Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công tác trùng tu di tích: Chưa có quy chuẩn

Minh Ngọc| 15/03/2011 06:52

(HNM) - Gần đây, dư luận lại lên tiếng về vấn đề quản lý và trùng tu một số di tích quan trọng và đặc biệt quan trọng. Hànộimới đã trò chuyện cùng TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, để phần nào "giải mã" nguyên nhân của sự không bình thường trong vấn đề này.

Nhiều di tích quan trọng ở cố đô Huế sau khi tu bổ, tôn tạo đã giữ được nguyên giá trị vốn có. Ảnh: Nguyệt Ánh

- Không thể phủ nhận, việc tu bổ, tôn tạo di tích (DT) đã cứu không ít DT có giá trị lịch sử, văn hóa thoát khỏi nguy cơ thành phế tích, góp phần đưa cố đô Huế, phố cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn… lên bản đồ di sản thế giới và trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Thế nhưng việc làm này cũng bộc lộ không ít hạn chế, bất cập khiến dư luận phải lên tiếng. Theo ông thì nguyên nhân là gì?

- Có thể dư luận theo dõi chưa kỹ, nhưng sai sót thường xảy ra với DT cấp tỉnh nhiều hơn. Bởi, đối với di tích cấp quốc gia, sau khi hạ giải, bao giờ cũng phải có sự giám sát, xem xét tại chỗ của các cơ quan quản lý, các nhà khoa học chuyên ngành. Còn với DT cấp tỉnh và những DT chưa được xếp hạng thì không có quy trình này. Trong khi đó, các DT cấp tỉnh thường gắn với các thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng ở địa phương, do các vị chức sắc trụ trì hoặc cộng đồng dân cư quản lý nên khi tu sửa, người dân luôn muốn DT của mình mới, đẹp, hoành tráng hơn. Thứ nữa, là lượng người đến thăm DT ngày một đông, nên việc “mở rộng” để đón khách là điều khó tránh khỏi. Không những thế, do nhận thức lệch lạc, có người cứ tưởng rằng mang vật liệu mới vào trùng tu DT cho nó sáng bóng lên là đẹp, như việc ốp bệ Tam bảo bằng gạch men Trung Quốc chẳng hạn.

Xét ở một khía cạnh nào, DT phải sống trong lòng thời đại, có giá trị đáp ứng được yêu cầu của thời đại. Cho nên, sau khi trùng tu, DT có phần nào không hoàn toàn giống nguyên gốc cũng là điều dễ thông cảm. Tuy nhiên, trùng tu đến mức làm thay đổi, biến dạng hoặc “sáng tác” thêm những chi tiết mới cho DT thì không thể chấp nhận. Từ thực tế quản lý, tư vấn tu bổ DT, tôi nhận ra rằng người dân đang ngày càng nhận thức đúng đắn giá trị, ý nghĩa của DT đối với đời sống xã hội, ngày càng yêu DT. Tiếc rằng, họ yêu mà không biết đường yêu sao cho đúng, cho hay.

- Có nghĩa là “tại anh, tại ả”, tại cả… ba bên?

- Đúng vậy! Nếu cả người quản lý, đơn vị thi công và người dân đều nêu cao tinh thần trách nhiệm thì đã không xảy ra tình trạng dự án cải tạo, chỉnh trang tường Thành cổ Sơn Tây vẫn được tiến hành trong khi các cơ quan chức năng yêu cầu dừng lại; không thể có chuyện khu vực hồ trước đình Tình Quang (phường Giang Biên, quận Long Biên) - thuộc khu vực bảo vệ - bị lấp đi gần hết… Mặc dù vậy, xét cho cùng thì trách nhiệm trước hết vẫn thuộc về các nhà quản lý trực tiếp.

Cục Di sản văn hóa có nhiệm vụ quản lý vĩ mô, xây dựng quy chế, quy trình, các văn bản pháp luật chứ có “ba đầu sáu tay” cũng không quản hết được hàng vạn di tích trên cả nước. Cho nên, sự quản lý trực tiếp vẫn phải trông vào chính quyền cấp xã, cấp huyện, sai sót ở cấp nào, cấp đó phải chịu trách nhiệm. Nhiều lần tôi thấy đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL về tình trạng thương mại hóa ở những lễ hội cụ thể. Trong trường hợp này, đại biểu đó phải chất vấn tại cuộc họp hội đồng nhân dân tỉnh, nơi có lễ hội, mà trực tiếp là ông phó chủ tịch phụ trách văn xã sao không thực hiện nghiêm quy chế của Bộ, chứ không thể chất vấn Bộ trưởng trong khi Bộ đã có quy chế quản lý lễ hội. Đối với DT cũng vậy thôi.

- Như ông vừa nói, lễ hội hiện đã có quy chế quản lý, nhưng hình như việc trùng tu DT vẫn chưa có quy chuẩn. Vậy, căn cứ vào tiêu chí nào để đánh giá nơi này làm đúng, nơi kia thì sai, thưa ông?

- Trước đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định về tu bổ, tôn tạo DT với vai trò là ngành khoa học đặc thù, nhưng có thời gian việc đó được xem xét thực hiện dưới lăng kính khoa học, dẫn đến những sai sót không mong muốn. Hiện, các cơ quan chức năng đang xây dựng bộ quy chuẩn về trùng tu DT là kiến trúc gỗ, còn kiến trúc gạch, đá, khảo cổ học vẫn chưa có.

Ngoài việc chưa có quy chuẩn, điểm yếu hiện nay còn là nguồn nhân lực mỏng. Những năm vừa qua, chúng ta thường học hỏi kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế để nâng cao trình độ chuyên môn. Sự tiến bộ của cán bộ làm công tác quản lý, trùng tu di tích ở Quảng Ninh, Huế, Hội An… đã chứng minh điều đó. Chúng tôi cũng đã nghĩ đến việc đưa cán bộ trẻ ra nước ngoài đào tạo nhưng chưa thực hiện được do cán bộ ta hạn chế về trình độ ngoại ngữ.

- Theo ông, cần thêm điều kiện gì để thực hiện hiệu quả công tác thẩm định các dự án tu bổ, tôn tạo DT cấp quốc gia?

- Với ý kiến chủ quan của mình, tôi cho rằng Cục Di sản văn hóa nên có một bộ phận chuyên làm công tác kiểm tra các đơn vị thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo DT, tương tự như Cục Kiểm định chất lượng của Bộ Xây dựng, để kịp thời phát hiện ra sai phạm và có quyết định xử phạt đúng người, đúng đối tượng.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác trùng tu di tích: Chưa có quy chuẩn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.