Theo dõi Báo Hànộimới trên

Muộn còn hơn không

Lệ Hằng| 10/09/2011 06:32

(HNM) - Lần đầu tiên, sau 25 năm đổi mới, một hội thảo ''hoành tráng'' về công tác nhân tài và sử dụng nhân tài ở Việt Nam được tổ chức (ngày 6-9), với những đánh giá, phân tích hết sức nghiêm túc, thẳng thắn và khoa học, quanh những hạn chế, bất cập trong công tác sử dụng nhân tài cùng định hướng, giải pháp đối với công tác này trong thời gian tới.

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm, chú ý của không ít nhà lãnh đạo, khoa học, quản lý... đến từ các ban đảng TƯ và các nhà trường, học viện trong cả nước. Tất cả nhằm một mục tiêu xây dựng Chiến lược quốc gia về nhân tài ở Việt Nam từ nay đến năm 2020, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

Hiền tài là nguyên khí quốc gia

Dân tộc Việt Nam ta từ xưa tới nay luôn đánh giá cao nhân tài, coi ''Hiền tài là nguyên khí quốc gia''. Cùng với việc thấy rõ sức mạnh to lớn của nhân dân, Đảng ta cũng nhận thức rõ tầm quan trọng của nhân tài, nên ngay từ khi thành lập nước, Đảng và Nhà nước đã có chính sách thu hút những trí thức, những nhà khoa học, doanh nhân giỏi tham gia Chính phủ để gánh vác những công việc nặng nề, phức tạp sau cách mạng. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, Đảng và Nhà nước cũng rất quan tâm tới công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài. Tuy nhiên, theo nguyên UVBCT, nguyên Trưởng ban Tổ chức TƯ Hồ Đức Việt, Chủ nhiệm đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước ''Cơ sở lý luận và thực tiễn của chiến lược quốc gia về nhân tài thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước'': "Chúng ta còn thiếu những mục tiêu cụ thể, những chương trình, kế hoạch tổng thể, những giải pháp mang tính chiến lược trong công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và trọng dụng nhân tài. Trong cơ chế, quy trình đánh giá, tuyển chọn và sử dụng cán bộ cũng còn những mặt yếu, chưa phát huy đầy đủ dân chủ, còn hạn chế về tính khách quan, công khai, minh bạch. Vì thế, không ít người tài đã không được phát hiện, trọng dụng và bố trí vào các vị trí thích hợp''.

Phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển của   đất nước. Ảnh: Viết Thành

Cảnh báo về một trở lực của chính sách nhân tài, PGS Trần Đình Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Viện Mác-Lênin, phân tích: ''Ngày nay, khi cơ chế thị trường thâm nhập vào cuộc sống của từng gia đình, từng người, từng tổ chức và quyền lực xã hội đã có dấu hiệu bị tha hóa, tham vọng làm giàu bằng bất cứ giá nào có xu hướng tăng lên thì vấn đề ''ấm tử, ấm sinh'', hiện tượng ''bố làm quan con là cậu ấm'' đang sống lại một cách ngang nhiên và phổ biến. Người ta lợi dụng mọi cách, luồn lách, làm biến dạng chế độ, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước để gài cắm, nâng đỡ con cháu, anh em, dòng tộc... vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Một trong những biểu hiện của hội chứng ấy là bè phái và cánh hẩu: ''Ai hẩu với mình thì dù nói không đúng cũng nghe, tài không có cũng dùng. Ai không hẩu với mình thì dù có tài cũng dìm họ xuống, họ phải mấy cũng không nghe''. Tư túng, dòng tộc, kéo bè kéo cánh trong công tác cán bộ; thiên vị, vi phạm kỷ luật và pháp luật để chạy tội, giảm tội cho người thân... cũng là những biểu hiện nguy hiểm, gây nhiều tác hại trong công tác cán bộ, khiến kỷ luật của Đảng, kỷ cương của Nhà nước bị lỏng lẻo. Cùng với nạn hối lộ, tệ ''ấm tử, ấm sinh'' đang là trở lực chính của chính sách nhân tài.

Hiến kế sử dụng người tài

Cũng theo PGS Trần Đình Huỳnh, trong chính sách dùng người thì vấn đề tuyển chọn, sử dụng, bố trí cán bộ là cực kỳ quan trọng. Để hạn chế tình trạng tư túng, cánh hẩu trong việc dùng người, cách ứng xử của cán bộ lãnh đạo, quản lý với anh em, con cháu dòng tộc, bạn hữu của họ là một việc rất tế nhị và phức tạp; nhất thiết Đảng phải giúp họ giải quyết thấu lý, đạt tình, công khai, minh bạch, không thể lảng tránh.

