Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vị trí hai quận mới và bản đồ quy hoạch

THUHANG| 10/07/2003 17:32

Trong tháng 7 này, UBND thành phố sẽ hoàn thành thủ tục trình Chính phủ và tiếp tục triển khai các công việc chuẩn bị để sớm ra mắt các quận mới (dự kiến vào cuối năm nay) là quận Long Biên và Vạn Xuân.

Bản đồ quận mới Long Biên
Quy hoạch quận mới Long Biên

- Diện tích toàn quận 6.038,24 ha, dân số 170.706 người với 14 phường gồm 183 tổ dân phố, tỷ lệ hộ phi nông nghiệp chiếm 81,63%, mật độ dân số bình quân 2,83 nghìn người/km2.

- Giữ nguyên trạng (tên, diện tích, dân số) của 8 xã, thị trấn khi chuyển thành phường.

- Điều chỉnh Thị trấn Gia Lâm, xã Bồ Đề, Gia Thuỵ để lập 4 phường Quận mới Long Biên được thành lập trên cơ sở điều chỉnh lại địa giới của huyện Gia Lâm lấy tim đường vành đai 3, tim sông Hồng, sông Đuống làm ranh giới. Số đơn vị hành chính của quận mới là 14 phường được điều chỉnh từ 10 xã và 3 thị trấn của huyện Gia Lâm là Thượng Thanh, Giang Biên, Ngọc Thuỵ, Việt Hưng, Hội Xá, Gia Thuỵ, Bồ Đề, Long Biên, Thạch Bàn, Cự Khối và các thị trấn Đức Giang, Gia Lâm, Sài Đồng. Phía tây bắc giáp huyện Đông Anh, phía tây giáp quận Tây Hồ, Ba Đình, Hai Bà Trưng; các phía còn lại giáp huyện Gia Lâm. Diện tích toàn quận 6.038,24 ha, dân số 170.706 người với 183 tổ dân phố, tỷ lệ hộ phi nông nghiệp chiếm 81,63%, mật độ dân số bình quân 2,83 nghìn người/km2. Về hạ tầng, quận Long Biên có hơn 336 km đường liên huyện, liên xã, đường đô thị, ngõ xóm với mật độ bình quân 5,56 km/km2, trong đó đường nhựa và bê tông 222,3 km; 95 trạm biến áp với 65,5 km đường dây cao thế, 189,16 km đường hạ thế; trên 106,7 km đường ống cấp nước, 88,3 km đường ống dẫn chuyển tải với 63,1% số hộ dùng nước sạch vớibình quân 106 lít/ngày, đêm. Giá trị tổng sản lượng các ngành kinh tế quận Long Biên trên 6,1 nghìn tỷ, trong đó công nghiệp-TTCN chiếm tỷ trọng 70%, thương mại- dịch vụ 28,5%, nông nghiệp 1,5%. Dự kiến, trụ sở cơ quan quận mới sẽ đặt tại xã Gia Thuỵ (gần khu vực sân bay).

Theo phương án thành lập quận, các xã Thượng Thanh, Giang Biên, Ngọc Thuỵ, Việt Hưng, Thạch Bàn, Cự Khối và 2 thị trấn Đức Giang, Sài Đồng sẽ chuyển nguyên trạng (tên, diện tích, dân số) thành phường; chuyển nguyên trạng diện tích, dân số xã Hội Xá thành phường nhưng đổi tên thành phường Phúc Lợi; điều chỉnh lại địa giới hành chính thị trấn Gia Lâm, xã Bồ Đề và xã Gia Thuỵ để thành lập mới 4 phường gồm: phường Ngọc Lâm (thị trấn Gia Lâm cũ), phường Bồ Đề (xã Bồ Đề cũ), phường Phúc Đồng (xã Gia Thuỵ cũ) và phường Gia Thuỵ (thành lập mới).

