Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: ''Đã đi là đi đến cùng, không bỏ cuộc''

Vân Thảo| 06/11/2022 13:25

(HNMCT) - Với 4 bộ phim truyện dài “Sống trong sợ hãi” (2006), “Chơi vơi” (2009), “Lời nguyền huyết ngải” (2011) và “Tro tàn rực rỡ” (2022), Bùi Thạc Chuyên là một trong những nhà làm phim Việt Nam theo đuổi dòng phim nghệ thuật nhưng không quên chú trọng đến thị hiếu khán giả. Anh cũng là đạo diễn chịu thử sức ở các thể loại khác nhau: Phim truyền hình, phim ngắn, phim tài liệu, phim quảng cáo…

1. Trong thời gian làm việc tại địa chỉ 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, tôi thường gặp đạo diễn Bùi Thạc Chuyên ở lối lên cầu thang tầng 4, nơi có Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển tài năng điện ảnh - TDP, trực thuộc Hội Điện ảnh Việt Nam - do anh sáng lập và điều hành. Ít nói và kỹ tính trong công việc, đó là điều tôi ấn tượng với Bùi Thạc Chuyên.

Thực ra, nếu chưa từng gặp Bùi Thạc Chuyên ngoài đời, chỉ cần xem phim của anh, cũng nhận ra điều đó. Một câu chuyện ấn tượng của “Sống trong sợ hãi”, những khuôn hình đẹp, tĩnh tại trong “Chơi vơi” và đề tài bắt kịp xu hướng thị trường ở thời điểm “Lời nguyền huyết ngải” ra mắt cho thấy Bùi Thạc Chuyên là nhà làm phim “luôn vận động”, biết cách và hiểu tác dụng của việc làm mới bản thân cũng như tác phẩm của mình. Anh chỉ không “làm mới” nguyên tắc làm việc. Đó là không “khoe” bất cứ điều gì về bộ phim trước khi nó hoàn thành. Bằng cách đó, Bùi Thạc Chuyên không tạo cho mình nhiều áp lực, kỳ vọng, đồng thời dành cho công chúng quyền được thưởng thức và cảm nhận bộ phim một cách trọn vẹn.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Anh là con trai của nhà văn Bùi Bình Thi. Mẹ anh là họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh theo học khoa Diễn viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và về đầu quân tại Nhà hát Kịch Việt Nam từ năm 1990. Trong khoảng thời gian này, Bùi Thạc Chuyên tham gia những vở kịch lớn gây tiếng vang trên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam như “Vua Lia” (vai Edgar), “Ngụ ngôn năm 2000” (vai ông già)…

Tuy nhiên, anh chỉ xuất hiện trên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam một thời gian ngắn rồi rẽ hẳn sang điện ảnh, chuyên tâm vào công việc làm phim, bắt đầu bằng các bộ phim video như “Giọt nước mắt”, “Những mảnh vỡ hoàn hảo”, “12A & 4H”, “Kẻ cắp bất đắc dĩ”, “Bỏ vợ”…

Năm 1997, Bùi Thạc Chuyên trở lại cuộc đời sinh viên tại lớp Đạo diễn Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Bộ phim truyện ngắn tốt nghiệp của anh, “Cuốc xe đêm”, hoàn thành năm 2000, được làm bằng chất liệu phim nhựa 35mm, đã giành giải thưởng tại một trong những hạng mục chính của LHP Cannes 2000, hạng mục Cinéfondation - chú trọng đến các tài năng điện ảnh mới.

2. Từ bộ phim truyện dài đầu tay “Sống trong sợ hãi”, cho đến “Chơi vơi”, và bây giờ là “Tro tàn rực rỡ”, Bùi Thạc Chuyên đã tạo dựng cho mình một phong cách làm phim thể hiện ở chính tác phẩm: Nỗ lực, cần mẫn và đầy yếu tố bất ngờ. Nếu không tính bộ phim thương mại “Lời nguyền huyết ngải”, thuộc thể loại kinh dị, ma mị… để đáp ứng nhu cầu thị trường giải trí, thì các phim của Bùi Thạc Chuyên khá gai góc, đậm chất hiện thực khi anh tập trung khai thác đề tài về những người trẻ, về gia đình, tình yêu, sự cô đơn…

Kịch bản “Sống trong sợ hãi” được Bùi Thạc Chuyên lấy chất liệu từ “Tay đào đất” - bộ phim tài liệu của chính anh trước đó. Bộ phim với nhân vật chính là một người lính của chế độ cũ cố gắng mưu sinh tại vùng đất mới bằng nghề phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh để lấy phế liệu đem bán, đã gây bất ngờ cho người xem qua cách kể táo bạo và kịch tính, lột tả sức mạnh nội tâm nhân vật.

