Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kể chuyện phóng viên chiến trường: Không phải là cổ tích!

Hải Giang| 21/06/2015 06:36

(HNM) - Phóng viên chiến trường - luôn là một cụm từ rất gợi, mở ra cả không gian tác nghiệp đặc biệt trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.



Từng có một cuộc tọa đàm "Báo chí về đề tài chiến tranh" diễn ra dịp kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với sự góp mặt của hơn 20 nhà báo chiến trường. Và đây chính là dịp để thế hệ làm báo đi sau tiếp cận các cây bút cha ông, lắng nghe những câu chuyện của họ về một giai đoạn làm báo gian khổ nhưng đầy cảm hứng.

Kỷ niệm 90 năm nền báo chí cách mạng nước nhà, xin được ghi lại những trải nghiệm một thời ấy, cũng là cách để những người làm báo đi sau hiểu nghề và trân trọng nghề hơn...

Phóng viên ảnh chiến trường Lương Nghĩa Dũng tại mặt trận Đường 9 Nam Lào. Ảnh tư liệu


Một thời hoa lửa

Nếu hôm nay có nhiều cách để phóng viên tiếp cận tuyến thông tin, ở tuyến đầu sự kiện, từ di chuyển bằng phương tiện giao thông thuận lợi đến sử dụng thiết bị ghi âm, điện thoại, internet, truyền hình... thì năm xưa lớp nhà báo cha anh đã ở tuyến đầu thông tin với những điều kiện không chỉ khác mà còn... thật khó hình dung.

Nhà báo, Đại tá Nguyễn Khắc Tiếp, nguyên phóng viên tòa soạn tiền phương, Báo Quân đội nhân dân tại mặt trận Điện Biên Phủ (1953-1954) đã tóm tắt ngắn gọn: "Phóng viên tác nghiệp độc lập, một thân một mình lo mọi thứ. Biết được hướng đơn vị đóng quân, tên cán bộ chỉ huy, ký hiệu liên lạc, cứ thế mà đi tìm. Càng tiếp cận được nhiều đơn vị, chiến sĩ càng tốt; ít khi ăn đến hai bữa ở một bếp, ngủ đến hai lần ở một nơi. Viết nhanh gọn, súc tích, nhiều khi viết đêm với đèn cơ động bỏ túi bằng lọ mực hay ống tiêm cũ...".

Cũng không lạ khi những năm chống Mỹ, các nhà báo đạp xe vào tuyến lửa viết về bộ đội, nữ dân quân, lão dân quân ở các trọng điểm đánh giặc từ Thanh Hóa, Nghệ An, đến Quảng Bình, Quảng Trị... Ngoài việc vượt đường xa, vượt bom đạn để đến tận nơi, cách thu thập thông tin của phóng viên chiến trường cũng rất sáng tạo. Nhà báo Nguyễn Mạnh Hùng, phóng viên chiến trường những năm chống Mỹ cho biết: "Điều kiện thu thập thông tin trong chiến tranh vô cùng khó khăn nên nhiều bài viết phải có sự đóng góp thông tin từ nhiều nguồn, nhiều người. Phóng viên có mặt ở một góc trận đánh kết hợp với phóng viên ở Sở chỉ huy trận đánh hoặc chiến dịch. Ngoài ra còn kết hợp thông tin từ Tổng hành dinh, Cục Tác chiến, báo chí nước ngoài...". Cũng trong chiến tranh mới có những loạt bài ghi chép đăng hàng chục số báo mà viết đến đâu in đến đó...

Các nhà báo chiến trường đã ở tuyến đầu sự kiện với tinh thần thực sự của người trong cuộc. Tiếp cận thông tin càng khó khăn thì thông tin càng quý giá... Mỗi trang viết, mỗi dòng tin không phải đổi bằng mồ hôi mà có khi bằng cả tính mạng. Nhưng đó cũng là lẽ sống của những người cầm bút một thời hoa lửa.

