Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các khoản “tự nguyện” có bị lạm thu?

Văn Ngọc Thủy| 29/08/2011 07:10

(HNM) - Năm học 2011- 2012, các trường học ở Hà Nội vẫn áp dụng mức học phí như năm học trước và không được thu của học sinh bốn khoản tiền: bảo vệ, trông xe, an ninh và vệ sinh.

Thông tin này khiến nhiều phụ huynh học sinh (PHHS) phấn khởi, vì giảm được một phần đáng kể trong gánh nặng chi phí đầu năm học. Tuy nhiên, không ít phụ huynh vẫn băn khoăn liệu giảm bốn khoản thu nêu trên, các khoản đóng góp "tự nguyện" khác có tăng? Báo Hànộimới xin trích đăng một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

Bà Trần Thị Vân Anh (Hiệu phó Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín):
Việc thu các khoản tự nguyện phải làm chặt chẽ

Từ nhiều năm nay, việc thu các khoản "mềm" ngoài quy định ở trường chúng tôi làm khá chặt chẽ. Sau khi họp đại diện ban PHHS các lớp, khối lớp với ban giám hiệu, lập biên bản thống nhất nội dung về lý do, mục đích sử dụng, hạn mức các khoản thu, chúng tôi làm văn bản thông qua bộ phận chức năng của UBND xã; nếu được chấp thuận mới thu tiền, chứ không thu tùy tiện. Do đặc thù trường học ở vùng nông thôn, nhiều gia đình học sinh còn khó khăn, nên việc đóng góp phải dựa vào mức sống trung bình của người dân trong vùng. Việc thu tiền cũng được tổ chức làm nhiều lần, không thu ngay ở đầu năm học mới để đỡ gánh nặng cho PHHS.

Các khoản đóng góp ngoài quy định cần được giám sát chặt chẽ. Ảnh: Bảo Lâm

Ông Phạm Hoàng Tân (phường Phúc Xá, quận Ba Đình):
Thu tự nguyện còn lớn hơn thu theo quy định

Vẫn biết rằng, định mức ngân sách chi cho mỗi học sinh có tăng, nhưng với mức học phí thấp như hiện nay thì chi phí thực tế đòi hỏi định mức phải cao hơn nữa mới bảo đảm. Vì vậy, hầu hết các trường vẫn phải thu một số khoản theo thỏa thuận như tiền ăn, tiền chăm sóc buổi trưa, tiền học ngày thứ bảy, tiền phô tô tài liệu, tiền quỹ lớp... Đấy là các khoản tiền thu thường xuyên, có mục đích rõ ràng là phục vụ nhu cầu ăn, nghỉ, học hành hằng ngày của các cháu. Nhưng có những khoản thu phục vụ nhu cầu "đột xuất" như tiền mua máy điều hòa nhiệt độ, máy chiếu, mua máy đun nước uống, mua cây cảnh trang trí sân trường, ghế đá, bàn thể thao, thậm chí xây tượng đài... Và trên thực tế, những khoản tiền này thường lớn hơn rất nhiều so với các khoản đóng góp theo quy định. Đối với những gia đình khá giả, đóng góp thêm vài trăm hay một triệu đồng không phải vấn đề lớn, nhưng với những gia đình có mức sống trung bình hoặc nghèo, thì việc thu xếp đóng các khoản tự nguyện đó không dễ. Theo tôi, Sở Giáo dục - Đào tạo cần kiểm tra chặt chẽ việc thu chi của các trường, nhất là các trường nội thành, tránh tình trạng các khoản thu phụ nhiều hơn khoản thu chính.

Bà Ngô Phương Dung (phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm):
Cần có mức trần cho các khoản thu tự nguyện

Theo quy định của Sở Giáo dục - Đào tạo, các khoản thu tự nguyện phải có sự nhất trí của cha mẹ học sinh. Nếu trong lớp có 4-5 ý kiến không đồng ý, thì nhà trường không được thu. Thế nhưng, đây thực sự là một vấn đề tế nhị đối với PHHS. Trên thực tế, dù không đồng tình nhưng rất ít phụ huynh dám phản đối công khai, vì con mình vẫn học ở đó. Chính vì thế, mang tiếng là tự nguyện nhưng rõ ràng tính bắt buộc là rất lớn. Bên cạnh đó, cũng không loại trừ trường hợp đại diện ban PHHS có kinh tế khá giả, muốn tranh thủ tình cảm của giáo viên chủ nhiệm và nhà trường để cầu lợi cho con mình, đã chủ động đưa ra các khoản đóng góp vô lý. Các bậc phụ huynh khác ngại va chạm nên vẫn đồng tình. Do vậy, việc cơ quan quản lý giáo dục đưa ra một mức trần cho các khoản đóng góp tự nguyện là rất cần thiết.

Ông Nguyễn Đình Trung (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân):
Phải tăng ngân sách đào tạo hoặc điều chỉnh mức thu học phí

Hiện mức học phí và các khoản thu theo quy định của Nhà nước đã quá cũ và không theo kịp với giá cả thị trường. Nếu các nhà trường chỉ trông chờ vào khoản thu này để hoạt động, thì vô cùng khó khăn. Chỉ riêng việc "liệu cơm gắp mắm", xoay xở phục vụ công tác dạy và học theo chương trình mới đã khó, chưa nói đến các hoạt động ngoại khóa hay nâng cao. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc phát sinh các khoản thu hợp lý, nhưng chưa hợp quy định. Để giải quyết tình trạng này, Nhà nước nên tăng ngân sách cho công tác giáo dục - đào tạo hoặc điều chỉnh mức thu học phí. Nếu không có giải pháp vĩ mô như vậy, việc lạm thu các khoản tự nguyện vẫn tiếp tục là "cái phao" cho các nhà trường duy trì hoạt động, nhất là trong tình cảnh lạm phát như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các khoản “tự nguyện” có bị lạm thu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.