Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện khó tin về một chủ nhiệm HTX vùng cao

TRONGQUANG| 10/08/2007 16:31

(HNMĐT) - Tính cách mạnh mẽ, xài internet, máy ảnh số thành thạo, nói tốt tiếng Nga, lái ô tô băng băng, nhưng ngày đêm vẫn

Chủ nhiệm HTX Mai Đức Thịnh (áo trắng) trên ruộng trình diễn giống đậu quả mới, năng suất cao của HTX 19-5 

(HNMĐT) - Tính cách mạnh mẽ, sài internet, máy ảnh số thành thạo, nói tốt tiếng Nga, lái ô tô băng băng, nhưng ngày đêm vẫn "lăn như bi" dưới ruộng, vườn cùng nông dân... - Đó là hình ảnh của một chủ nhiệm HTX,mà ít ai có thể ngờ rằng, anh đã và đang ngày đêm quyết tâm làm giàu cho vùng đồi núi Mộc Châu (cách xa Hà Nội gần 200 km).

Con người năng động và tài ba đó là Mai Đức Thịnh, chủ nhiệm HTX Dịch vụ và phát triển nông nghiệp 19-5 (HTX 19-5) ở thị trấn Nông Trường, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Quê gốc Nam Định, nhưng Mai Đức Thịnh sinh ra và lớn lên ở Nông trường Mộc Châu, nơi trước kia cha anh, ông Mai Văn Thợn, đã từng một thời lăn lộn, tâm huyết gắn bó với nghề trồng chè. Năm 1974, khi mới 7 tuổi Thịnh đã sớm mồ côi mẹ nên anh đã sớm biết thế nào là nghèo khổ với vị mặn của mồ hôi. Tốt nghiệp phổ thông, Thịnh được gia đình cho đi xuất khẩu lao động bên Nga, nhưng gần chục năm làm thuê "nơi đất khách quê người" cũng không mang lại cho anh sự giàu có. Phẫn chí, anh quyết tâm trở về nước tìm cách làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Sẵn có nền tảng là Hội làm vườn của Thị trấn Nông Trường Mộc Châu (do bố anh xây dựng từ năm 1991), tháng 3 năm 2000 Thịnh đã huy động vốn của anh em bè bạn, họ hàng được hơn 50 triệu đồng đầu tư xây dựng HTX 19-5 phát triển kinh tế tập thể theo chính sách mở của Nhà nước. Lấy ngày sinh của Bác Hồ làm tên HTX, Thịnh thầm mong luôn có sự động viên của Bác bên mình, giúp anh vượt khó khăn.

Giống Thanh Long được HTX 19-5 đưa từ Đà Lạt ra trồng rất hợp trên đất Mộc Châu

Ngay từ ngày đầu mới thành lập HTX Thịnh đã chọn con đường đi cho mình là chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tới người nông dân: Từ lợi thế đất đai, khí hậu ôn hòa của Mộc Châu Mai Đức Thịnh đã biết kết hợp với các nhà khoa học trong nước đưa những giống ngô, lúa, rau, quả năng suất cao tới những vùng sâu, vùng xa cho bà con dân tộc người Dao, Thái, H' Mông kèm theo quy trình chăm sóc, vật tư, phân bón, thuốc BVTV... Những cuộc hội thảo đầu bờ, mô hình trình diễn giống và các biện pháp thâm canh mới của HTX đã thuyết phục được bà con. Chẳng bao lâu, đa số các hộ quanh vùng đều đã nhận giống, vật tư của HTX để thâm canh theo hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ HTX. Sau thu hoạch, bà con lại bán nông sản cho HTX theo giá thị trường, thu lại lợi nhuận sau khi trừ đi tiền giống và vật tư mà HTX đã ứng trước cho họ. Bằng phương thức đó cả HTX lẫn người sản xuất đều có lợi, nhưng điều đáng nói hơn là hiệu quả KT - XH mà HTX 19-5 mang lại cho địa phương: Nhiều năm nay năng suất ngô của bà con đã tăng từ 2-3 tấn lên 8 tấn/ha, góp phần đưa sản lượng ngô hàng năm của Mộc Châu lên hơn 50 vạn tấn, giải quyết việc làm có thu nhập cho hàng ngàn lao động miền núi.

