Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Di tích bị sức ép đô thị

Mai Thi - Minh Ngọc| 05/05/2010 06:35

(HNM) - Phố cổ từng chịu chung nỗi mất mát, thiệt thòi gắn liền với những biến động của đất nước. Đến nay, tiếp tục

Những ngôi nhà cổ trên phố Bát Đàn. Ảnh: Hoàng Minh


Bộn bề di sản
Nhà văn hóa Hữu Ngọc lý giải: "Phải nói là từ sau năm 1954, khi về Thủ đô, trong bối cảnh chung, ta chưa có ý thức giữ gìn di sản phố cổ đâu". Vì vậy, lúc biết quý, khi đã có điều kiện giữ gìn thì những bộn bề đã phủ lấp biết bao giá trị và niềm tin vào di sản. Việc ứng xử với di sản lúc này không khó mới là chuyện lạ!

Khó nhất là sự pha trộn dân cư, làm đảo lộn không gian, lối sống. Nghiên cứu của Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) về phố cổ Hà Nội năm 2009 khi điều tra ngẫu nhiên 102 ngôi nhà tại đây cho thấy, chỉ có 44 gia đình có nhà vệ sinh riêng, số còn lại phải "nhịn nhau" dùng chung, 42 gia đình khác cũng cảnh chung nhà tắm và chỉ có 83 hộ có bếp riêng. Điển hình như ngôi nhà số 47 Hàng Bạc mới bị cháy, với diện tích hơn 100m2 nó phải "gồng" mình chứa 20 nhân khẩu sinh sống, chưa kể mỗi con người là một nỗi niềm, một khối bức bối riêng…

Còn theo số liệu của các nhà nghiên cứu xã hội học, thì dân phố cổ còn là những người có sức chịu đựng ghê gớm cùng một phần tính "bảo thủ" đáng nể: mỗi người chỉ có 1,5-2m² để sinh hoạt (so với tiêu chuẩn chung là 8m2).

Trong điều kiện ấy, việc mai một, bay mất tinh thần "chẳng thơm cũng thể hoa lài" là điều dễ hiểu. Và các nhà khoa học, nhà quản lý không đau đầu mới là chuyện lạ!

Bài toán giãn dân
Ít nhất, theo một số nhà văn hóa, kiến trúc sư (KTS) có uy tín thì phương án giãn dân để bảo tồn, khôi phục giá trị phố cổ là cần thiết. Tuy nhiên, triển khai cụ thể lại vấp nhiều điều, có cái lường được, mà nhiều cái cũng không dễ tiên liệu. Dự án di dân sang khu đô thị mới rộng hơn 11ha thuộc phường Việt Hưng (quận Long Biên) để bảo tồn phố cổ sau hơn 10 năm kể từ khi ra đời đến nay vẫn "tắc". Lý do theo như Ban quản lý thì 75% số dân khu phố cổ muốn giữ nguyên hiện trạng hoặc muốn thay đổi một chút và chỉ có 6,7% muốn dời đi.

Cái sự muốn ở lại của 75% ấy cũng lắm căn nguyên. Nhà văn Siêu Hải - người sống lâu năm qua nhiều "phố Hàng" của Hà Nội - nói: "Đó là sức hút tự nhiên của vùng đất lành, sự thuận tiện và thói quen buôn có bạn, bán có phường. Chưa kể dân cư đổ về còn rước theo cả Thành hoàng làng, chốn mưu sinh cũng là nơi gắn bó tâm linh". Rồi những nỗi niềm khác rất người, rất đời mà khi đụng chạm tới, dự án nào cũng "gãi đầu gãi tai", ấy là "dù có chật chội, khổ sở thì tôi và gia đình vẫn cố gắng "bám trụ" bởi từ bé đến lớn đã gắn liền với phố cổ, đi là luyến tiếc" (anh Nguyễn Đông Giang - phố Hàng Chiếu, phường Đồng Xuân); còn với chủ một cửa hàng nước trên phố Mã Mây thì "Chỉ cần một ấm trà, bao thuốc lá, một gánh bún đậu mắm tôm, một mẹt hàng quà cũng đủ nuôi sống cả gia đình. Đến nơi mới, những người như chúng tôi biết làm gì ?".