Theo đó, phường Ngọc Lâm có diện tích 111,04 ha (trong đó có 30 ha diện tích mặt sông Hồng của xã Bồ Đề chuyển sang), dân số 19.064 người với 16 tổ dân số, trụ sở đang xây mới tại đường Nguyễn Sơn. Chuyển 1619 hộ (6564 nhân khẩu) tại khu vực được xác định theo tim đường Nguyễn Văn Cừ- đoạn từ cầu Chương Dương đến phía tây đường Nguyễn Sơn), tim đường Nguyễn Sơn- đoạn từ đường Nguyễn Văn Cừ đến điểm địa giới hành chính giáp đường băng sân bay Gia Lâm thuộc địa giới hành chính của xã Bồ đềhiện thị trấn Gia Lâm đang quản lý về xã Bồ Đề để thành lập phường Bồ Đề. Phần phía đông đường Nguyễn Sơn, phía nam đường Nguyễn Văn Cừ, phía đông đường Ngô Gia Khảm của Thị trấn Gia Lâm đang quản lý (gồm 1769 hộ, 7207 khẩu, diện tích 77,67 ha) chuyển về thôn Gia Thuỵ thuộc xã Gia Thuỵ để thành lập phường mới. Khu vực phía bắc đường sắt Hà Nội- Hải Phòng thuộc địa giới hành chính xã Thượng Thanh hiện thị trấn Gia Lâm đang quản lý gồm 247 hộ, 1089 khẩu chuyển về xã Thượng Thanh để thành lập phường Thượng Thanh. Giữ nguyên khu vực có đường địa giới hành chính được xác định theo tim đường Nguyễn Văn Cừ- đoạn từ cầu Chương Dương đến đường Ngô Gia Khảm, tim đường Ngô Gia Khảm- đoạn từ đường Nguyễn Văn Cừ đến ga Gia lâm và đường địa giới của thị trấn Gia Lâm (phần giáp với Ngọc Thuỵ, Thương Thanh) để thành lập phường Ngọc Lâm.

Phường mới Bồ Đề có diện tích 368,86 ha với 3956 hộ (16.159 khẩu) gồm 12 tổ dân phố trên cơ sở 4 thôn, 2 tổ dân cư của xã Bồ Đề và khu vực sáp nhập từ thị trấn Gia Lâm. Nơi làm việc là trụsở xã Bồ Đề.

Phường Gia Thuỵ thành lập trên cơ sở sáp nhập 1769 hộ (7207 khẩu) ở khu vực phía đông đường Nguyễn Sơn, phía nam đường Nguyễn Văn Cừ , phia sđông đường Ngô Gia Khảm (thị trấn Gia lâm) với thôn Gia Thuỵ (gồm 610 hộ, 2564 nhân khẩu, diện tích 42,64 ha). Tổng diện tích phường mới Gia Thuỵ 120,3 ha với 2379 hộ (972 nhân khẩu) gồm 10 tổ dân phố (8 tổ của thị trấn Gia Lâm và thôn Gia Thuỵ). Trước mắt làm việc tại nhà văn hoá thôn Gia Thuỵ , sau đó sẽ xây trụ sở mới ở khu đồng Mả Tre.

Phường Phúc Đồng gồm 3 thôn còn lại của xã Gia Thuỵ là Tân Thuỵ, Mai Phúc, Sài Đồng và tổ dân cư 918. Diện tích tự nhiên 485,76 ha với 1631 hộ (6994 khẩu), gồm 9 tổ dân phố, trụ sở làm việc tạitrụ sở UBND xã Gia Thuỵ.

Trong tháng 7 này, UBND thành phố sẽ hoàn thành thủ tục trình Chính phủ và tiếp tục triển khai các công việc chuẩn bị để sớm ra mắt các quận mới (dự kiến vào cuối năm nay). Theo bà Ngô Thị Doãn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực HĐND thành phố, quan điểm của thành phố khi điều chỉnh địa giới hành chính là không gây xáo trộn đời sống của người dân và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương và chỉ ra mắt khi các điều kiện về cơ sở vật chất, tài chính, nhân sựđược chuẩn bị đầy đủ.

