Theo dõi Báo Hànộimới trên

Roman Karmen và một bộ phim tư liệu vô giá mang tên "Việt Nam"

THANHNGA| 06/04/2004 07:42

Với một chiếc camera trên tay và một trái tim yêu hòa bình trong lồng ngực, ở Việt Nam, Roman Karmen không chỉ là một nhà quay phim mà ông còn là một đại sứ hòa bình của nhân dân Việt Nam. Roman Karmen đã quay và viết về Việt Nam với tất cả cảm xúc trong lòng. Người ta nói về Roman Karmen như vậy khi được xem bộ phim tài liệu nghệ thuật màu mang tên

Một cảnh trong phim của Roman Karmen.

Với một chiếc camera trên tay và một trái tim yêu hòa bình trong lồng ngực, ở Việt Nam, Roman Karmen không chỉ là một nhà quay phim mà ông còn là một đại sứ hòa bình của nhân dân Việt Nam. Roman Karmen đã quay và viết về Việt Nam với tất cả cảm xúc trong lòng. Người ta nói về Roman Karmen như vậy khi được xem bộ phim tài liệu nghệ thuật màu mang tên "Việt Nam" của ông, được THVN công chiếu tối qua (5/4) trên VTV1, được THVN công chiếu tối qua (5/4) trên VTV1.

"Việt Nam" là một bộ phim tài liệu nghệ thuật có gí trị một không hai đối với đất nước và nhân dân Việt Nam. Đây là một bộ phim mà Roman Karmen thực hiện với sự cộng tác của các nhà làm phim Việt Nam. Những thước phim quý giá của ông chính là nhân chứng chiến tranh ghi lại những hình ảnh chân thực nhất về chiến thắng Điện Biên Phủ.

Roman Karmen là con trai của một nhà văn tài năng, một chiến sĩ cách mạng bị chết trong nhà tù. Năm 16 tuổi, ông khởi đầu sự nghiệp của mình là một phóng viên ảnh của Tạp chí Ngọn lửa nhỏ. Không sợ nguy hiểm, ông có mặt ở tất cả những nơi mà chiến tranh xảy ra ác liệt nhất, ghi lại những khoảnh khắc chiến tranh. Cả cuộc đời của ông đã ghi lại hình ảnh của rất nhiều nạn nhân chiến tranh. Năm 1936, ông có mặt trong chiến tranh ở Tây Ban Nha. Năm 1938, 1939, ông có mặt trong cuộc kháng chiến chống Nhật ở Trung Quốc… Ông đã biến camera của mình thành vũ khí khi ghi lại nhiều cảnh có giá trị lịch sử. Từ năm 1945 đến những năm 1960, 1970, ông có mặt ở Việt Nam, Myanmar, Indonesia, Ấn Độ, Cu Ba và ông đã có cơ hội được tiếp cận với nhiều nhà lãnh đạo lớn như Mao Trạch Đông của Trung Quốc, Hồ Chí Minh của Việt Nam, Fidel Castro của Cu Ba… Ông đã ghi lại những hoạt động của các nhà lãnh đạo tài ba này. Có thể nói tất cả những thước phim mà ông thực hiện đều rất xúc động bởi tính chân thực của nó.

Bộ phim tài liệu "Việt Nam" là một trong những món quà quý giá nhất mà Roman Karmen đã mang lại cho Việt Nam. Ông cũng đã ghi lại cảnh quân Pháp rút khỏi Hà Nội. Đó là ngày 9/10/1954 khi quân đội Việt Nam tiếp quản thủ đô, những đội tuần tra đầu tiên đã thay thế tuần tra của Pháp. Lính Pháp phải rời khỏi các trạm gác và thay vào đó là những chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Karmen ghi lại cảnh rút quân cuối cùng vào lúc 16h30 ngày 9/10/1954, đội tuần tra cuối cùng ra khỏi cầu Long Biên. Hà Nội đã được tự do. Khắp thủ đô được trang hoàng bởi hoa và cờ. Những khuôn mặt vui mừng, hoan hỉ trong chiến thắng của những người công nhân, những người nông dân và cả những người ở các dân tộc thiểu số.