Năm 2001 Thịnh về Hà Nội nghiên cứu thị trường và được biết, các khách sạn, nhà hàng Hà Nội vẫn thiếu rau sạch, trong khi HTX 19- 5 hoàn tòan có đủ điều kiện sản xuất rau sạch tại Mộc Châu. Chưa nắm được hết quy trình kỹ thuật trồng rau an toàn của Hà Nội, Thịnh đã tìm mọi cách làm quen và đưa được một số nông dân, "chuyên gia" làm rau sạch ở Vân Nội (Đông Anh) lên Mộc Châu hợp tác với mình. Bằng mọi quyết tâm và nỗ lực, chỉ sau chưa đầy 1 năm những vùng rau sạch (trồng trong nhà lưới) đã được hình thành ở Mộc Châu. Không ít bà con dân tộc đã đăng ký được trồng rau an toàn theo quy trình của HTX, mong đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn trên mảnh đất của mình. Những chuyến xe tải ùn ùn chở rau, củ, quả sạch từ Mộc Châu về Hà Nội (đặc biệt là rau trái vụ) đã mang lại nguồn lợi kinh tế không nhỏ cho HTX 19-5, cũng như niềm vui bất tận cho người nông dân vùng cao Mộc Châu. Từ hơn 50 triệu đồng vốn với cơ sở vật chất nghèo nàn ban đầu đến nay HTX 19-5 đã có tổng trị giá tài sản lên tới cả chục tỷ với hệ thống nhà xưởng, máy móc và mấy chiếc ô tô! Một con số mà đến ngay cả chủ nhiệm HTX Mai Đức Thịnh cũng không ngờ tới...

Giống ngô năng suất cao của HTX 19-5 đã đem lại niềm vui được mùa cho bà con dân tộc ở Mộc Châu (Sơn La)

Mùa xuân, cây Mận hậu (thế mạnh kinh tế của nông dân vùng cao Mộc Châu) đâm hoa kết trái trĩu cành, cho hàng chục ngàn tấn quả thơm ngon vào tháng 4, tháng 5. Tuy vậy, quả ra càng nhiều bà con dân tộc lại càng lo vì mận nhiều, bán rẻ như cho (có lúc chỉ được 300 đ/kg) khiến người trồng cây chán nản. Băn khoăn với những lo lắng của người dân, Thịnh đã từng liên hệ với Cty Rượu bia - Nước giải khát Hà Nội tìm cách chế biến quả mận, giải quyết đầu ra cho sản phẩm của bà con, nhưng không thành. Rất may, năm 2004, nhờ Hội làm vườn Việt Nam đưa tổ chức ASODA (Pháp) lên nghiên cứu giúp Mộc Châu công nghệ chế biến rượu mận thông qua HTX 19-5, mở ra một tương lai mới cho cây Mận hậu ở vùng cao. Năm 2006, được sự khuyến khích, ủng hộ của lãnh đạo huyện Mộc châu, tỉnh Sơn La, cùng với các chuyên gia Pháp, Thịnh đã mạnh dạn đầu tư gần 4 tỷ đồng để xây dựng xưởngchế biến rượu, mỗi năm tiêu thụ hàng ngàn tấn quả nguyên liệu trong vùng. Với công nghệ chế biến và máy móc của Pháp, rượu mận Mộc Châu của HTX 19-5 đã bước đầu chiếm được thị trường Sơn La và các tỉnh lân cận, được Cục Sáng chế xác nhận chất lượng độc quyền năm 2006, và được Bộ Y tế tặng Huy chương Vàng về chất lượng VSATTP tại Hội chợ triển lãm nông nghiệp tháng 11/2006. Bản thân Mai Đức Thịnh đã được tặng bằng khen làm kinh tế giỏi 5 năm liên tục (2001 - 2006) của UBND tỉnh Sơn La, bằng khen của Liên minh HTX Việt Nam và của Bộ NN - PTNT về thành tích xuất sắc trong công tác phát triển nông nghiệp, xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn vùng núi.

Mai Đức Thịnh bên nhà máy chế biện rượu mận, được các chuyên gia Pháp hỗ trợ kỹ thuật

- Anh Thịnh là người rất quyết liệt, dám hy sinh lợi ích cá nhân vì HTX, vì bà con nông dân. Có những hôm đã hơn 9 giờ tối mà anh Thịnh còn lái xe đưa tôi xuống Suối Lìn để phổ biến kỹ thuật, "cầm tay chỉ việc" cho bà con dân tộc biết làm ăn nên được nhiều người yêu mến. Vì vậy chúng tôi toàn tâm, toàn ý hợp tác với anh Thịnh không kể vất vả, - Trần Văn Thi, một nông dân giỏi của vùng rau Vân Nội (Đông Anh, Hà Nội) bộc bạch. Nếu so với Trung tâm khuyến nông Hà Nội (nơi mỗi năm Tp Hà Nội phải đầu tư tiền tỷ cho quỹ khuyến nông - PV) thì mô hình khuyến nông của HTX 19-5 của Mộc Châu (phải tự hạch toán, không hề được hỗ trợ về tiền) lại thiết thực, có ích và hiệu quả hơn rất nhiều! Mong rằng ở Hà Nội cũng có những HTX như 19-5 và một người chủ nhiệm đam mê công việc như anh Mai Đức Thịnh...

Nhìn người chủ nhiệm trẻ vừa đánh xe tải chở rau về, mặt còn lấm tấm mồ hôi đã ngồi ngay vào chiếc máy vi tính chăm chú check mail qua mạng internet, tôi vừa cảm phục, vừa thấy tự hào về thế hệ trẻ Mộc Châu. Tương lai của Đất nước và vùng cao chắc sẽ phải trông vào những thanh niên dám nghĩ dám làm như vậy!

Bài và ảnh: Quang Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện khó tin về một chủ nhiệm HTX vùng cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.