Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng, chống rửa tiền: Không nên giao "đầu mối" cho Ngân hàng Nhà nước

Vân An| 15/11/2011 16:47

(HNMO) – Ngày 15/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật phòng, chống rửa tiền. Các đại biểu nhất trí cao với việc ban hành dự án luật này nhưng còn nhiều băn khoăn về phạm vi điều chỉnh của luật và cơ quan thực thi trách nhiệm trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền.


Về sự cần thiết ban hành luật, các đại biểu cho rằng, Luật phòng, chống rửa tiền ra đời không chỉ nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế mà còn vì chính sự phát triền bền vững của đất nước và nền kinh tế Việt Nam trong điều kiện hội nhập. Ở Việt Nam phòng, chống rửa tiền còn là biện pháp quan trọng chống tham nhũng.

Đánh giá chung về dự án luật, các đại biểu cho rằng, dự luật đã được xây dựng nghiêm túc, công phu nhưng còn nhiều nội dung chưa được làm rõ, gây khó hiểu như khái niệm và quy định về các loại hành vi rửa tiền; trách nhiệm của các bộ, ngành và các cơ quan trong từng lĩnh vực liên quan đến phòng, chống rửa tiền, việc giải thích các từ ngữ… Đặc biệt, các đại biểu cho rằng, dự luật phòng, chống rửa tiền phải có sự gắn kết chặt chẽ với Bộ luật hình sự và tố tụng hình sự, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư và nhiều luật khác.

Băn khoăn về phạm vi điều chỉnh của dự luật


Đại biểu Cao Sĩ Kiêm - Thái Bình cho rằng, cần phải đưa cả phòng chống rửa tiền và phòng ngừa tội phạm về khủng bố vào phạm vi điều chỉnh của luật vì tất cả những vấn đề về rửa tiền hiện nay liên quan rất chặt đến khủng bố và ngược lại.

“Thường thường rửa tiền cho khủng bố hiện nay được thế giới rất quan tâm, cho nên Luật phòng, chống rửa tiền phải ghi nội dung phòng, chống tội phạm khủng bố, nó vừa gắn với nhau nhưng đồng thời để chúng ta chặn một khâu, một lĩnh vực hay xảy ra”, đại biểu Kiêm nói.

Mặc dù sắp tới, Quốc hội sẽ thông qua Luật phòng, chống khủng bố, nhưng đại biểu Kiêm cho rằng luật này phải ghi vào điều liên quan đến hoạt động tiền tệ hoặc khủng bố có liên quan đến tiền tệ để phòng ngừa.

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường - TP Hà Nội cũng ủng hộ quan điểm này. Theo đại biểu Hường, dự luật phòng chống rửa tiền chỉ cần xây dựng một điều nguyên tắc về phòng, chống rửa tiền liên quan đến tài trợ khủng bố, còn những nội dung và quy định chi tiết về Luật phòng, chống khủng bố sẽ do Luật phòng, chống khủng bố quy định.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Trường Dân - Quảng Nam lại phản đối việc đưa nội dung phòng, chống tài trợ khủng bố vào dự án luật này. Vì trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII sẽ có dự án Luật phòng, chống khủng bố. Dự án Luật phòng, chống khủng bố sẽ điều chỉnh toàn bộ nội dung phòng, chống tài trợ cho khủng bố. Do đó trong dự án Luật phòng, chống rửa tiền chỉ quy định về phòng, chống rửa tiền và chỉ cần nêu một điều là hành vi tài trợ cho khủng bố do Luật phòng, chống khủng bố điều chỉnh là đủ.


Đại biểu Nguyễn Sơn - TP Hà Nội cũng cho rằng, hành vi tài trợ khủng bố chính là hành vi khủng bố do đó, nên đưa về Luật phòng, chống khủng bố điều chỉnh. Còn trong Luật phòng, chống rửa tiền, có thể có điều luật qui định hành vi tài trợ khủng bố thì sẽ được xử lý theo Luật phòng, chống khủng bố.

Đại biểu Nguyễn Văn Luật - Kiên Giang cũng đề nghị, Quốc hội nên cân nhắc không đưa phạm vi là tài trợ khủng bố vào trong dự thảo luật. Theo đại biểu Luật, hiện nay trong Bộ luật hình sự đã có quy định về tội tài trợ khủng bố, người nào huy động tài trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố thì bị xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, thực tiễn có những giao dịch là tài trợ khủng bố thông qua ngân hàng và tổ chức tín dụng, do đó dự thảo luật chỉ nên điều chỉnh khoanh lại ở phạm vi đó, còn những phạm vi nào tài trợ khủng bố nằm ngoài giao dịch thông qua ngân hàng, tổ chức tín dụng thì được quy định trong dự án luật về phòng, chống khủng bố.

“Như vậy, dự thảo lần này không phải hoàn toàn tách rời với dự thảo luật phòng, chống khủng bố mà vẫn có những điều, khoản liên quan đến việc tài trợ thông qua giao dịch ngân hàng, tổ chức tín dụng… được áp dụng các quy định của luật này để phát hiện, ngăn ngừa, phòng, chống và có cơ sở để xử lý, đảm bảo tính thống nhất liên quan trong hệ thống pháp luật”, đại biểu Luật phân tích.