“Sống trong sợ hãi” giành giải thưởng Lớn của Ban giám khảo LHP Châu Á - Thái Bình Dương; giải Đạo diễn xuất sắc nhất, Biên kịch xuất sắc nhất, Diễn viên nam chính và nam phụ xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Cánh diều - Hội Điện ảnh Việt Nam, 2006. Phim cũng đã tham dự LHP Rotterdam và được Trung tâm hợp tác văn hóa Việt - Mỹ tại New York mời tham gia trong chương trình chiếu phim tại 15 trường đại học của Mỹ vào tháng 3-2007.

Từng là diễn viên nên khi chuyển sang làm đạo diễn, Bùi Thạc Chuyên rất tinh tế và chuẩn xác trong khâu chọn diễn viên. Dễ nhận thấy là ở phim nào anh cũng chọn được dàn diễn viên rất “ăn” vai. Anh cũng biết cách tạo cho họ cảm giác thích thú sau khi bị hấp dẫn bởi câu chuyện và nhân vật khi tiếp xúc với kịch bản phim.

Bùi Thạc Chuyên tiết lộ, anh thích sự tự nhiên và những thứ thuộc về cuộc sống, bởi cuộc sống vốn dĩ hay và thú vị hơn trên phim ảnh. Có lẽ đó là lý do mỗi dự án phim của anh đều được chuẩn bị rất kỹ, rất lâu để những gì diễn ra trên phim có độ chân thực, sống động nhất có thể, đời thường nhất có thể.

Với bộ phim truyện dài thứ 2, “Chơi vơi”, Bùi Thạc Chuyên đã dành tới bảy năm trời chuẩn bị từ khâu kịch bản đến huy động kinh phí, tìm nguồn đầu tư, tìm kiếm diễn viên, ê kíp làm phim phù hợp. “Chơi vơi” đã giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất, Quay phim xuất sắc nhất, Họa sĩ thiết kế xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam 2010; Giải thưởng của Hiệp hội Phê bình quốc tế Fipresci tại LHP Venice; tham dự và giành giải thưởng tại nhiều LHP quốc tế khác...

Một cảnh trong phim “Chơi vơi” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.

3. Có thể nói rằng, Bùi Thạc Chuyên là một nhà làm phim Việt Nam am hiểu điện ảnh Việt Nam và yêu điện ảnh Việt Nam. Điều đó không chỉ thể hiện ở việc những bộ phim mà anh làm thường kể những câu chuyện ở Việt Nam, nói về con người Việt Nam, quay ở Việt Nam, có sự tham gia của diễn viên Việt Nam dù một phần kinh phí được nước ngoài tài trợ và hầu hết phim của anh đều tham gia và giành giải thưởng ở các LHP quốc tế, mà còn thể hiện ở chỗ anh hiểu điện ảnh nước nhà còn nhiều thứ chưa đồng bộ, nhưng nếu cứ chờ mọi thứ đồng bộ, chuyên nghiệp thì biết bao giờ mới làm được phim. Vì vậy, Bùi Thạc Chuyên luôn tự tạo ra cơ hội, chủ động tìm kiếm kịch bản, tìm tài trợ kinh phí, thậm chí liều mình đảm nhận nhiều vai trò khác nhau bên cạnh công tác đạo diễn, biên kịch…

“Năm 2005, khi làm phim “Sống trong sợ hãi”, tôi đã phải dùng một người làm ánh sáng để cầm sào thu thanh, dùng một đạo diễn mới ra trường làm thư ký, dùng một sinh viên quay phim làm kỹ thuật hình và một sinh viên quay phim khác làm nhiếp ảnh, dùng lái xe để làm trợ lý sản xuất... Trong nhiều trường hợp khác, tôi phải làm việc với những người chẳng có chút gì thành thạo, thậm chí họ cũng chẳng có một chút tình yêu nào với công việc mà họ làm. Thế nhưng tôi vẫn phải cố làm việc với họ” - Bùi Thạc Chuyên kể về thời điểm làm bộ phim truyện dài đầu tay của mình.

Có thể bây giờ anh không còn phải làm việc trong điều kiện khó khăn như thế nữa, hoặc có thể anh vẫn gặp nhiều khó khăn khác, nhưng Bùi Thạc Chuyên đã đi tới bộ phim thứ 4 của mình từ điểm xuất phát đầy gian khó ấy. Và tôi tin, anh là nhà làm phim rất yêu nghề, yêu điện ảnh. Như anh nói, một người làm phim cần có cái máu đã đi là đi đến cùng, không bỏ cuộc. Nếu chỉ vì một chút khó khăn, một chút trắc trở mà sẵn sàng bỏ thì đó không phải là đức tính của người làm phim. Bởi xét cho cùng, điều ý nghĩa nhất của người làm phim là... được làm phim.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: ''Đã đi là đi đến cùng, không bỏ cuộc''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.