Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần thận trọng, theo lộ trình

Minh Ngọc| 25/08/2011 06:37

(HNM) - Trước việc di tích chùa Diên Hựu - Một Cột (thuộc phường Đội Cấn, quận Ba Đình) bị xuống cấp, thời gian gần đây, dư luận đang tỏ ra lo lắng với tiến độ tu bổ di tích đặc biệt quan trọng này.

Chùa Diên Hựu - Một Cột. Ảnh: Yến Ngọc


Cần được trùng tu

"Mục sở thị" di tích vào ngày 23-8, ngôi chùa nằm ở phía Tây kinh thành Thăng Long xưa, tương truyền được xây dựng từ đầu thế kỷ XI (thời Lý) vẫn như một bông sen khổng lồ nở trên mặt nước hồ Linh Chiểu. Du khách trong và ngoài nước vẫn đến đây thắp hương, chiêm bái, chụp ảnh lưu niệm. Nếu nhìn di tích từ phía bên ngoài, trong những ngày trời đẹp sẽ không thể thấy hết sự xuống cấp bởi hệ thống tường bao, cống tiêu thoát nước mới được cải tạo trước Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Thế nhưng, khi nghe Đại đức Thích Tâm Kiên, trụ trì chùa Một Cột chỉ rõ từng hạng mục đã xuống cấp mới thấy sự cần thiết phải trùng tu.

Đại đức Thích Tâm Kiên cho biết: Mái nhà thờ Tổ bị dột rất nhiều. Mỗi khi trời mưa to, nước trên mái dột xuống các pho tượng, nhà chùa phải lấy nón, lấy bạt ra che chắn. Mưa to kéo dài khoảng 2 tiếng là nước ngập cả vào nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà chùa phải tát nước từ bên trong ra. Đặc biệt, mỗi khi khu vực chùa Một Cột phải hứng chịu những trận mưa to, nước ngập, du khách tham quan Lăng Bác xong muốn thăm chùa phải xác định vị trí để khỏi… bước nhầm xuống hồ Linh Chiểu rồi lội bì bõm lên thắp hương, chiêm bái.

Trong bản đề cương đề xuất kế hoạch chuẩn bị đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Diên Hựu - Một Cột, do BQL Dự án quận Ba Đình lập trong tháng 5-2011, cũng có đánh giá: Tổng thể di tích đang bị xuống cấp, gây ảnh hưởng đến cảnh quan chung của khu vực xung quanh. Sân vườn không đồng bộ, hệ thống thoát nước không bảo đảm. Tường tam quan bị bong tróc, rêu mốc, con giống hoa văn sứt sẹo, mất nét…

Nhưng không thể vội

Không như các di tích đơn lẻ khác, chùa Diên Hựu - Một Cột nằm trong khu vực quần thể di tích Lăng - Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh, là di tích có giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh đặc biệt quan trọng nên dễ hiểu là mọi tác động, với mục đích bảo tồn hay chỉ là sửa chữa nhỏ cũng phải có giải pháp cụ thể và được sự đồng thuận của nhiều ngành, nhiều phía. Ngay cả một viên ngói vỡ cũng phải xác định loại ngói gì phù hợp, không thể tùy tiện. Nói rằng để thực hiện dự án cần có lộ trình là vì thế.

Chùa Diên Hựu - Một Cột. Ảnh: Yến Ngọc

Hà Nội đã có lộ trình cho phần việc tu bổ di tích này. Việc bắt đầu từ tháng 4-2009, khi Đại đức Thích Tâm Kiên có đơn đề nghị các cơ quan chức năng cho tu bổ, chống xuống cấp đối với quần thể chùa Diên Hựu - Một Cột. Sau khi xem xét, đánh giá, UBND quận Ba Đình đã có Quyết định số 2692/QĐ-UBND ngày 23-11-2009 về việc tu bổ, tôn tạo chùa Diên Hựu - Một Cột và giao cho BQL Dự án quận Ba Đình thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư. Tiếp đó, ngày 15-4-2010, UBND TP Hà Nội đã có Thông báo số 110/TB-UBND đề nghị quận Ba Đình phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai dự án hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan, sân vườn, hệ thống thoát nước của khu di tích; đồng thời xin ý kiến các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa để khắc phục hiện tượng dột mái tam bảo, mái chùa Một Cột… Trên tinh thần đó, phần hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan sân vườn, hệ thống thoát nước của di tích đã được nâng cấp trước Đại lễ, các hạng mục còn lại đang được lấy ý kiến để tiếp tục triển khai.

