Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực tiễn mới đòi hỏi lời giải mới

Đan Nhiễm| 01/09/2011 07:03

(HNM) - Nghị quyết 27-NQ/TƯ của BCH Trung ương Đảng (khóa X) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước được ban hành ngày 6-8-2008 đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của nhiều cấp ủy, chính quyền. Tuy nhiên, việc thực hiện nghị quyết ở đâu đó vẫn còn xao nhãng.

Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc tại Phòng thí nghiệm thuộc Trường đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG - TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Phương Vy – TTXVN


Đã vào cuộc sống nhưng còn chậm

Theo Ban Tuyên giáo Trung ương, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 27 (NQ), đã có nhiều chủ trương, quyết sách về sử dụng, đãi ngộ và trọng dụng đội ngũ trí thức được cụ thể hóa. Theo đó, các bộ, ngành đã khẩn trương hoàn thiện môi trường và điều kiện cho hoạt động của trí thức.

Đến nay, Bộ KHCN, Bộ VH-TT&DL đã từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, phát huy vai trò của trí thức trong hoạt động KHCN và văn học nghệ thuật, nhờ đó đội ngũ trí thức đã có thêm điều kiện để tự khẳng định năng lực, phát triển và cống hiến, qua đó khai thác tốt các tiềm năng về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Bộ KHCN đã và đang thực hiện đổi mới cơ chế quản lý và phương thức tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KHCN, tạo được không khí đổi mới và môi trường cạnh tranh lành mạnh, dân chủ, khách quan cho các chủ thể tham gia hoạt động nghiên cứu, sáng tạo... Gần đây nhất, Bộ KHCN đã triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và hình thành hệ thống doanh nghiệp KHCN.

Để thu hút đông đảo đội ngũ trí thức tham gia hoạt động KHCN, tạo điều kiện để người Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài trở về nước, từ năm 2008 đến nay, Bộ KHCN đã nghiên cứu xây dựng các đề án như: Trọng dụng và sử dụng cán bộ KHCN có tài năng; đào tạo theo ê kíp, gắn kết đào tạo và nghiên cứu... Hiện Bộ KHCN đang tiếp tục nghiên cứu và hỗ trợ hình thành, phát triển các nhóm, tập thể KHCN mạnh, tuyển chọn các viện nghiên cứu, trường ĐH ở một số lĩnh vực công nghệ trọng điểm, một số ngành khoa học có thế mạnh của Việt Nam để tập trung đầu tư phát triển. Chính sách thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài xây dựng đất nước cũng đang được xây dựng.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng cho biết, những nội dung của NQ từng bước được thể chế hóa thành cơ chế, chính sách, góp phần phát huy vai trò của đội ngũ trí thức ở một số lĩnh vực. Tuy nhiên, tình hình triển khai thực hiện NQ trên toàn quốc còn rất chậm. Đã qua 3 năm, nhưng mới có 12/23 ban, bộ, ngành và 24/63 tỉnh, thành ủy tổ chức quán triệt NQ; chỉ có 6/23 ban, bộ, ngành và 17/63 tỉnh, thành ủy xây dựng chương trình hành động và chỉ có 12/23 ban, bộ, ngành và 7/63 tỉnh, thành ủy có kế hoạch triển khai NQ.

Vẫn còn nhiều việc phải làm

Tại buổi làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Liên hiệp Các Hội KHKT Việt Nam (VUSTA) mới đây, nhiều trí thức đã đánh giá cao NQ nhưng cũng kiến nghị cần phải có nhiều đổi mới hơn nữa để quyết sách này thực sự trở thành nguồn lực, điểm tựa vững chắc đưa đất nước phát triển.

Theo GS Đặng Vũ Minh, Chủ tịch VUSTA, vướng mắc lớn nhất hiện nay là, tuy Đảng đã xác định rõ VUSTA là tổ chức chính trị - xã hội nhưng trên thực tế đơn vị này vẫn đang bị điều chỉnh bởi Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ coi VUSTA là một hội giống như các hội xã hội - nghề nghiệp khác. Trong khi lực lượng trí thức KHCN ngày càng đông đảo và đã trực tiếp tham gia giải quyết nhiều việc trên các lĩnh vực ở trung ương, địa phương, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp phát triển đất nước nhưng đến nay vẫn chưa có đầu mối chính thức để VUSTA phản ánh, cung cấp thông tin về những vấn đề liên quan đến công tác trí thức, tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội... Cơ chế chủ động huy động, tổ chức trí thức nghiên cứu, tham mưu về những vấn đề chiến lược nhạy cảm đối với sự phát triển của đất nước vẫn chưa có; vấn đề phát triển khoa học xã hội đang có dấu hiệu xem nhẹ. Ngoài ra, tình trạng hành chính hóa hoạt động của trí thức; khoa học về lãnh đạo, quản lý, phát huy đội ngũ trí thức còn nhiều điểm chưa sáng tỏ...

GS Nguyễn Quang Thái (Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam) kiến nghị, để NQ phát huy tốt hơn nữa, cần sớm giải quyết các vấn đề liên quan đến luật về hội, nhằm tạo không khí ngày càng cởi mở hơn trong xã hội, không thành kiến với những người có ý kiến khác với số đông, thậm chí khác với các quyết định đã được ban hành, nhưng phải thực hiện việc bảo lưu ý kiến theo một quy trình, tạo sự đột phá mới trong KHCN.

Ban Tuyên giáo Trung ương cũng cho biết thêm, cơ chế, chính sách đào tạo, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ trí thức của Đảng, Nhà nước vẫn còn hạn chế, yếu kém và những vấn đề bất cập chưa được khắc phục. Không ít ý kiến cho rằng, đội ngũ trí thức của nước ta không thiếu và cũng không phải là ít nhưng chưa có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, sử dụng trí thức phù hợp để họ có thể sống bằng nghề. Chính sách cũng chưa tạo điều kiện thuận lợi để trí thức chủ động nghiên cứu, sáng tạo và cống hiến hết mình cho xã hội. Cơ chế quản lý các hoạt động KHCN còn nhiều yếu kém... Vì thế, Ban Tuyên giáo Trung ương kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục chỉ đạo thực hiện NQ.

Trong thời gian qua, khi lập kế hoạch phát triển 5-10 năm, các ngành, địa phương không có kế hoạch phát triển nhân lực và kế hoạch nghiên cứu, ứng dụng KHCN đi kèm như là hai công cụ quan trọng để đạt mục tiêu đặt ra. Công cụ chủ yếu mà các địa phương sử dụng là kế hoạch huy động, bảo đảm vốn và kế hoạch sử dụng đất. Chừng nào tư duy về mô hình phát triển kinh tế còn chủ yếu là tăng trưởng dựa vào ba nguồn lực: vốn, đất và lao động giản đơn mà không phải là bốn nguồn lực: vốn, đất, lao động qua đào tạo và KHCN thì nhân lực KHCN ít được phát triển và sử dụng. Việc này cũng đồng nghĩa với việc hạn chế và kém hiệu quả trong sử dụng đội ngũ trí thức. Rõ ràng, đây chính là những trở lực để công tác trí thức đạt được những yêu cầu đặt ra, đồng thời cũng là thách thức đối với sự phát triển của đất nước trong thời gian tới. Thực tiễn đó đòi hỏi cần nhiều lời giải mới, phù hợp và khả thi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thực tiễn mới đòi hỏi lời giải mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.