỉ có điều khi còn khó, người ta chưa thấy những món ấy quá cần thiết với mình.

Bây giờ chắc đã khác. Hà Nội đang ở giai đoạn phục hồi phong trào xem phim rạp. Dễ đã 6-7 năm nay, rạp Tháng Tám trên phố Hàng Bài chia đất xây cất mấy phòng chiếu để dễ bề “một tối chiếu liền mấy phim”. Xu thế ấy được Trung tâm Chiếu phim quốc gia củng cố bằng loạt phòng chiếu hiện đại và quãng gần năm nay là cụm rạp Ngọc Khánh - 523 Kim Mã, cụm rạp 191 Bà Triệu. Sự sôi nổi còn thấy rõ qua sự “quay trở lại với chiếu bóng” của các rạp Bạch Mai, Đặng Dung, Dân Chủ và sự hiện diện tươi mới của những Fafilm Cinema trên đường Nguyễn Trãi, Cinema Trẻ ở Nguyễn Quý Đức...

Ở 84 Lý Thường Kiệt gần chục năm nay có tên rạp Fansland Cinema được nhiều người biết tới. Khá lạ ở cái rạp này, là ở các suất chiếu sớm (18h, cuối tuần có thêm các suất 14h, 16h15) quanh quẩn chỉ thấy giới thiệu mấy bộ phim kinh điển của Mỹ như Rạp chiếu bóng Thiên Đường, Casablanca, Kẻ cắp xe đạp, Người đàn bà đẹp, Bay trên tổ chim cúc cu...ấy vậy mà cái rạp cu cũ, chuột có thể chạy ngang các hàng ghế bất cứ lúc nào, luôn giữ được một lượng khách ổn định mà phần nhiều là sinh viên, các cặp tình nhân - không đông lắm, nhưng cũng không thể nói là quá vắng so với những phòng chiếu ở Lý Nam Đế, Kim Mã, Đặng Dung. Nói chuyện này, chúng tôi muốn hướng đến một vấn đề khác: nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người Hà Nội khá đa dạng, có chịu ảnh hưởng của các trào lưu nhưng vẫn ổn định ở mức độ nào đó. Nhìn lại 4-5 năm trước cho đến năm ngoái, phim Hàn Quốc vẫn là đối trọng đáng ngại nhất đối với các dòng phim khác - chủ yếu ở thị trường Việt Nam là phim Mỹ và phim của ta. Đến giờ này, căn cứ vào tần suất xuất hiện của phim Hàn tại các rạp, có thể nhận thấy dòng phim này đã không còn tung hoành như trước nữa. Dòng phim Mỹ đang lấy lại khách, đặc biệt là khi các nhà nhập khẩu dám mua và đủ sức mua những bộ phim mới, hấp dẫn. Như thế, nhu cầu của người xem là quan trọng, nhưng phía nắm nguồn phim cũng có thể tác động mạnh mẽ vào quá trình hưởng thụ bằng cách tìm cho ra những giá trị điện ảnh đích thực. Tại sao cứ phải là phim Hàn Quốc ?

Nói tới sự hưởng thụ nghệ thuật thì còn phải nói đến các loại hình nghệ thuật khác ngoài điện ảnh, trong đó sân khấu là mảng quan trọng. Đến bây giờ, các nghệ sĩ, báo giới, nhà quản lý vẫn thường băn khoăn tại sao sân khấu vắng khán giả. Người ta thường tìm lý do từ chất lượng kịch bản, đạo diễn mà chưa chú ý đầy đủ đến chất lượng rạp hát, công tác phổ biến thông tin nghệ thuật liên quan... Như thế là chưa đủ. Rồi nữa, Hà Nội hiện có 5-6 đoàn nghệ thuật nhưng giờ chỉ có múa rối Thăng Long là sôi nổi. Loại chủ lực, như Nhà hát Kịch Hà Nội, không bằng chính họ cách nay hai chục năm. Hồi ấy, người Hà Nội có xem kịch, cải lương ? Nhiều, ít thế nào thì chưa rõ chứ dân phe vé hồi ấy sống được là đủ thấy dân có thích hay không. Vậy thì hiện thực giờ nói lên điều gì ?Rạp Công Nhân ít đỏ đèn có phải do chất lượng vở kém, tiện nghi ở đó đã quá lạc hậu hay lỗi ở sự thờ ơ của người Hà Nội ? Chỉ biết rằng đó là điều cần giải mã, dù biết là rất khó, bởi nhà rạp vắng khách cũng đồng nghĩa với việc nhiều người bỏ qua một món ăn hữu ích cho đời sống tinh thần.

Nhu cầu tăng lên kéo theo sự hình thành hệ thống hạ tầng dành cho nghệ thuật. Chúng tôi đã dẫn ở trên về sự hồi sinh của hệ thống rạp chiếu bóng ở Hà Nội. Như thế cũng đủ nói công sức của các ban, ngành thành phố có liên quan lớn thế nào. Sự chuyển đổi, từ chỗ một số rạp chiếu, rạp hát biến thành quán bia, vũ trường... nay quay lại phục vụ đối tượng của nghệ thuật, đã là bước tiến dài đáng kể. Nhưng có điều làm nhiều người băn khoăn, như cái cách chăm chút cho đời sống tinh thần ở ngoại thành. Tại sao cả một thời gian dài không còn quá túng thiếu đã qua, đến giờ ở các huyện vẫn chưa thấy xuất hiện đủ rạp chiếu bóng, rạp hát - thứ thiết chế có vai trò mà nhà văn hóa, trung tâm văn hóa - thể thao dù hiện đại đến mấy cũng không thể thay thế được. Thành phố chắc hẳn biết điều đó, nên luôn cử các đội chiếu phim lưu động, đoàn nghệ thuật về làng, xã phục vụ bà con vào các dịp lễ trọng. Nhưng như thế là chưa đủ, cần phải cung cấp món ăn tinh thần chất lượng một cách thường xuyên hơn.

Chúng tôi không đề cập tới việc Hà Nội chưa lập tức lo đủ chỗ chơi, hình thức giải trí phù hợp cho giới trẻ, bởi điều đó đã được phản ánh một phần trong những bài viết đăng trên trang 5 của số báo này. Chúng tôi cũng không nói về sự tồn tại của đủ loại văn hóa phẩm lậu luôncản trở quá trình tiếp cận vẻ đẹp nghệ thuật đích thực của người tiêu dùng, bởi đó là điều mà giới truyền thông đã đề cập quá nhiều... Vấn đề là quan điểm hành động của UBND TP và các sở, ngành liên quan như thế nào.

Một dịp khác, chúng tôi sẽ giới thiệu những chương trình hành động cụ thể, những đề án thiết thực của các cấp, ngành nhằm cải thiện đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Hà Nội - cả nội và ngoại thành.

Đức Huy

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần lắm những món ăn tinh thần lành mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.