PGS-TS Đỗ Minh Cương, Vụ Đào tạo bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức TƯ nhận xét, khó nhất trong công tác nhân tài là việc sử dụng người tài. Tuy thế, chính sách sử dụng người tài ở Việt Nam lại đang bộc lộ những hạn chế, bất cập: ''Nhìn chung, với các quy định và cách thức làm công tác cán bộ như hiện nay thì hệ thống chính trị ở nước ta không thể làm tốt công tác nhân tài; không thể thu hút, sử dụng và phát triển được bộ phận nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài''. Nguyên nhân khách quan đầu tiên của việc này thuộc về những khiếm khuyết của thể chế, cơ chế và quy định về công tác cán bộ do TƯ ban hành. Trong đó, quy định, tiêu chuẩn ''cứng'' hiện hành về trình độ lý luận chính trị và trình độ chuyên môn đối với các ngạch, bậc và chức danh cán bộ vô hình trung đã khuyến khích đội ngũ cán bộ của chúng ta tham gia đào tạo một cách đối phó, chạy đua bằng cấp (việc phát hiện ra nhiều ''tiến sĩ giấy'', hoặc cán bộ sử dụng bằng cấp giả ở một số địa phương thời gian vừa qua là một ví dụ), và gạt ra khỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý những nhân tài trưởng thành từ ''trường ĐH của thực tế'' mà không cần bằng cấp. Bên cạnh đó, chế độ công vụ chỉ có một con đường thăng tiến theo cấp bậc và chức vụ, thiếu con đường thăng tiến theo nghề nghiệp và trình độ chuyên môn cũng làm méo mó cách hiểu, cách sử dụng người tài. ''Giả thuyết, ''nếu Bill Gates có làm việc trong hệ thống chính trị nước ta thì đến già cũng không lên được trưởng phòng'' có màu sắc của một truyện ngụ ngôn hiện đại rất đáng để chúng ta nhìn lại cách thức làm công tác cán bộ như hiện nay'' - ông Cương nói.

Do vậy, vấn đề bức thiết trong chiến lược nhân tài ở Việt Nam, trước hết là cần có những chủ trương, chính sách riêng về đào tạo, thu hút, sử dụng nhân tài để tạo đột phá trong công tác cán bộ. Thứ hai, cần đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ để có thể thu hút được nhiều nhân tài tham gia các cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Thứ ba, cần có chính sách ưu tiên đặc biệt trong phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, phát huy nhân tài. Thứ tư, để chống ''chảy máu chất xám'', cần phải có các giải pháp cụ thể để giữ chân người tài... Một giải pháp không kém phần quan trọng nữa đứng từ phương diện quản lý nhà nước là phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và toàn diện giáo dục; gắn việc đào tạo với nhu cầu sử dụng của xã hội và đặc biệt là phải coi trọng chất lượng thực sự. Phải tạo ra sự chuyển biến từ ''xã hội chuộng bằng cấp'', thành ''xã hội trọng giáo dục''. Bên cạnh đó, cần thực sự tôn trọng, coi trọng tầng lớp nhân sĩ trí thức, tạo điều kiện và môi trường cũng như cơ chế để họ có thể tham gia, có tiếng nói trước những vấn đề lớn của quốc gia, dân tộc và từng địa phương, đơn vị. Có như vậy mới tập hợp được sức mạnh của tầng lớp trí thức, đội ngũ cán bộ có tài vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Nhận thức rõ tầm quan trọng, tính cấp thiết của nhiệm vụ xây dựng đội ngũ nhân tài trong sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, trong mỗi kỳ đại hội Đảng gần đây, công tác cán bộ nói chung và vấn đề nhân tài nói riêng luôn được đề cập. Từ văn kiện Đại hội X: ''Xây dựng và thực hiện chính sách phát triển và trọng dụng nhân tài, thu hút nhân tài vào những lĩnh vực quan trọng, không phân biệt người trong Đảng hay ngoài Đảng'', đến Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã khẳng định quyết tâm đổi mới toàn diện, trong đó có đổi mới cơ chế sử dụng, đề bạt và cất nhắc cán bộ. Hy vọng rằng, cách sử dụng người tài ở Việt Nam sẽ ngày càng theo kịp yêu cầu phát triển mạnh mẽ của đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Muộn còn hơn không

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.