Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỳ II: Khám phá “Made in Korea”

ANHTHU| 22/11/2005 07:54

(HNMĐT) - Sân bay Incheon được khánh thành từ năm 2001 với số vốn mà Chính phủ Hàn Quốc rót vào tới 5 tỷ USD đúng là khúc chào đầu hoành tráng của một đất nước đang ôm giấc mơ trở thành một “Trung tâm của châu Á”. Nhưng xếp hàng dài trên sân của một công trình hiện đại chẳng thua kém gì các nước phương Tây này là hàng đoàn xe ô tô mang hiệu Hyun-dai, Ki-a, Deawoo.

(HNMĐT) - Sân bay Incheon được khánh thành từ năm 2001 với số vốn mà Chính phủ Hàn Quốc rót vào tới 5 tỷ USD đúng là khúc chào đầu hoành tráng của một đất nước đang ôm giấc mơ trở thành một “Trung tâm của châu Á”. Nhưng xếp hàng dài trên sân của một công trình hiện đại chẳng thua kém gì các nước phương Tây này là hàng đoàn xe ô tô mang hiệu Hyun-dai, Ki-a, Deawoo.

Phía dưới tầng ngầm, thêm một bãi xe ô tô rộng mênh mông, có cố căng mắt tôi cũng chẳng tìm nổi một chiếc Ford hay Mercedess. Giáo sư Lee Jang, người đã thỉnh giảng tại trường ĐH KHXH & NV từng nói rằng: “Người Hàn Quốc chúng tôi có lòng tự tôn rất cao”. Chủ nghĩa dân tộc, dấu hiệu đặc trưng của xã hội Hàn Quốc bắt đầu từ những sản phẩm “Made in Korea” chăng ?

Suốt hơn 1 giờ đồng hồ trên xe buýt từ sân bay về trung tâm Xơ-un, những chiếc xe ô tô nối đuôi nhau vượt qua tầm mắt chúng tôi đã chứng minh rằng người Hàn rất ưa chuộng và tự hào với dòng sản phẩm “Made in Korea”. Hàng đoàn ô tô, rặt các hiệu nội: Tuson, Sonata, Azera, Santa Fe của Hyundai cho đến Lanos, thậm chí cả Matis xanh, đỏ, tím, vàng... Nếu ở Hà Nội, việc sở hữu một chiếc “bao diêm di động” như Matis không có gì để khoe khoang trong giới chơi xế bốn bánh thì ở Xơ-un, bạn hoàn toàn có thể tự tin. Thu nhập như cô Dami, hướng dẫn viên du lịch tới gần 8.000 USD/tháng cũng chỉ “chạy” Matis mà thôi. Chẳng thế mà anh Lee Jin Sok, một người bạn đồng hành cũng phải thốt lên (không biết có phải “xã giao” với khách mới đến như tôi hay không nhưng nghe thì cũng cảm thấy thinh thích): “Hà Nội có nhiều xe ô tô loại sang, đẹp nhất châu á”. Khi biết tôi đi làm bằng chiếc xe mô tô tay gas LX - Piaggo của I-ta-li-a thì anh ta tròn mắt rồi nhìn tôi từ đầu đến chân như để kiểm tra xem có đúng tôi là thuộc giới thượng lưu ở Hà Nội hay không. Cả 4 ngày ở Xơ-un, tôi cố tìm một chiếc xe gas của Piaggo hay Spacy mà chưa thấy. Xe máy xuất hiện trên đường chủ yếu là xe tay côn phân khối lớn của Hàn Quốc. Chủ nhân của nó là những người đàn ông trung niên đầu đội mũ bảo hiểm kín mít, tha lôi sau yên xe là những thùng thực phẩm chất cao ngất nào trứng gà, hoa quả, thịt bò phân phối cho các nhà hàng ăn uống. Còn xe nữ tay gas ở đây có hình thức “dưới trung bình”. Ngồi trên những “con” xe đủ màu xanh, đỏ đó là mấy bà nội trợ tóc xoăn tít ăn mặc lôi thôi, phóng bừa cả lên vỉa hè nom chẳng thời trang như trong phim. Chẳng bù ở Việt Nam, bước lên xe gas, mấy nàng thường phải điệu đàng diện quần áo, váy xống đẹp đẽ.

Bên cạnh xe ô tô,xe máy thì các hàng gia dụng như tivi, tủ lạnh, bếp gas, nồi cơm điện cho đến điện thoại di động, gi gỉ gì gi cũng đều là của Hàn Quốc. Chẳng cần bước lên tầng thứ 35 của tập đoàn SK, hay tầng thứ 40 của tòa nhà “Trung tâm tài chính Xơ-un”, bạn cũng có thể nhìn rõ hàng nghìn bảng biển của những thương hiệu như Samsung, LG, SK... Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 tưởng như có thể nhấn chìm các tập đoàn thống trị nền kinh tế Hàn Quốc (thường gọi là các Chaebol) như Samsung, Hyun-dai... Song, vượt qua những khó khăn, các thương hiệu này giờ đây vươn lên khá mạnh mẽ gây chú ý cao độ.

