Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cát Bi - chiến thắng của lòng dân

THUHANG| 18/04/2004 08:30

Chỉ trong 25 phút tảng sáng ngày 7/3/1954, 32 dũng sỹ đã tập kích bất ngờ, đốt sân bay Cát Bi, phá hủy 59 máy bay và nhiều phương tiện vũ khí, góp công làm một Điện Biên “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Để có một Cát Bi rực lửa, bộ đội và nhân dân Kiến An đã phải chuẩn bị ròng rã nhiều tháng bằng mồ hôi, máu và nước mắt.

Sân bay Cát Bi được xây dựng lại đẻ trở thành Cảng Hàng không quy mô, hiện đại khu vực phía Bắc

Chỉ trong 25 phút tảng sáng ngày 7/3/1954, 32 dũng sỹ đã tập kích bất ngờ, đốt sân bay Cát Bi, phá hủy 59 máy bay và nhiều phương tiện vũ khí, góp công làm một Điện Biên “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Để có một Cát Bi rực lửa, bộ đội và nhân dân Kiến An đã phải chuẩn bị ròng rã nhiều tháng bằng mồ hôi, máu và nước mắt.

Cát Bi là cầu hàng không chi viện cho cả chiến trường bắc Đông Dương và mặt trận Lào, có ba mặt giáp sông và biển. Để bảo đảm an toàn cho căn cứ chiến lược luôn có trên dưới trăm chiếc máy bay này, Pháp đã phải huy động tới 7 tiểu đoàn Âu Phi, Lê Dương canh gác cùng một trung đội thám báo Việt Pháp đánh hơi lùng sục ngày đêm. Hệ thống phòng thủ liên hoàn được xây dựng với 78 đồn bốt, tháp canh, pháo phòng không cùng hàng rào dây thép gai, mìn dày đặc, đủ loại đèn pha, pháo sáng “đêm cũng như ngày”. Viên thiếu tướng người Pháp, chỉ huy sân bay Cát Bi từng tuyên bố: “Đây là một pháo đài bất khả xâm phạm”.

Thiếu tướng Mai Năng kể: “Khoảng giữa năm 1953, chuẩn bị tập kích sân bay Cát Bi theo lệnh của Tổng Quân ủy trung ương và Quân khu Tả Ngạn, tôi cùng mấy anh em đại đội quân báo được Tỉnh đội gọi về để vào Hòa Nghĩa. Ngày nằm bờ bãi, đình chùa, cơm không có ăn, áo quần ướt như chuột, dân không tiếp nhưng vẫn phải kiên trì gây cơ sở, bám địch trinh sát. Chúng tôi vào từng nhà đến lúc chó quen hơi không sủa mới dám chắc đã đến gần dân”. Ông Năng bồi hồi: Một lần về làng chợt thấy có cụ già hé cửa kéo nhanh vào, vừa thở vừa nói:

- Mẹ biết các con về đã lâu nhưng địch khủng bố dữ quá, các con ăn cơm rồi trở ra vùng tự do, khi nào an toàn hãy vào.

- Cám ơn mẹ, chúng con là cháu Bác Hồ, con của nhân dân, con của mẹ, về đây đánh địch để giải phóng quê hương nên phải bám dân, chết cũng không thể đi được.

Mấy ngày sau cụ lại bảo: Ở đây, nhiều nhà biết các con về, họ tin nhưng lo các con hy sinh thì uổng lắm. Bây giờ hãy đào hầm bí mật ngay tại nhà mẹ, tránh đi lại nhiều.

Từ nhà cụ Sàn, chúng tôi phát triển cơ sở sang nhà bà Hồng , bà Can ... Được Huyện ủy An Hải giúp đỡ, với cơ sở nội tuyến làm phu, bồi bếp trong sân bay và nắm tình hình qua dân, chúng tôi quyết định trinh sát thực tế. Anh em đóng giả cánh buôn nắm địch giữa ban ngày, đêm đột nhập vào sân bay, đến từng đồn bốt, trạm sửa chữa, sờ từng chiếc máy bay mà đếm... Vào ra tới 36 lần gặp không ít nguy hiểm. Lần đầu, bò qua bãi mìn, có người vô ý dẫm phải mìn cháy. Lần khác mải mê quên cả giờ, sáng bạch, không rút được anh em đành chui bụi rậm. Không may gặp tổ kiến lửa, kiến cắn rát bỏng mà đành cắn răng, ngày hôm ấy dài chưa từng thấy. Người phồng rộp, nhưng đêm ấy chúng tôi không ra mà tiếp tục hoàn tất khâu trinh sát.

