Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng cổ Đường Lâm: Dân còn gặp khó, chẳng dễ bảo tồn

Ngân Hà| 28/09/2011 06:49

(HNM) - Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) được nhiều người biết đến là "đất hai vua", có kiến trúc đá ong đặc sắc cùng phong cảnh mang đậm nét của vùng quê Bắc bộ. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa cùng với nhu cầu dân sinh, phát triển du lịch đang làm ảnh hưởng đến vấn đề bảo tồn di tích nơi đây.

Để bảo tồn Làng Việt cổ này, giới nghiên cứu và các cơ quan chức năng đang xây dựng dự án quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các làng cổ ở Đường Lâm theo hướng biến ngôi làng thành một bảo tàng sống.

Quy hoạch tổng thể - đòi hỏi tất yếu

Tháng 12-2010, BQL làng cổ Đường Lâm và UBND xã Đường Lâm đã phải làm một việc cực chẳng đã là cưỡng chế phá dỡ một ngôi nhà xây mới tại thôn Mông Phụ (thuộc diện bảo tồn cấp 1). Tuy nhiên, việc xây dựng của gia đình này không phải là trường hợp đầu tiên kể từ khi UBND thị xã Sơn Tây ra quy chế về việc xây nhà trong khu vực di sản vào năm 2007. Theo quy chế này, khu vực 1 gồm toàn bộ thôn Mông Phụ chỉ được xây nhà cấp 4; khu vực 2 gồm 4 thôn Cam Thịnh, Đông Sàng, Đoài Giáp và Cam Lâm được phép xây nhà hai tầng, tất cả đều phải được xây bằng vật liệu truyền thống, tầng 2 mái dốc, lợp ngói ta. Song từ khi có quy định ấy cho tới nay, theo thống kê, tại Làng Việt cổ Đường Lâm đã xuất hiện thêm hơn 20 ngôi nhà cao tầng. Bà Hà Thị Khanh, chủ nhân ngôi nhà từng bị cưỡng chế tháo dỡ phân bua: "Nếu chỉ cho xây nhà cấp 4 trong khi diện tích đất đai chật hẹp thì 8 nhân khẩu trong gia đình tôi không đủ chỗ để sinh sống". Cái khó của nhà bà Hà Thị Khanh cũng là cái khó chung cho nhiều gia đình ở Đường Lâm.

Những kiến trúc đá ong đặc sắc tại làng cổ Đường Lâm cần được bảo vệ. Ảnh: Quang Ngọc

Theo ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng BQL làng cổ Đường Lâm, xã Đường Lâm hiện có 6.000 dân với khoảng 1.500 hộ, nhu cầu về đất ở là rất lớn. Song có một mâu thuẫn mà ai cũng nhìn thấy nhưng chưa có cách gì khắc phục, đó là Luật Di sản văn hóa áp dụng cho các di tích đình, chùa, những danh thắng không có dân sống lại đang được vận dụng trong việc quản lý một di tích sống như làng cổ Đường Lâm. Hiện tại, để được cấp phép sửa chữa một công trình nào đó, người dân Đường Lâm phải tuân thủ đầy đủ các thủ tục, đầu tiên là làm đơn, xin chữ ký của trưởng thôn, rồi xác nhận của chính quyền xã, tiếp đó là gửi đơn lên chính quyền thị xã Sơn Tây (phải thông qua đủ các ban, ngành từ xây dựng cho đến ban quản lý di tích). Sau khi xin được dấu và chữ ký của Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây, lá đơn này tiếp tục được chuyển lên Sở VH,TT&DL xin ý kiến thỏa thuận. Sau khi đã có thỏa thuận của Sở thì được chuyển lên cấp cao hơn là Cục Di sản văn hóa, rồi lại vòng về Sở Xây dựng… Chỉ tính riêng từ năm 2008 đến nay, Đường Lâm có tới 100 gia đình có nhu cầu xây dựng, cơi nới nhà cửa để dựng vợ, gả chồng cho con cái và cũng khoảng chừng ấy số hộ gia đình có nhà cửa xuống cấp, cần tu sửa nhưng chỉ có rất ít hộ được cấp phép.

Ông Phạm Hùng Sơn cho biết thêm: Trước đây, UBND thị xã Sơn Tây đã tiến hành cấp đất cho một số hộ gia đình đông nhân khẩu, khó khăn về đất ở. Nhưng đến nay, việc này không dễ thực hiện vì nhiều hộ dân không có tiền để nộp lệ phí chuyển đổi quyền sử dụng đất. Do đó, để giải quyết tận gốc vấn đề thì cần có một bản quy hoạch tổng thể cho Đường Lâm, càng sớm càng tốt, thay vì những giải pháp tạm thời, manh mún.

Giữ lại hồn cốt làng cổ

Không phải đến bây giờ, phương án quy hoạch để bảo tồn làng cổ tới nơi tới chốn mới được nghĩ đến. Dự án quy hoạch đã được xây dựng sau khi Đường Lâm được trao danh hiệu Làng Việt cổ không lâu, có sự giúp đỡ của nhiều chuyên gia trong nước, quốc tế. Ông Phạm Hùng Sơn cho biết: Theo hướng quy hoạch thì vùng 1 (vùng bảo tồn nguyên gốc) gồm 5 thôn là Mông Phụ, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh và Cam Lâm, tất cả rộng khoảng 150ha. Bên cạnh việc quy hoạch không gian và cảnh quan tổng thể, các chuyên gia đề cập khá kỹ vấn đề bảo tồn nhà ở dựa trên sự phân loại từng nhóm nhà bởi đó là một trong những yếu tố quan trọng làm nên hồn cốt làng cổ Đường Lâm. Theo phân loại, nhóm nhà 1 gồm những ngôi nhà có giá trị hoàn chỉnh. Với nhóm này, phương án khả thi là bảo tồn, tôn tạo hoàn chỉnh, phục hồi các tiện nghi gia đình và dụng cụ sinh hoạt truyền thống. Nhóm 3, là những nhà xây mới, 2-3 tầng, mái bê tông, có ảnh hưởng nhất định đến cảnh quan chung của khu vực bảo tồn làng Mông Phụ thì sẽ phải phá dỡ tầng 2 hoặc cải tạo lại mái. Về kiến trúc cảnh quan, dự án chia ra các khu vực tương đối cụ thể. Chẳng hạn như khuyến khích làm nhà 1 tầng mái ngói, không xây dựng nhà 2 tầng sát đường…

Dự án quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm đã đề ra được giải pháp tổng thể, xác định rõ mục tiêu quan trọng nhằm giữ gìn, phát huy các giá trị di sản. Đồng tình với phương án trên, song PGS-TS Phạm Hùng Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng, đơn vị đang hỗ trợ xã Đường Lâm lập quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các làng cổ nhấn mạnh: "Để làng cổ Đường Lâm được bảo tồn như một thực thể sống động với các giá trị kiến trúc, mỹ thuật, phong tục thì cần tạo điều kiện giúp người dân có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Nếu coi du lịch là hướng phát triển chính thì phải tạo ra các sản phẩm du lịch từ cộng đồng để người dân được hưởng lợi xứng đáng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng cổ Đường Lâm: Dân còn gặp khó, chẳng dễ bảo tồn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.