Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nào, ta cùng làm đẹp cho Hà Nội !

ANHTHU| 15/03/2007 08:21

Ý tưởng “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” của tác giả Nguyễn Thu Thủy (báo Hànộimới) thu hút sự quan tâm của nhiều khách tham quan tại triển lãm. Ảnh: L.Tâm(HNM) - Cuối chiều qua 14-3, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam đã trưng bày những đồ án kiến trúc với chủ đề “Làm đẹp thành phố Hà Nội” tại Nhà Thông tin - triển lãm 45 Tràng Tiền. Lần đầu tiên, những ý tưởng làm đẹp Thủ đô đồng loạt xuất hiện và dù còn phải bổ khuyết, suy nghĩ về tính khả thi, đặt ra yêu cầu hỗ trợ của các cấp có thẩm quyền, những đóng góp trí tuệ của giới nghệ sĩ vẫn rất đáng trân trọng.

Nữ họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, phóng viên báo Hànộimới và các cộng sựthuộc Cty nghệ thuật Tân Thuận - Hà Nội đưa ra ý tưởng Con đường gốm sứ ven sông Hồng mà như họ hình dung là “món quà tặng Thăng Long - Hà Nội nghìn tuổi”. Thu Thủy, người đã đi qua những công trình kiến trúc đặc biệt tại Barcelona (Tây Ban Nha), ở Damstard hay Berlin (Đức)… và đã cảm nhận được hiệu quả trưng bày tranh gốm ngoài trời tại các đô thị, nói rằng có lẽ nhóm của chị sẽ phải trải qua một cuộc phản biện khắt khe nếu muốn ý tưởng được chấp nhận. Chị dẫn giải: “Bất kỳ ai cũng bị choáng ngợp bởi sự tinh tế và kỹ thuật tạo tác gốm tuyệt vời của người dân thành Babilon từ thế kỷ III trước Công nguyên. Tôn vinh vẻ đẹp gốm sứ của đất nước mình bằng cách phủ lên một số công trình hoành tráng là cách mà nhiều nước trên thế giới đã và đang làm. Tại Việt Nam, ta có thể thấy gốm sứ được gắn ở một số công trình như lăng Khải Định ở Huế, chùa ở Hội An, Hà Nội, Bát Tràng theo lối truyền thống. Tuy nhiên những công trình này chưa cho thấy quy mô kiến trúc ngoài trời hoành tráng” .

Con đường gốm sứ ven sông Hồng đáng được coi là đầu việc cụ thể đưa chủ trương xã hội hóahoạtđộng văn hóa vào đời sống. Nhóm họa sỹ theo đuổi ý tưởng này muốn thực hiện các bức tranh gốm tại trục đường đê sông Hồng, những cung đường Âu Cơ, Nghi Tàm, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư… nơi mà họ nhận ra rằng “đã được bê tông hóa với một màu xám tối và đang bị bôi bẩn, gây mất mỹ quan”. Những họa sĩ trẻ tuổi muốn chúng tươi sáng lên, đẹp hơn nhiều bằng bức tranh tường hy hữu được tạo bởi chất liệu gốm truyền thống của Việt Nam - rất sẵn ở các làng nghề truyền thống, đặc biệt là Bát Tràng. Họ nói về tính khả thi: “Thời gian từ nay đến kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội còn hai năm rưỡi, đủ để phác thảo thật kỹ, lựa chọn chất liệu và bình tĩnh thi công”. Tuy thế, trước một ý tưởng bao hàm lượng công việc và chi phí thật là lớn, những bước đi đầu tiên có thể là bức tường mẫu tại cửa khẩu An Dương,đoạn ngã ba Nghi Tàm - Yên Phụ - Thanh Niên. Làm tốt phần việc đầu tiên này, các họa sĩ muốn mời gọi cộng đồng cùng góp công thực hiện đề án.

