Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tượng đài ở Hà Nội (tiếp theo)

Nguyễn Ngọc Tiến| 31/12/2011 06:28

Những tượng đài thời nay

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hà Nội đã cho dựng tượng một số anh hùng như Lý Tự Trọng (góc đường Thanh Niên - Quán Thánh), Nguyễn Văn Trỗi ở Công viên Thống Nhất và một số tượng khác, tuy nhiên hầu hết có kích thước nhỏ và bằng đá hoặc bê tông. Năm 1982, để ghi nhớ học thuyết của Lenin đã mở ra con đường cho cách mạng Việt Nam, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định dựng tượng Lenin tại Vườn hoa Canh Nông (cũ). Tượng bằng đồng cao 5,2m do Chính phủ Liên Xô tặng với hình tượng Lenin trong tư thế đang đi, đặt trên bệ đá hoa cương cao 2,7m. Công trình khánh thành vào ngày 20-8-1985. Khi Liên Xô tan rã, nhiều bức tượng Lenin ở các nước thuộc Liên Xô cũ bị giật đổ, nhưng tượng Lenin ở Hà Nội vẫn được trân trọng nguyên vẹn. Cũng trong năm này, để ghi công và tưởng niệm các chiến sĩ và những người con Hà Nội đã chiến đấu và hy sinh trong 60 ngày đêm, từ ngày 19-12-1946 để bảo vệ Thủ đô, Hà Nội cho dựng cụm tượng "Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh" ở cạnh đền Bà Kiệu ngay trên vị trí trước kia là bia tưởng niệm ghi nhớ công ơn của Alexandre de Rhodes, một trong những người có công lớn mang lại chữ viết hiện nay cho người Việt. Tác giả của tượng đài này là họa sĩ Phạm Kim Giao. Tượng làm theo tư duy tranh cổ động: "Trời xanh mây trắng lúa vàng; Công nông binh sĩ xếp hàng tiến lên". Là cụm tượng nhưng kết cấu rời rạc, các hình tượng không ăn nhập với nhau. Theo một số nhà điêu khắc được mời tham gia công trình, phác thảo ban đầu còn xấu hơn, tượng đài hiện nay là đã được góp ý để tác giả sửa chữa.

Tượng đài Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh trong khuôn viên đền Bà Kiệu. Ảnh: Linh Tâm

Chuẩn bị cho kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội tròn 1000 tuổi vào năm 2010, ngày 15-11-2001, HĐND TP Hà Nội ra nghị quyết xây dựng tượng đài Vua Lý Thái Tổ, vị vua đã sáng lập ra Thăng Long. Thực hiện nghị quyết, 7 tháng sau, ngày 6-6-2002, UBND TP Hà Nội đã lập dự án xây dựng tượng đài. Tháng 2-2003, UBND TP tổ chức một số cuộc hội thảo với hai nội dung chính là nên thể hiện như thế nào hình tượng Lý Thái Tổ khi dựng tượng vị vua khai sinh Thăng Long -Hà Nội và địa điểm đặt tượng. Về địa điểm, một số ý kiến thiên về hướng tôn trọng lịch sử cho rằng nên đặt tượng ở Hoàng thành với lý do, Hoàng thành là nơi Lý Thái Tổ dựng nghiệp và sống ở đó trong nhiều năm. Ý kiến này hoàn toàn có lý dù Hoàng thành giờ không còn song ở đây lại có quá nhiều công trình của Bộ Quốc phòng nên tìm một không gian rộng rãi, cảnh đẹp là không dễ. Một số ý kiến khác lại thiên về tính hiệu quả xã hội đã đề nghị đặt tượng ở Vườn hoa Indira Gandhi (trước đó vườn hoa này có tên là Chí Linh). Đây là vị trí trung tâm, cảnh đẹp, lưu lượng người qua lại đông đúc, lại nằm trên trục đông - tây (từ Ngân hàng Nhà nước đến Tháp Rùa ). Vị trí này cũng là nơi thường xuyên tổ chức các kỳ cuộc lớn của Hà Nội nên sẽ đạt được hiệu quả xã hội. Cuối cùng thì chính quyền, các nhà sử học, kiến trúc, họa sĩ... nhất trí chọn vị trí đặt tượng tại Vườn hoa Indira Gandhi.

