Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mái trường nơi cửa sóng

ANHTHU| 03/11/2005 09:10

85 năm với đời người đã là cổ lai hy. 85 năm với một ngôi trường đáng gọi là xưa nay hiếm. Ra đời năm 1920, đến năm 2005 này trường vừa tròn 85 tuổi. Lâu đời nhất thành phố Hải Phòng, trường Bonnal-Bình Chuẩn-Ngô Quyền cũng là trường trung học đầu tiên cho cả vùng duyên hải rộng lớn Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Quảng Ninh trước khi miền Bắc được giải phóng”.

“85 năm với đời người đã là cổ lai hy. 85 năm với một ngôi trường đáng gọi là xưa nay hiếm. Ra đời năm 1920, đến năm 2005 này trường vừa tròn 85 tuổi. Lâu đời nhất thành phố Hải Phòng, trường Bonnal-Bình Chuẩn-Ngô Quyền cũng là trường trung học đầu tiên cho cả vùng duyên hải rộng lớn Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Quảng Ninh trước khi miền Bắc được giải phóng”.

Trên đây là những dòng đầu tiên trong cuốn kỷ yếu kỷ niệm 85 năm thành lập trường mà tôi đã đọc được ở phòng truyền thống trong lần cùng cán bộ quản lý ngành GD-ĐT 6 tỉnh, thành đến thăm trường. Hỏi ra, được biết trường vừa tổ chức lễ kỷ niệm 85 năm thành lập vào ngày 15- 10. Dường như, niềm tự hào về mái trường cách mạng, niềm vui của ngày truyền thống vẫn in đậm trên gương mặt giáo viên, học sinh, vẫn hiển hiện ở khắp nơi trong ngôi trường đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của thành phố cảng.

Không cần nhiều lời để giới thiệu, những tư liệu, những tấm ảnh được treo trang trọng trong phòng truyền thống cũng đã đủ để những ai đã từng đến đây đều thấy được bề dầy truyền thống của ngôi trường. Truyền thống yêu nước và cách mạng của thầy trò đã được gói trọn trong bút tích của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh “ Tôi đã là học sinh trường Bonnal trước kia, nay là trường PTTH Ngô Quyền, từ năm 1926 đến 1930. Nhiều thầy học đã nhiệt tình và khéo léo truyền cho tôi và nhiều bạn học lòng yêu nước , thương dân, căm ghét bọn đế quốc, thực dân, phong kiến. Có thầy đã cho canh gác rồi đọc cho cả lớp nghe các bài báo “Người cùng khổ” và “Việt Nam Hồn” của nhà cách mạng Nguyễn ái Quốc. Tôi và một số bạn đã bí mật tham gia vào “học sinh đoàn” do Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức và lãnh đạo”. Còn những tấm ảnh của cựu giáo viên và học sinh của trường với những cái tên đã quá quen thuộc với mỗi người Việt Nam như GS Hoàng Ngọc Phách, nhà thơ Thế Lữ, nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, nhà giáo Nguyễn Lân…đã cho thấy đây là một ngôi trường đã đào tạo được những nhân cách đa dạng. Và những con số còn tươi màu mực: năm học 2004-2005, tỷ lệ tốt nghiệp loại giỏi đạt 39,6%, tỷ lệ học sinh giỏi 30%, tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào ĐH 70%, có 1 học sinh đạt 3 điểm 10, 2 thủ khoa, 3 á khoa cho thấy thế hệ giáo viên và học sinh của trường Ngô Quyền hôm nay đã bước tiếp theo truyền thống vẻ vang của Bonnal-Bình Chuẩn-Ngô Quyền hơn 8 thập kỷ qua. Tấm huân chương Độc lập hạng 3 mà Nhà nước vừa trao tặng cho trường vừa qua một lần nữa khẳng định điều ấy.

Vừa hướng dẫn chúng tôi thăm cơ sở vật chất của trường,hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Văn Phú vừa trò chuyện: “ Ngôi trường vẫn trên nền đất cũ, vẫn giữ được vóc dáng xưa nhưng được tu bổ khang trang, hiện đại hơn bằng nhiều nguồn lực để đáp ứng yêu cầu mới. Trường có đầy đủ các phòng chức năng, phòng thực hành thí nghiệm lý, hóa, sinh, phòng thực hành tin học, phòng đa năng, phòng truy cập internet, thư viện điện tử. Sân trường được nâng cấp sạch đẹp, có hệ thống nước sạch phục vụ nước uống nóng- lạnh tự động cho học sinh”. Thấy tôi đứng nhìn tấm biển đề phòng vào điểm, ông Phú giải thích, đây là một trong những ứng dụng CNTT vào quản lý, dạy và học của trường và Ngô Quyền là trường đi đầu thực hiện có hiệu quả công việc này.

Chia tay Ngô Quyền, điều đọng lại trong tôi là một nền nếp, một kỷ cương được thể hiện ở mọi nơi, mọi chỗ, mọi việc làm. Nền nếp ấy chỉ có được ở những ngôi trường có bề dày truyền thống và vẫn giữ được truyền thống ấy.

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mái trường nơi cửa sóng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.