Ý tưởng “Dòng sông trở lại” đoạt giải Nhất được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Huyền Linh

Xã hội hóa là một chủ trương không chỉ nhằm huy động tiền của. Trí tuệ, sức sáng tạo có khi còn quý hơn tiền bạc, chỉ chờ có nơi “ra đầu bài” là xuất hiện ngay, như Tạp chí Kiến trúc Việt Nam đã làm với “Làm đẹp cho Hà Nội” . Tại 45 Tràng Tiền, nhà tổ chức giới thiệu “Dòng sông trở lại”, một giải pháp thực sự cho những sông Lừ, sông Sét, Tô Lịch, Kim Ngưu đang vào hồi ô nhiễm trầm trọng, bất chấp những nỗ lực ít nhiều mang tính chữa cháy trong thời gian qua. Những người thực hiện đồ án này muốn giải quyết triệt để nỗi bức xúc về môi trường, cung cấp những tiện ích cho cư dân hai bên sông và quan trọng hơn, giữ lại vẻ đẹp của “Hà Nội với những dòng sông…”. Người ta nghiên cứu sông Lừ, đoạn từ cầu Trung Tự đến hồ Xã Đàn, đưa ra giải pháp làm mới dòng sông bằng hệ thống nước sạch đối lưu với hệ thống bơm dẫn từng đoạn. Họ dự kiến quản lý và đầu tư dưới hình thức BOT và một hệ thống bãi đỗ ngầm nhằm giải tỏa gánh nặng giải phóng mặt bằng. ở đôi bờ, thay vì rác thải là viễn cảnh vườn hoa, cây xanh…

“Khoảng mở” cung cấp một giải pháp thực sự khi văn hóa chung cư đã xứng đáng là mối quan tâm thực sự với Hà Nội. Nhóm tác giả bắt đầu từ thực tế khu chung cư Trung Tự, những khu nhà xuống cấp và những khoảng sân chung đã biến thành nơi họp chợ, bãi để xe và vô số hàng quán. ý tưởng được đưa ra, trọng tâm là tạo khoảng không gian mở giữa các khối nhà, cho trẻ nhỏ vui chơi và người già tĩnh dưỡng…

“Tạo lập một khu bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống Hà Nội” có vẻ hơi “to tát” so với mục tiêu mà nó hướng tới. Cái đích của đồ án kiến trúc này là giải pháp cho những “xóm đường tàu” giữa trung tâm thành phố, nơi lẽ ra đã có thể tạo lập một không gian văn hóa đúng nghĩa cho Hà Nội. Các tác giả dẫn trường hợp đoạn giao thông đường sắt cắt ngang tuyến phố Điện Biên Phủ -Nguyễn Thái Học, ý tứ quan ngại về dân sinh, môi trường ở khu vực này. Đồ án mở ra một tuy - nen bằng vật liệu cách âm bao bọc lấy đường tàu và trên đó, người ta có thể tổ chức tuyến phố đi bộ, sân chơi, nơi giới thiệu sản phẩm truyền thống Hà Nội để bổ sung cho một khu vực đã có sẵn phố ẩm thực Tống Duy Tân.

“Ngược dòng…” là một đồ án hoài niệm đáng tôn trọng. Tác giả đã tỏ ra lo lắng về khu chợ Long Biên, nơi mà họ cho rằng đã ở trong tình trạng ô nhiễm trầm trọng và là nguồn cơn cho tệ nạn xã hội. Giải pháp cho vấn đề được đẩy lên, nhằm tái tạo bối cảnh gợi nhớ Hà Nội xưa, nhưng có lẽ “mục tiêu gần” là làm trong sạch môi trường cảnh quan thông qua những giải pháp kiến trúc - xây dựng…

Người xem có thể thấy nhiều điều nữa, ngoài những gì đã đề cập ở trên, từ “Làm đẹp cho Hà Nội”, một triển lãm loạt đề án là sản phẩm cuộc thi cùng tên do Tạp chí Kiến trúc Việt Nam phát động đã khá lâu. Giới nghệ sĩ đã trình ra ý tưởng, sự sáng tạo, và có lẽ là cả tình yêu Hà Nội của họ. Tính ứng dụng - có liên quan đến nhiều yếu tố như kinh phí, điều kiện kỹ thuật, thứ tự ưu tiên giải quyết “các vấn đề của Hà Nội” - của các tác phẩm - đồ án là điều cần xem xét nhưng về cơ bản, người ta sẽ phải ghi nhận và tôn trọng thái độ và trách nhiệm của các tác giả đối với Thăng Long - Hà Nội.

Và cuối cùng, những ý tưởng tốt đẹp cần có sự tiếp nhận, ở mức độ nào đó, dựa trên điều kiện, giải pháp cụ thể.

Đức Huy

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nào, ta cùng làm đẹp cho Hà Nội !

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.