Họ cùng diễu hành, cùng hát vang khúc hát hòa bình nhưng không quên quá khứ khi đất nước phải rên xiết dưới ách thực dân Pháp khi cả đất nước chìm trong ngọn lửa, những mái nhà tranh bị thiêu cháy. Bánh xe của thực dân Pháp dày xéo trên mảnh đất Việt Nam thân yêu. Thế nhưng quân và dân Việt Nam không chịu khuất phục. Người dân vẫn tiếp tục sản xuất vũ khí, in báo…. Roman Karmen ghi lại tất cả những công việc của người dân trong kháng chiến. Và cũng trong cuốn phim tư liệu này, người dân lại một lần nữa được ngắm nhìn vị cha già đáng kính Hồ Chí Minh, được gặp lại đồng chí Trường Chinh, đồng chí Phạm Văn Đồng, được xem lại những hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm việc không biết mệt, đi bộ hàng nghìn km đường rừng để gặp gỡ bà con, thấu hiểu nhu cầu và ước muốn của họ.

"Việt Nam" còn tái hiện lại cuộc cải cách ruộng đất, chấm dứt vĩnh viễn sự bần cùng, khốn khổ của nông dân Việt Nam, rồi ngày chia ruộng đất của địa chủ cho dân cày, một cuộc sống mới đã mở ra cho nhân dân Việt Nam, ruộng đất thuộc về người lao động và người dân nghèo đã được làm chủ trên chính đất đai của mình.

"Việt Nam" là sự tái hiện lại chiến dịch Điện Biên Phủ khi Bộ Tổng Tư lệnh điều quân tới lòng chảo Điện Biên Phủ. Đó là lúc mà các chiến sĩ Việt Nam dùng sức người kéo pháo vượt đèo cao, chở bằng xe đạp thồ nặng những 300 kg. Khi đó Bộ chỉ huy chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tổng Tư lệnh, Tướng Văn Tiến Dũng là Tổng tham mưu. Những thước phim về cuộc chiến đấu hào hùng của người dân Việt Nam đã tái hiện rất đầy đủ. Không ai nghĩ rằng những thước phim này được thực hiện khi chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc bởi chúng chân thực đến bất ngờ. Toàn bộ chỉ huy và binh lính Pháp bị bắt, tướng De Castrie đầu hàng và bị bắt làm tù binh… Rồi cảnh bà con dân tộc Thái hân hoan chào đón những người thắng trận, vui mừng khi được chứng kiến cảnh 17000 tù binh trong những đội quân viễn chinh Pháp đều nhưng lính mất đầu. Thế nhưng nhân dân Việt Nam không hề căm thù thực dân Pháp mà trái lại còn thể hiện lòng khoan dung, độ lượng của những người chiến đấu vì chính nghĩa.

Cũng trong cuốn phim này, Karmen đã ghi lại hình ảnh người dân trên toàn thế giới đấu tranh cho hòa bình của nhân dân Việt Nam. Đó là những người yêu tự do trên toàn thế giới đả đảo chiến tranh phi nghĩa. Không chỉ có nhân dân Pháp, nhân dân yêu chuộng hòa bình của Liên Xô, Trung Quốc cũng đã đấu tranh hết mình. Và ngày 21/7/1954, tại Genevo, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao đã được tiến hành nhằm thiết lập hòa bình ở Đông Dương.

Cảnh chiến tranh được lồng trong cảnh cờ hoa ngày chiến thắng. Chưa bao giờ Hà Nội vui và lộng lẫy đến thế. Hà Nội đã được tự do. Hà Nội mừng ngày toàn thắng, phố phường Hà Nội tưng bừng trong ngày hội lớn. Trái tim mỗi người dân Việt Nam tràn ngập trong lòng tự hào. Những lời ca vì những người lính đã hy sinh vì Tổ Quốc, tương lại tươi sáng của nhân dân sẽ còn mãi. Karmen dường như ghi lại từng khoảnh khắc, từng giây phút trong ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954 và dường như ông cũng hòa mình vào những niềm vui đó. Có thể lúc ấy ông quên rằng mình là người quay phim nước ngoài mà chỉ kịp đắm mình vào những khoảnh khắc đẹp đẽ cùng người dân Việt Nam.

Roman Karmen chỉ ở Việt Nam 7 tháng nhưng những gì mà ông làm được không chỉ có giá trị với những người dân Việt Nam hiện tại mà còn là một món quà vô giá mà ông để lại cho tất cả những thế hệ trẻ sau này. Nhân dân Việt Nam xin cám ơn ông và đoàn làm phim Xô Viết đã để lại những thước phim vô giá về một giai đoạn kháng chiến hào hùng của dân tộc.

Thanh Nga
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Roman Karmen và một bộ phim tư liệu vô giá mang tên "Việt Nam"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.