Không nên giao cho Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm chính về phòng, chống rửa tiền

Một nội dung khác được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc phòng, chống rửa tiền.

Theo đại biểu Đỗ Văn Đương - TP Hồ Chí Minh, không nên giao cho Ngân hàng nhà nước làm đầu mối, bởi rửa tiền là một tội phạm hình sự, tiếp nối cho các tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, lừa đảo, cướp của, tham ô, tham nhũng... Do đó, nên giao cho các cơ quan bảo vệ pháp luật để thực thi việc chống tội phạm này còn Ngân hàng nhà nước chỉ tham gia phối hợp.

“Thực tế phòng, chống rửa tiền 6, 7 năm qua có phát hiện vụ nào đâu, trong khi đó, cơ quan công an, cơ quan thực thi pháp luật phát hiện tới hàng trăm vụ tiền giả… Cho nên, theo tôi cần thiết phải giao cho Bộ Công an là đơn vị phòng, chống tham nhũng kết hợp với đấu tranh phòng, chống rửa tiền, kết hợp với đấu tranh chống các tội phạm kinh tế khác”, đại biểu Đương đề xuất.

Hướng giao trách nhiệm chính cho ngân hàng cũng bị đại biểu Dương Trung Quốc - Đồng Nai phản đối. Theo đại biểu Quốc, cơ quan thực thi nhiệm vụ này phải nằm ngoài ngân hàng và giám sát ngay chính ngân hàng. Vì không hiếm nơi trên thế giới, những ngân hàng được dựng lên chủ yếu để rửa tiền, mà nhất là thành phần ngân hàng rất phức tạp, ngoài Ngân hàng Nhà nước ra, còn rất nhiều thành phần khác, họ sẽ biến đó thành một ưu thế để cạnh tranh đối với khách hàng của mình và việc này lại mở ra một kênh để kẻ xấu có thể rửa tiền ngay chính qua kênh ngân hàng nhằm thu lợi nhuận phi pháp.

“Nếu ngân hàng lại chính là cơ quan điều chỉnh pháp luật này thì rõ ràng là không phải chỉ "vừa đá bóng, vừa thổi còi" mà bản thân chính chúng ta giao cho họ một con dao hai lưỡi cho nên chính ngân hàng phải là một đối tượng chúng ta phải giám sát chặt”, đại biểu Quốc nói.

Các đại biểu Bùi Văn Phương (Bùi Việt Phương) - Ninh Bình, Lương Văn Thành - TP Hải Phòng, Trần Hồng Hà - Vĩnh Phúc… cũng cho rằng, việc dự thảo luật giao cơ quan phòng, chống rửa tiền trực thuộc ngân hàng nhà nước và là đầu mối thu thập, chuyển giao thông tin liên quan đến rửa tiền chưa thật hợp lý. Các đại biểu này chung đề nghị, cơ quan phòng, chống rửa tiền nên là cơ quan trực thuộc Bộ Công an bởi vì khái niệm rửa tiền không chỉ liên quan đến các hoạt động của ngân hàng mà còn liên quan đến rất nhiều lĩnh vực khác.

“Chúng tôi thấy ở các cơ quan khác theo góc độ hoạt động chuyên môn của mình cũng chỉ phát hiện những dấu hiệu có tội về vi phạm rửa tiền, phát hiện dấu hiệu thông qua giao dịch đáng ngờ, bây giờ có tội hay không có tội thì phải tiến hành điều tra. Như vậy tất cả các cơ quan khác khi tiến hành nghiệp vụ chuyên môn liên quan đến giao dịch mà phát hiện được giao dịch đáng ngờ thì đó chỉ là cơ quan cung cấp bước đầu về mặt hiện tượng. Còn điều tra xem nó có tội không, nguồn tiền, tài sản đó có phải phạm tội mà có không thì phải là cơ quan điều tra, vì vậy tôi nghĩ rằng để cơ quan phòng, chống rửa tiền trực thuộc Bộ Công an thì hợp lý hơn”, đại biểu Phương nói.

Ở một góc nhìn khác, đại biểu Trương Trọng Nghĩa - TP Hồ Chí Minh lại đề nghị, không thể giao hẳn cho ngân hàng mà cũng không thể thiếu công an, thậm chí cũng không thể thiếu ngành ngoại giao.

“Nên chăng là một cơ quan đặc biệt, gồm các chuyên gia của những ngành vừa nêu trên và trực thuộc Chính phủ. Như vậy vì có những quyết định cấp Chính phủ như đồng chí Phó Thủ tướng phụ trách chẳng hạn thì có thể ra ngay những quyết định, còn giao cho ngân hàng, giao cho Bộ thì đôi khi phải xin phép”, đại biểu Nghĩa đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống rửa tiền: Không nên giao "đầu mối" cho Ngân hàng Nhà nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.