Vị tướng già nhìn vào cõi xa xăm, giọng trầm đục : Giặc càn rát, lại vào ngày mưa, anh My nằm dưới hầm nhà ông Hạc ngạt hơi phải đốc hầm lên luồn qua ruộng ra sông, trúng đạn địch hy sinh. Lần khác Pháp đưa tù chính trị từ Hải Phòng về Đồ Sơn, qua Hòa Nghĩa anh em tù nhảy xuống chạy vào làng. Pháp truy đuổi, dân chạy về báo giặc càn cho cánh trinh sát, vô ý giẫm phải lựu đạn, cả anh Vo và 3 chiến sỹ cùng hy sinh. Bà con gạt nước mắt chôn cất, một mẹ nói : “Ai cũng đau nhưng không nỗi đau nào bằng Tổ quốc bị dày xéo”.

Ta quyết định đánh Cát Bi vào tháng 11/1953 với 130 người do Tỉnh đội trực tiếp chỉ huy kết hợp lực lượng chống càn ở Kiến Thụy nhưng bị địch phát hiện bắn chìm thuyền, một số hy sinh, một số bị bắt trong đó có anh em trinh sát. Trận đánh bị đình chỉ, Bộ tư lệnh Quân khu chỉ thị thay đổi cách đánh, dùng lực lượng nhỏ, tinh, đánh bất ngờ. Do vậy trinh sát phải vào nắm lại tình hình, chuẩn bị phương án tác chiến mới. Ngày 3/3/1954, 32 chiến sỹ xuất kích nhưng đến sông Văn úc gặp tàu chiến Pháp không qua được, hôm sau hành quân lại gặp địch. Tới ngày 5/3 bộ đội mới vượt được sông, qua vùng tề dõng dày đặc đến Hòa Nghĩa đợi lệnh xuất kích.

Thiếu tướng Mai Năng cuồn cuộn hồi ức : Tối 6/3, chúng tôi vượt đường 14 (Hải Phòng - Đồ Sơn) đến sông Lạch Tray, mỗi người uống một ngụm nước mắm rồi vượt sông, mở cửa đưa đội hình qua hàng rào thứ 5, chiathành 2 mũi. Một do anh Minh Khánh chỉ huy đánh vào khu vực máy bay vận tải. Một dưới quyền anh Đỗ Tất Tiến có nhiệm vụ phát hỏa rồi đánh vào khu để máy bay chiến đấu B26. Tảng sáng 7-3, triển khailực lượng vừa xong thì gặp địch tuần tiễu, ta phát hỏa. Có tiếng hô “Bắc lên đây !”, bộc phá nổ, anh Bắc lao lên, chúng tôi đánh vào trung tâm sân bay. Địch bắn xối xả, có đồng đội gục ngã, anh em lấy thủ pháo của người bị thương đánh tràn vào, lửa cháy ngút trời. Sau khoảng 25 phút chúng tôi rút ra sông, không có thuyền đón như kế hoạch, thế là nhảy ào xuống bơi. Rồi chúng tôi chạy miết đến Thụy An - Thái Bình, nhân dân chờ sẵn khao quân, anh em ăn căng bụng rồi ngủ không biết trời đất. Mấy ngày sau Tỉnh đội tổ chức mừng công, Bác gửi thư khen, tặng danh hiệu “Đoàn dũng sỹ Cát Bi”. Tôi được trên thưởng một khẩu Cạc bin…

Chia tay chúng tôi, Thiếu tướng Mai Năng nói : Cát Bi là trận đánhkhó khăn, mang nhiều ý nghĩa, phối hợp kịp thời và có hiệu quả cho chiến trường lớn Điện Biên Phủ. Một trận đánh mà điều tôi muốn nói nhất là lòng dân.Bà con bị địch bắt bớ giam cầm, bị đánh chết đi sống lại nhưng vẫn cưu mang bảo vệ bí mật cho bộ đội, cho việc xây dựng phương án tác chiến. Cát Bi là chiến thắng của lòng dân.

Cụ Bùi Thị Lũ (tức cụ Can) và con gái Phạm Thị Cảnh ở thôn Hòa Nghĩa, xã Hòa Nghĩa,  Kiến An - những người đã nuôi giấu "Đoàn dũng sĩ Cát Bi"