Bên cạnh đó, còn những lý do kiểu "lịch sử để lại" như phân tích của KTS Tô Thị Toàn - nguyên Trưởng BQL phố cổ: "Nhiều hộ dân sống trong một số nhà, nhưng không chứng minh được quyền sở hữu, chuyển sang khu ở mới lo sẽ không đủ thủ tục pháp lý để được cấp nhà". Thế là, "thôi em ở lại". Nhưng cái khó, cái khổ nào phải mình "em" chịu, cả khu phố cổ còn lưu giữ chút không khí kinh kỳ này đang oằn mình trước sức ép dân số, cùng một khối hậm hực va chạm hằng ngày.

Việc bảo tồn và tôn tạo nhà trong phố cổ đang gặp khó khăn bởi rất nhiều lý do. Ảnh: Bá Hoạt


Băn khoăn di tích
Nhà văn Siêu Hải chia sẻ: Phố Hàng Chiếu có nhiều nhà là nơi sinh sống của 30 con người, nhưng mặt tiền thì chỉ có một. Như vậy, không phải ai cũng có gắn bó trực tiếp với lợi ích kinh doanh mặt phố. Còn ý kiến khác thì khẳng định: Nhiều người muốn đi, nhưng vấn đề là phải giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho người dân. Về điều này, nhà văn hóa Hữu Ngọc trầm ngâm: Không biết Nhà nước có "chịu" được mức chi phí theo yêu cầu của các hộ không?

KTS trẻ Hoàng Thúc Hào thì nói rằng: "Nếu đặt phố cổ ở tầm quốc gia, chứ không phải chỉ ở thành phố để đầu tư xứng đáng, ta sẽ xác định được chiến lược và quy mô đầu tư". Nhưng theo nhận định của GS Hoàng Đạo Kính, "ta chưa xác lập được trong luật pháp nội dung về di sản đô thị, nên chỉ có thể đặt phố cổ ở mức cao nhất là di tích quốc gia". Như vậy, những vấn đề ứng xử đi kèm liên quan tới đầu tư tất sẽ phải "ăn theo" di tích. Mà phố cổ thì đâu chỉ đầu tư bảo tồn, còn điều tiết dân cư và giữ gìn, khôi phục không gian văn hóa…

Đã có không ít đề xuất cho việc quản lý, bảo tồn khu phố cổ Hà Nội. Chẳng hạn, theo chuyên gia người Nhật Furukawwa thì: Mặt ngoài các ngôi nhà sẽ được giữ nguyên còn bên trong thì cải tạo để nâng chất lượng sống. Nhà nghiên cứu về Hà Nội Nguyễn Vinh Phúc đề nghị: Chỉ nên chọn vài khúc phố, tuyến phố nhất định để dồn sức tôn tạo, trùng tu… Đây cũng là quan điểm của KTS Ngô Huy Giao.

Theo GS Hoàng Đạo Kính: "Giá trị lớn lao nhất cần duy trì là giá trị cuộc sống đã kết tinh và còn hiện diện, biến động nơi phố cổ". Vì vậy, cứ tìm trong cuộc sống tất có trả lời. Trong đó, chuyện bảo tồn di sản của các nước trên thế giới là một tham khảo có ích.

* Nhà sử học Dương Trung Quốc: "Mỗi ngôi nhà cổ trước đây là của một gia đình nhưng giờ bị chia cắt, nhiều gia đình cùng sử dụng nên giá trị văn hóa phố cổ chỉ còn thể hiện ở mặt tiền. Các hộ dân cũng chỉ khai thác mặt tiền để kinh doanh chứ không còn giữ không gian văn hóa nữa". Muốn bảo tồn phố cổ cần giảm bớt số lượng dân cư.
* Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Không thể bảo tồn di sản với quan điểm "ích kỷ" hoặc "lãng mạn" theo kiểu giữ nguyên: cứ chen chúc, cứ xập xệ được. Cải tạo và điều tiết dân cư là việc cần làm.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Di tích bị sức ép đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.