Về hình tượng Vua Lý, đã có một cuộc tọa đàm lớn với sự góp mặt đông đủ các nhà sử học, văn hóa, kiến trúc, điêu khắc, họa sĩ… tham gia nhằm thảo luận hình tượng Vua Lý sẽ được thể hiện thế nào để gợi mở cho các nhà sáng tác. Đầu tháng 3-2003, thành phố Hà Nội công bố cuộc thi sáng tác mẫu tượng Lý Công Uẩn. Các nhà điêu khắc trong cả nước đã hưởng ứng nhiệt tình bởi không chỉ là trách nhiệm với lịch sử dân tộc mà sáng tác mẫu tượng về một con người, một vị vua mà họ có rất ít tư liệu, là thách đố thú vị, gây cảm hứng sáng tác. Sau gần 3 tháng, ban tổ chức đã nhận được 28 mẫu tượng cùng sa bàn, bản vẽ phối cảnh. Hội đồng nghệ thuật gồm các nhà văn hóa, họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà sử học… đã tiến hành nhiều cuộc thảo luận, nhiều vòng bỏ phiếu kín để chọn ra ba mẫu hội đủ các tiêu chí đề ra. Đó là mẫu phác thảo của nhà điêu khắc Lê Đình Bảo, Vi Thị Hoa và Lê Đình Quý. Cả ba mẫu tuy còn những khiếm khuyết nhưng đều công phu, kỹ lưỡng gần như một tác phẩm hoàn chỉnh, Hội đồng nghệ thuật tiến cử đến các cấp lãnh đạo xem xét và quyết định lựa chọn. Sau khi nghe ý kiến của các nhà văn hóa, họa sĩ, sử học… cộng với cảm nhận chủ quan, lãnh đạo thành phố quyết định chọn mẫu của nhà điêu khắc Vi Thị Hoa. Hội đồng nghệ thuật yêu cầu nhà điêu khắc chỉnh sửa những khiếm khuyết. Được sự đóng góp của các họa sĩ Đinh Trọng Khang, Trần Khánh Chương, các nhà điêu khắc Dương Đăng Cẩn, Tạ Quang Bạo, Lưu Danh Thanh, Nguyễn Phú Cường… cùng nỗ lực của bản thân, một tượng đất tỷ lệ 1/1 cao 1.010cm (tương ứng với năm định đô) được nhà điêu khắc Vi Thị Hoa hoàn thành trong thời gian ngắn. Chính quyền thành phố và Hội đồng nghệ thuật chấp nhận phác thảo đã bổ khuyết và đồng ý đem đi đúc đồng. Công việc đúc tượng được giao cho ông Nguyễn Trọng Hạnh ở Ý Yên, Nam Định vì trước đó ông Hạnh đã đúc tượng đài "Chiến thắng Điện Biên Phủ" (nặng 220 tấn cao trên 12 mét, khánh thành ngày 30-4-2004). Tượng Lý Thái Tổ được đúc trong 55 ngày và do tượng quá lớn nên phải đúc thành hai khối. Khối thân nặng 12 tấn và phần đế nặng 20 tấn. Sau khi đúc xong, chất lượng đồng được Viện Công nghệ kim loại kiểm nghiệm, đạt 87% đồng, nằm trong tỷ lệ cho phép. Ngày 17-8-2004, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã làm lễ khởi công công trình dựng tượng đài trên căn hầm hình chữ chi, nửa chìm nửa nổi do quân đội Nhật xây bằng gạch vào khoảng đầu năm 1945 để phòng tránh bom của quân đồng minh.

Có tượng, có vị trí nhưng cần phải cải tạo mặt bằng và không gian xung quanh, đảm nhiệm phần việc này là Viện Nghiên cứu kiến trúc (Bộ Xây dựng). Một vườn hoa vốn không rộng nhưng đơn vị này đã khéo léo tạo ra mặt bằng và không gian hợp lý. Sau khi phần dựng tượng hoàn thành, nhà điêu khắc Vi Thị Hoa đã giới thiệu nhà điêu khắc Trần Tuy vẽ mẫu rồng ở các bậc lên xuống. Ngày 8-10-2004, thành phố làm lễ khánh thành công trình. Cũng vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, cụm tượng "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" bằng đá khối cao 9,7m nặng 300 tấn do nhà điêu khắc Vũ Đại Bình và họa sĩ Mai Văn Kế vẽ phác thảo đã khánh thành tại Vườn hoa Vạn Xuân.

Song, một tượng đài có ý nghĩa và có giá trị nghệ thuật là tượng Bác Hồ và Bác Tôn của nhóm tác giả Lâm Quang Nới được khánh thành ngày 3-10-2010 tại Công viên Thống Nhất. Đây là món quà đặc biệt của Đảng bộ và người dân TP Hồ Chí Minh tặng Hà Nội nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Tượng đài thể hiện tư thế Bác Hồ bắt tay chúc mừng Bác Tôn sau khi Bác Tôn được Quốc hội khóa II năm 1960 bầu vào chức vụ Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Công trình này thể hiện sự tôn vinh, trân trọng, tình cảm kính yêu của nhân dân đối với Bác Hồ và Bác Tôn và cũng là biểu hiện của tình đoàn kết Nam - Bắc một nhà. Tượng Bác Hồ và Bác Tôn mang một ý nghĩa đặc biệt khi được đặt tại Công viên Thống Nhất - biểu tượng của niềm khao khát non sông liền một dải từ những năm kháng chiến chống Mỹ. Tượng cao 5,4m, đặt trên bệ cao 1,8m nặng khoảng 20 tấn, được đúc bằng đồng hợp kim của Ucraina.

Hà Nội còn có tượng đài Quang Trung ở đường Tây Sơn, tuy bề thế nhưng giới chuyên môn đánh giá "giống như một ông tướng canh gò". Thật ra bản thân bức tượng không quá xấu nhưng tượng quá thấp còn gò đặt tượng lại quá cao đã tạo ra cảm giác tù túng. Tượng đài Công nhân ở Cung Văn hóa Lao động hữu Nghị Việt - Xô cũng được cho là chưa phát huy hết giá trị khi bị đặt trong một không gian rất khuất.

Hầu hết giới mỹ thuật cho rằng, số tượng đài tại Thủ đô như hiện nay là quá ít, chủ đề cũng quá đơn điệu. Do vậy cần phải có quy hoạch tổng thể để gia tăng văn hóa bằng nghệ thuật điêu khắc ở Hà Nội, một trung tâm văn hóa lớn của cả nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tượng đài ở Hà Nội (tiếp theo)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.