Người dân Hòa Nghĩa vẫn nhớ ngày nào quê hương mênh mông sú vẹt, những mái đình, tên làng bị giặc đốt phá trong 9 trận càn lớn thời chống Pháp và không ai quên những con người đã trả giá bằng cuộc sống của chính mình để bảo vệ những căn hầm trong lòng đất để làm nên một Cát Bi bạt vía quân thù. Trong số những gia đình ở Hòa Nghĩa đã cưu mang “Đoàn dũng sĩ Cát Bi” ngày ấy giờ chỉ còn mỗi cụ Bùi Thị Lũ tức cụ Can. Năm tháng trôi đi giờ cụ đã ngót trăm tuổi, tóc bạc như bà tiên. Cụ hầu như chẳng nhớ được điều gì chỉ luôn nhắc đi nhắc lại : “Dù tôi ăn một bữa cũng phải lo đủ cho bộ đội ăn ba bữa”. Ngay con gái thứ ba của cụ, ngày nào ở nhà còn đào hầm giấu bộ đội rồi canh gác giặc càn nay đã vào tuổi thất thập cổ lai hy. Căn nhà tình nghĩa xã xây dựng cho cụ đã ngót hai chục năm, giờ cũng đến độ phải tu sửa, mấy cán bộ xã bảo : “Chúng tôi muốn làm lại lắm rồi nhưng ngặt nỗi eo hẹp quá”.

Hòa Nghĩa hôm nay đang trăn trở. Thời đô thị hóa, đất chẳng còn là vùng ven như trước kia, không lâu nữa xã sẽ thành phường, ngay như bây giờ giá đất tăng vùn vụt. Tiến trình đổi mới mở ra nhiều hướng phát triển nhưng cũng đầy khó khăn thách thức. Thu nhập của người dân ở đây phần lớn vẫn trông cậy vào trồng trọt chăn nuôi (kể cả thủy sản), một mai các doanh nghiệp đầu tư vào Hòa Nghĩa, mừng đấy mà lo đấy. Diện tích đất nông nghiệp sẽ co lại, trồng cây gì, nuôi con gì việc đầu tiên tính đến là giá trị kinh tế. Vừa rồi, xã vận động dân trồng xoài tím, nay hầu như nhà nào cũng có vài cây, tuy chưa quy hoạch tổng thể vùng trồng nhưng hé chớm một thương hiệu mới của mảnh đất này cũng là mừng lắm rồi. Hòa Nghĩa tới giờ hầu như không có nghề truyền thống, thấy tiện cái gì, lợi cái gì là làm thôi - Chủ tịch xã Phạm Văn Lưu nói vậy.

Người Hòa Nghĩa khéo thâm canh cây trồng, giỏi chăn nuôi nhưng khi lên phường rõ ràng phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ngân sách địa phương hàng năm chỉ khoảng 700 triệu đồng, quanh quanh lo chuyện xây dựng trường học, nhà văn hóa, đường giao thông đã khó, nói gì phát triển công nghiệp. Trong khi đó việc vay vốn ngân hàng quá khó khăn. Lãi suất đã là cả vấn đề chưa nói chuyện đến thời hạn vay quá ngắn, chỉ có một năm. Người dân đầu tư chưa có lãi đã phải lo chạy tiền trả thì sao phát triển sản xuất, làm ăn lớn được. Quan trọng nhất với Hòa Nghĩa hiện giờ là một chính sách phát triển nông thôn hợp lý nhằm giảm bớt đóng góp của dân .

Một vấn đề nữa theo ông Lưu là chính sách cán bộ. Người Hòa Nghĩa không ít người giỏi nhưng học xong chẳng chịu về. Trong khi đó cán bộ địa phương chỉ vài người có “nhãn” đại học. Người đủ “tiêu chuẩn” nhưng khi đưa ra dân bầu lại không trúng, cũng có người được dân tín nhiện bầu lên nhưng trình độ văn hóa chưa qua phổ thông. Có anh 50 tuổi vẫn phải đi học bổ túc văn hóa. Huyện cần tạo điều kiện cho cán bộ đi học chứ với lực lượng hiện nay không thể bắt kịp với những vấn đề xã hội, kinh tế đang biến chuyển một cách nhanh chóng trên địa bàn.

Chúng tôi đi qua những vườn xoài um tùm dọc con đường từ Hải Phòng đi Đồ Sơn qua Hòa Nghĩa đang được mở hai làn, rộng thênh thang chợt nhớ tới câu nói của một đồng nghiệp địa phương “Thời kinh tế thị trường, mọi thứ đều mới đều phải vật lộn và trải nghiệm, thậm chí có thể chấp nhận cả thất bại mới tìm ra được hướng đi. Nếu không đào bới thức dậy chính mình thì làm sao tính chuyện phát triển”. Chúng tôi nghĩ Hòa Nghĩa không chỉ có truyền thống hào hùng mà còn có nhiều tiềm năng phát triển. Vấn đề là tìm lời giải cho bài toán chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương mà thôi.

HNM

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cát Bi - chiến thắng của lòng dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.