Từ một nhà sản xuất ra nhiều sản phẩm làng nhàng, Samsung đã tập trung nghiên cứu đầu tư để cải tiến làm sao cho điện thoại phải khác biệt và tạo được dấu ấn mạnh mẽ với người tiêu dùng. Giờ đây, Samsung được biết đến như một nhà cung cấp điện thoại thời trang đứng ngang hàng với nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới. “Nokia sang đây thì ế ẩm”, một anh bạn đồng nghiệp đã thốt lên như vậy. Quả thế, khó có thể tìm thấy trong chiếc túi xinh xắn của các cô gái tóc nhuộm vàng một chiếc Nokia. Còn phổ biến trên tay các chàng trai, không phải Motorola hay Ericssson mà là điện thoại Samsung AnyCall, SK với công nghệ CDMA. Điện thoại di động của các thanh niên Hàn Quốc không chỉ để gọi, nhắn tin mà còn xem 11 kênh truyền hình và 33 kênh phát thanh qua nhà cung cấp thương mại SK Telecom. Người Hàn tự hào gọi điện thoại công nghệ CDMA là “thế giới trong lòng bàn tay”, bởi có thể dùng để mua vé tàu điện ngầm, rút tiền tại máy ATM hay shoping... Sự yêu thíchđến cuồng nhiệt các sản phẩm nội địa đã khiến ngành viễn thông của Hàn Quốc phát triển kỳ diệu. Con số từ Viện Nghiên cứu chiến lược phát triển công nghệ thông tin Hàn Quốc cho thấy: Năm 2003 ngành viễn thông và CNTT đóng góp tới 51,6% GDP và năm 2004 đã tăng lên tới 54,3%.

Nhưng đằng sau những tên tuổi đó là gì ? Đó là một kỹ nghệ đánh bóng thương hiệu khá hoàn hảo. Ngành công nghiệp quảng cáo ở đây phát triển rầm rộ đã góp phần để những cái tên khó phát âm đại loại như “Hyundai” trở nên quen thuộc với người tiêu dùng nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ và cả Việt Nam. Trên đường phố, chợ búa, sân bay, siêu thị hay bất cứ nơi công cộng nào, biển hiệu quảng cáo cũng làm bạn cảm thấy choáng ngợp. Những bảng biển của Samsung, LG trưng la liệt trên các đường phố giống y chang khi chúng nằm ở các sân bóng đá ở các kỳ World Cup và giải ngoại hạng Anh. Trên các kênh truyền hình, phim quảng cáo phải trả với chi phí khá đắt nhưng sau vài giây nhắm mắt, mở ra bạn đã thấy lại quảng cáo. Còn những ai say mê diễn viên Hàn Quốc với những cảnh quay ướt át chia tay ở sân bay hay khóc lóc trong bệnh viện thì sang xứ này có dịp ngắm họ thỏa thích trên những tấm áp phích. Những chàng “Bae Yong Jun”, nàng “Kim Jeong Eun” được chụp và phóng to gấp 5 lần người thật, tươi cười quảng cáo cho đủ các mặt hàng từ điện tử, mỹ phẩm tới thực phẩm.

Nằm giữa Nhật Bản và Trung Quốc, Hàn Quốc không phải không có những khó khăn. Đất nước này được ví như con tôm bơi giữa hai con cá lớn, một có nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và một là một con rồng đang chuyển mình với tốc độ bành trướng về hàng hóa chóng mặt. Song chính lòng tự tôn dân tộc đặt lên cao và phong trào người Hàn dùng hàng nội đã mang đến cho đất nước này những thành công đáng kể. Nhưng, về khía cạnh nào đó thì nó lại là một trở ngại khi xứ kim chinày muốn vươn tới mục tiêu “Trung tâm tài chính hậu cần của vùng Đông Bắc á”. Khá nhiều người nước ngoài phàn nàn về những bất cập trong việc kinh doanh mà đầu tiên là cách đối xử không bình đẳng đối với các doanh nghiệp ở lĩnh vực nhập khẩu. Họ cho rằng những quy định và nguyên tắc điều chỉnh hoạt động nhập khẩu và thu thuế chính phủ đưa ra chỉ nhằm mục đích gây khó dễ cho hàng hóa cập cảng. Chính sách tự cấp tồn tại mấy thập kỷ nay cũng khiến những người dân Hàn chẳng chịu nói tiếng Anh. Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng tôi vào một quán ăn ở khu Insadong gọi một chai bia Heineken mà người bán hàng cứ bối rối như là một kẻ đang... buôn lậu. Và trước khi tạm biệt hòn đảo xinh đẹp Jeju, phim trường lớn nhất của Hàn Quốc để về Việt Nam, tôi phải trả một số tiền nhiều hơn tưởng tượng khi đi tắc-xi chỉ vì “ông nói gà, bà nói vịt”...

Hoàng Anh

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kỳ II: Khám phá “Made in Korea”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.