Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chi phí không chính thức - nỗi lo của doanh nghiệp

Minh Bắc| 15/12/2015 12:31

(HNMO) - Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan theo Nghị quyết 19 của Chính phủ đã có nhiều tiến bộ nhất định. Tuy nhiên, qua kết quả giám sát năm 2015 trong lĩnh vực này cho thấy chi phí không chính thức vẫn là mối lo của nhiều doanh nghiệp tham gia khảo sát.

Ảnh minh họa. Nguồn: Dân trí


Việt Nam ngày càng hội nhập sâu và rộng vào kinh tế khu vực và thế giới cho nên việc minh bạch hóa, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng là điều rất cần thiết. Vì nhờ đó các doanh nghiệp mới nâng cao năng lực, cạnh tranh bình đẳng, thu hút được các nhà đầu tư… Trong hai năm 2014 và 2015, Chính phủ đã ban hành hai nghị quyết đó là Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 và Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016.

Đối với lĩnh vực Thuế và Hải quan cũng đã tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết này và đến nay đã có nhiều kết quả tích cực. Tính riêng trong lĩnh vực thuế, Bộ Tài chính, Tổng cục thuế đã tiến hành nhiều giải pháp về cải cách hành chính thuế, đẩy nhanh tiến độ triển khai dịch vụ thuế điện tử. Thời gian nộp thuế giảm 370 giờ trong năm 2014 và 50 giờ trong năm 2015. Tổng thời gian giảm đến nay là 420 giờ (từ 537 giờ/năm xuống còn 117 giờ/năm, tương đương giảm được 78% số giờ thực tế). Còn đối với ba nhóm thủ tục về thanh kiểm tra thuế, hoàn thuế, miễn giảm thuế vẫn còn nhiều phiền hà. Các phiền hà này có thể là thời gian giải quyết quá dài hoặc bị yêu cầu cung cấp thêm thông tin không cần thiết.

Về tác phong phục vụ của cán bộ ngành Thuế đã được đánh giá khá tích cực như thái độ giao tiếp lịch sự, đúng mực, tôn trọng doanh nghiệp. Khi khảo sát ở 180 đơn vị thuộc Hiệp hội DN và Liên minh hợp tác xã trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 10/2015 cho thấy 28% đơn vị đánh giá tốt và rất tốt và 55% đánh giá khá. Tuy nhiên, nói về thái độ tận tình, chu đáo của của công chức thuế vẫn còn 26% đánh giá là chưa tốt. Đáng chú ý, tình trạng doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức trong lĩnh vực thuế vẫn là quan ngại của nhiều Hiệp hội và Liên minh HTX. Tâm lý e ngại nếu không chi, doanh nghiệp sẽ bị phân biệt đối xử (như kéo dài thời gian, yêu cầu bổ sung giấy tờ) vẫn phổ biến (55%).

Đánh giá tình hình thực hiện thủ tục hành chính của ngành Hải quan cho thấy, tỷ lệ hài lòng với các phương thức cung cấp thông tin vể thủ tục hành chính ngành Hải quan tương đổi cao (75% đối với Website). Ba nhóm thủ tục hải quan được các hiệp hội và liên minh hợp tác xã đánh giá phiền hà nhất là giải quyết khiếu nại, xử lý vi phạm hành chính và thủ tục thông quan.

Các phiền hà chính vẫn là thời gian giải quyết quá dài (69%) và yêu cầu cung cấp thêm nhiều loại thông tin, giấy tờ không cần thiết (62%). Cũng như đối với ngành Thuế, nhiều hiệp hội doanh nghiệp và Liên minh HTX khi lấy ý kiến từ các hội viên và thành viên thì mối quan ngại nhất vẫn là khoản chi phí không chính thức. Hầu hết đều có tâm lý không chi trả sẽ bị phân biệt đối xử (64%) bằng cách kéo dài thời gian hoặc yêu cầu bổ sung, giải trình hồ sơ…

Cũng theo Nghị quyết 19, cơ quan hải quan còn có nhiệm vụ cải thiện toàn diện các quy định về kiểm tra chuyên ngành theo thông lệ quốc tế, chuyển sang hậu kiểm, kiểm tra trên cơ sở rủi ro. Hiện tại việc thực thi vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét đó là các cơ quan Hải quan vẫn kiểm tra khoảng 35% số lô hàng xuất khẩu trong khi các nước khác chỉ kiểm tra 5,6% tổng lô hàng xuất nhập khẩu. Ngoài ra, việc kiếm tra này cũng liên quan tới hơn 10 bộ. Dưới mỗi bộ lại có hàng trăm đơn vị liên quan dẫn tới quá trình mất thời gian, phiền hà tốn kém cho doanh nghiệp.

Qua báo cáo kết quả năm 2015 nằm trong chương trình phối hợp giám sát thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đối với ngành Thuế, Hải quan do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp cùng Bộ Tài chính, VCCI, các Hiệp hội doanh nghiệp… đã cho thấy nhiều cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan đã có những kết quả đáng kể, song vẫn còn nhiều tồn tại.

Vì vậy, ngành thuế, hải quan cần đưa ra những hành động quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa nhằm đảm bảo sự thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các nghĩa vụ thuế và hải quan cũng như trong quá trình phát triển sản xuất kinh doanh; Cần làm rõ việc phối hợp của các bộ với ngành Thuế, Hải quan. Đặc biệt quan tâm tới thái độ, động lực làm việc của cán bộ vì qua thực tế khảo sát, nhiều doanh nghiệp, người ta nói "không sợ Bộ trưởng mà sợ cán bộ trực tiếp thu thuế. Cán bộ nói doanh nghiệp sai là sai, nói doanh nghiệp đúng là đúng". Đó là điều cần phải làm rõ ngay!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chi phí không chính thức - nỗi lo của doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.