Bản đồ quận mới Vạn Xuân
Quy hoạch quận mới Vạn Xuân

- Diện tích 4.104,1 ha, gồm 14 phường, dân số trên 18,7 vạn người, mật độ dân số 4,79 nghìn người/km2. Trụ sở hành chính đặt tại phường Thịnh Liệt.

Sau điều chỉnh để lập quận mới Vạn Xuân

- Quận Hai Bà Trưng chỉ còn lại 20 phường với diện tích 961,67 ha, dân số 284.615 người, đất nông nghiệp 7,16 ha, dân số nông nghiệp 91 người.

- Huyện Thanh Trì còn 16 xã, thị trấn với diện tích 6.317,72 ha, dân số 147.788 người, đất canh tác 2.865,27 ha.

Theo phương án điều chỉnh địa giới thành lập quận Vạn Xuân, huyện Thanh Trì sẽ cắt chuyển 9 xã gồm Định Công, Đại Kim, Hoàng Liệt, Thịnh Liệt, Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Lĩnh Nam, Trần Phú, Yên Sở và Khu đô thị Pháp Vân-Tứ Hiệp 50 ha (Tứ Hiệp 20 ha, Hoàng Liệt 30 ha nhập vào xã Hoàng Liệt); công viên Yên Sở 150 ha (Tứ Hiệp 35 ha, Yên Sở 115 ha nhập vào xã Yên Sở). Đây là những xã hiện đang có tốc độ đô thị hoá cao.Khi chuyển thành phường cả 9 xã của huyện Thanh Trì đều giữ nguyên hiện trạng gồm tên, diện tích và dân số. Những vướng mắc về địa giới hành chính giữa xã Thịnh Liệt và phường Giáp Bát trước kia khi cùng chuyển về quận mới sẽ được giải quyết.

Có 5 phường thuộc quận Hai Bà Trưng chuyển về quận mới gồm các phường Tân Mai, Tương Mai, Giáp Bát, Mai Động và Hoàng Văn Thụ. Như vậy, quận Vạn Xuân sẽ có 14 phường với tổng diện tích tự nhiên 4.104,1 ha (gấp gần 3 lần diện tích quận Hai Bà Trưng trước khi điều chỉnh), dân số trên 18,7 vạn người, trong đó số dân làm nông nghiệp là 41.676(chiếm 22,25%), mật độ dân số bình quân 4,79 nghìn người/km2. Tuy tỷ lệ dân số phi nông nghiệp chiếm 77,75%, nhưng Vạn Xuân vẫn là quận - nông nghiệp -vì có tới 13/14 phường có đất sản xuất nông nghiệp (hơn 1.500 ha). Với 690,17 ha, Yên Sở là phường có diện tích tự nhiên lớn nhất quận và cũng là nơi có đất nông nghiệp lớn nhất (352,65 ha), số dân làm nông nghiệp chiếm tới 76,92% (8.289 người). So với các phường cùng cắt chuyển từ quận Hai Bà Trưng, Hoàng Văn Thụ là phường có diện tích đất nông nghiệp nhiều nhất (40,88 ha), trong khi đó, Mai Động tuy chỉ có 378 người làm nông nghiệp nhưng diện tích đất canh tác lại khá lớn 34,58ha. Duy nhất trong 14 phường, Tân Mai là phường không còn đất nông nghiệp và 100% dân số phi nông nghiệp. Dự kiến khi thành lập, trụ sở quận Vạn Xuân sẽ đặt tại phường Thịnh Liệt. Với phương án này quận Hai Bà Trưng chỉ còn lại 20 phường với diện tích 961,67 ha, dân số 284.615 người, đất nông nghiệp 7,16 ha, dân số nông nghiệp 91 người. Huyện Thanh Trì sau điều chỉnh còn 16 xã, thị trấn với diện tích 6.317,72 ha, dân số 147.788 người, đất canh tác 2.865,27 ha.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vị trí hai quận mới và bản đồ quy hoạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.