Ông Vũ Kim Khánh, Phó Giám đốc BQL Dự án quận Ba Đình cho biết: Theo đề cương đề xuất điều kiện bố trí kế hoạch chuẩn bị đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Diên Hựu - Một Cột đang được đưa ra xin ý kiến các phòng, ban chuyên môn của quận thì chùa Diên Hựu -  Một Cột sẽ được tu bổ với các hạng mục như: Cải tạo hệ thống đường dạo, cây xanh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, điện chiếu sáng, hệ thống cấp điện, cấp nước cho các công trình và tổng thể. Tu bổ các thành phần, hạng mục hiện còn (yếu tố gốc) như tam quan, tam bảo, nhà Mẫu, chùa Một Cột, khu tháp Tổ, phục dựng nhà Tổ…. Tam quan thì trát vá phần tường bong tróc, đắp sửa hoa văn, con giống, tu bổ cửa gỗ, chống thấm, mối mọt… Tòa tam bảo sẽ được hạ giải công trình tạm không phù hợp với di tích; róc vữa, trát lại toàn bộ tường của công trình; thay mới các cấu kiện gỗ hư hỏng bằng chất liệu tương đương hoặc tốt hơn. Nhà Mẫu sẽ được lợp lại mái, lát lại nền, tu bổ hoa văn, con giống. Chùa Một Cột và hồ Linh Chiểu sẽ hạ giải từng phần mái, đánh giá và tu bổ nguyên trạng các cấu kiện gỗ; đắp trát tu bổ bờ nóc, bờ chảy, tu bổ phần bậc thang lên chùa và nghiên cứu hình thức, chất liệu cho phần tường hoa quanh chùa… Riêng nhà Tổ sẽ được phục dựng với mặt bằng hình chữ đinh, 5 gian phía trước và hậu cung chuôi vồ một gian… Dự kiến, nguồn vốn đầu tư cho công trình là hơn 31 tỷ đồng, thời gian thực hiện đầu tư từ quý I-2012 đến quý I-2013.


Cũng theo ông Vũ Kim Khánh, dự kiến cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9-2011, UBND quận Ba Đình sẽ họp với các phòng, ban, ngành để thống nhất nội dung đề cương. Khi đề cương được phê duyệt, với chức năng, nhiệm vụ được giao, BQL Dự án quận sẽ khẩn trương thực hiện các bước tiếp theo để dự án sớm được triển khai.

Nói về dự án này, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội Nguyễn Đức Hòa khẳng định: Dự án được UBND TP Hà Nội cũng như Sở VH,TT&DL đặc biệt quan tâm. Cán bộ thành phố và sở đã nhiều lần đi kiểm tra và cho ý kiến. Đề cương nâng cấp di tích chùa Diên Hựu - Một Cột của quận Ba Đình có sự tham gia của các nhà khoa học, khi chủ đầu tư là UBND quận Ba Đình thống nhất được đề cương, Sở VH,TT&DL sẽ có văn bản đề nghị UBND TP xin ý kiến thỏa thuận của Cục Di sản văn hóa (Bộ VH,TT&DL). Đại diện của Cục Di sản cũng đồng ý về mặt chủ trương là cần thiết phải tu bổ, tôn tạo chùa Một Cột, song cũng khuyến nghị là quá trình thực hiện dự án phải tuân thủ đúng thủ tục, quy trình và tôn trọng các yếu tố gốc của di tích.

Việc để một di tích có ý nghĩa biểu tượng đối với văn hóa Kinh kỳ như chùa Diên Hựu - Một Cột xuống cấp là rất đáng tiếc. Phần việc tu bổ không cho phép vội vàng, nhưng cũng không thể để kéo dài hơn nữa.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần thận trọng, theo lộ trình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.