Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quá tải vì... việc nhiều, biên chế ít

Hiền Thu| 09/03/2019 07:30

(HNM) - Nhiều cơ quan hành chính nhà nước thuộc thành phố Hà Nội có số biên chế hiện ít hơn số biên chế được giao. Trong khi đó, khối lượng việc phải làm khá lớn, dẫn tới tình trạng quá tải đối với cán bộ, công chức và ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả công việc.


Theo Trưởng phòng Nội vụ huyện Phú Xuyên Lê Thanh Hải, đội ngũ cán bộ, công chức của huyện còn thiếu, nhất là cấp phòng. Điển hình như Phòng Nội vụ huyện chỉ có 6 biên chế (1 trưởng phòng, 1 phó phòng và 4 chuyên viên), trong khi đó khối lượng công việc nội vụ lại nhiều. Được biết, số biên chế hiện nay của huyện Phú Xuyên, tính cả Đội quản lý trật tự xây dựng là 133 người. Tất cả đang thực hiện nhiệm vụ theo đúng vị trí việc làm, khung năng lực được phê duyệt nên phải căng sức để hoàn thành nhiệm vụ. Do đó, nếu cứ tiếp tục giảm số lượng biên chế thì sẽ thiếu người trầm trọng và một người sẽ phải kiêm 2-3 vị trí việc làm trong khi quy mô dân số tăng đáng kể. Bên cạnh đó, ông Hải cũng cho biết thêm, một số trường học của huyện Phú Xuyên cũng đang thiếu giáo viên, đặc biệt là có trường tiểu học giáo viên đều đã 43-44 tuổi, không còn nguồn để quy hoạch cán bộ quản lý giai đoạn 2020-2025.

Tương tự, Trưởng phòng Nội vụ quận Đống Đa Hoàng Thị Phương Ngọc nêu thực trạng quận và phường trên địa bàn đều đang thiếu công chức. “Công chức xã, phường đúng ra phải làm theo vị trí chức danh cụ thể nhưng thực tế hiện cán bộ, công chức chúng tôi phải làm tất cả các việc vì thiếu nhiều nhân lực. Ngoài làm nhiệm vụ chuyên môn, công chức còn hay phải tham gia các đoàn công tác, tổ kiểm tra, đi tập huấn, đi học nên những người khác phải hỗ trợ” - bà Ngọc nói. Đối với viên chức giáo dục, quận Đống Đa cũng đang thiếu hơn 10%. Để khắc phục tình trạng này, quận phải xoay xở bằng cách ký hợp đồng thỉnh giảng.

Việc thiếu biên chế cũng đang là vấn đề đau đầu đối với lãnh đạo UBND phường Đại Kim, UBND phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai). Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Lĩnh Nam Nguyễn Đức Thọ cho biết: Đội ngũ cán bộ, công chức phường hiện có 20/25 người, thiếu 5 người so với chỉ tiêu biên chế. Nhiều cán bộ, công chức phải thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm và thường xuyên phải đi sớm, về muộn.

Đó cũng là thực trạng chung của nhiều phường, xã trên địa bàn thành phố. Trước yêu cầu thực tiễn, nhìn chung các cán bộ, công chức đều cố gắng “gồng mình gánh việc”, song, việc căng sức trong thời gian dài cũng khó bảo đảm được chất lượng theo đúng yêu cầu. Nhắc lại kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính năm 2016 huyện Phú Xuyên xếp thứ 30/30 quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội và sau nhiều nỗ lực, huyện cũng chỉ vươn lên được vị trí 24/30 vào năm 2017, Trưởng phòng Nội vụ huyện Phú Xuyên Lê Thanh Hải cho rằng nguyên nhân quan trọng là do thiếu biên chế và có nhiều biến động về cán bộ, công chức.

Năm 2019, UBND thành phố xây dựng tổng biên chế hành chính là 9.906 người, trong đó, biên chế công chức là 8.227 người (dự phòng 17 biên chế), giảm 664 biên chế so với năm 2018; biên chế sự nghiệp là 143.969 người, trong đó, biên chế viên chức là 123.756 người (dự phòng 36 biên chế), giảm 3.692 biên chế so với năm 2018. Để thực hiện hiệu quả số biên chế được giao, UBND thành phố Hà Nội đề ra nhiều giải pháp, trong đó có nâng cao hiệu quả đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt; tăng cường thanh tra, kiểm tra về quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, chế độ chính sách của các cơ quan, đơn vị...

Đặc biệt, trong năm 2019, thành phố Hà Nội sẽ thi tuyển công chức, viên chức khối Đảng, đoàn thể cũng như viên chức khối giáo viên. Đây được xem là giải pháp cơ bản và hữu hiệu để giải quyết vấn đề thiếu biên chế. Do đó, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần sớm rà soát, xây dựng phương án tuyển dụng công chức, viên chức để tổ chức tuyển dụng đối với số biên chế còn thiếu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quá tải vì... việc nhiều, biên chế ít

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.