Còn vọng mãi đến hôm nay

Nghĩ đến thời chỉ một cú "click chuột" hôm nay là thông tin đồng thời được gửi đi khắp nơi trên thế giới mà thấy khâm phục những năm tháng làm báo của cha ông, tòa soạn là lán tre nứa giữa mặt trận Điện Biên Phủ, đủ hầm hào chìm nổi để phòng máy bay địch bắn phá, xanh màu lá ngụy trang... như lời kể của nhà báo Phạm Phú Bằng.

Đại tá, nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp cho rằng: "Sẽ không có lần thứ hai làm báo như ở mặt trận Điện Biên Phủ. Trong làng báo thế giới, cũng không có một tòa báo ở chiến trường như Điện Biên Phủ của ta...".

Nghĩ về làm báo thời chiến để thấy câu chuyện ấy còn vọng đến hôm nay những bài học không bao giờ cũ về tinh thần sáng tạo, ý chí, bản lĩnh của người cầm bút.

Giữa thời chiến, thu thập thông tin, viết tin bài đã khó, nhưng chuyển tin bài để in, phát hành còn khó nữa. Nhà báo đồng thời là cán bộ phát hành, không đi xe ô tô như hôm nay, mà là "chạy ném báo vào từng chiến hào. Cán bộ các cấp đi họp về kèm theo nhiệm vụ... phát hành báo tới tay bộ đội. Dân công gánh báo đi khắp nơi...". Làm báo chiến trường, huy động lực lượng cộng tác viên cũng là phần quan trọng trong tác nghiệp của phóng viên. Mỗi cộng tác viên là một cần ăng-ten thu sóng, một đầu mối sự kiện, một nhân chứng sống của bài viết. Các nhà báo thời kháng chiến chống Pháp kể, lực lượng cộng tác viên cho báo chí chính là những người nổi tiếng như các nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ... Ví dụ nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã viết cho Báo Quân đội nhân dân nói về việc đào công sự, tạo nên ảnh hưởng tích cực với bạn đọc - những người lính.

Với tinh thần làm báo thời chiến quả cảm, sáng tạo ấy, thông tin báo chí như một binh chủng có mặt khắp các trận địa, cổ vũ cho cuộc kháng chiến của cả dân tộc. Từ đời sống, nhiều bài báo có sức lan tỏa mạnh mẽ, nhiều câu nói khái quát trong tác phẩm trở thành một biểu tượng tinh thần, còn vang động trong nhiều thế hệ người Việt như: "Nhằm thẳng quân thù mà bắn" (về liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân), "Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù" (về anh hùng Lê Mã Lương)... Hai nhân vật điển hình này được Báo Quân đội nhân dân phát hiện, giới thiệu.

Chúng ta cũng biết có hàng trăm nhà báo liệt sĩ đã hy sinh trên khắp các chiến trường, họ là những con người hai lần chiến sĩ, vừa trên mặt trận chiến đấu chống quân thù, vừa trên mặt trận thông tin. Những tư liệu từ Hội Nhà báo Việt Nam cho thấy các nhà báo liệt sĩ đã để lại những hình ảnh tác nghiệp, chiến đấu làm rung động người ở lại như liệt sĩ Nguyễn Ngọc Tứ (Báo Nhân Dân) bị thương nặng nhưng đã cố gắng hủy tài liệu và chiến đấu đến viên đạn cuối cùng trước khi hy sinh; liệt sĩ Trương Thị Mai (Thông tấn xã Giải phóng khu 8) trên đường đi làm nhiệm vụ đã bị bắt tra tấn cực hình rồi bị thủ tiêu; liệt sĩ Nguyễn Huy (phóng viên ảnh từng chụp bức Thủ tướng Phạm Văn Đồng và thanh niên tình nguyện Việt Nam đoạt giải thưởng quốc tế) tác nghiệp ở nhiều nơi trên chiến trường Quảng Trị, hy sinh khi mới 28 tuổi đời...

Các nhà báo chiến trường, người còn ở lại với chúng ta, người đã ra đi mấy chục năm trước, nhưng những câu chuyện về cuộc đời làm báo của họ không phải cổ tích, mà chính là chuyện đời, chuyện nghề còn vọng đến hôm nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kể chuyện phóng viên chiến trường: Không phải là cổ tích!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.