Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng… bao giờ mới khai thông?

H.A| 25/08/2011 11:15

(HNMO) - Đã nhiều năm nay, khách hàng thực hiện chuyển tiền cho nhau khác hệ thống ngân hàng không bao giờ biết chắc chắn thời điểm tiền về tài khoản. Một dịch vụ tưởng như đơn giản, phổ biến trên thế giới lại không đơn giản với nhiều khách hàng tại Việt Nam…


Ngân hàng khó nói


Ngân hàng là những đơn vị trực tiếp cung ứng dịch vụ chuyển tiền cho khách hàng nhưng lại không thể cam kết chính xác khi nào thì tiền về đến tay người nhận (khác hệ thống ngân hàng) mặc dù đã thu phí chuyển tiền không thấp. Khách hàng khi ra quầy tại một ngân hàng A để chuyển tiền cho một người nhận tại ngân hàng B thường chỉ nhận được một câu thông báo chung chung của các giao dịch viên “chuyển tiền nội tỉnh khoảng 1 – 2 ngày, liên tỉnh 3 – 5 ngày” trong khi vì câu trả lời chung chung đó khách hàng đã bị lỡ mất công việc, lỡ cả cơ hội làm ăn và kéo theo nhiều hệ quả khác...

Để thu hút khách hàng đến với mình, nhiều ngân hàng đã đưa ra những chính sách dịch vụ chuyển tiền rất rõ ràng với khách hàng nhưng khi người nhận quá hạn mà vẫn chưa thấy tiền về, họ đến khiếu nại thì các ngân hàng lại xin lỗi khách hàng với những lý do rất chung chung “do hệ thống lỗi”, “thông tin không chính xác nên tiền lại trả về cho người gửi” hay như “tiền đã về nhưng hôm sau mới báo có cho anh được” hay…rất nhiều lý do khác nhau.

Nhìn thấy nhu cầu chuyển tiền liên ngân hàng rất lớn, nhiều ngân hàng lớn đã nghĩ đến phương án kết nối song phương, cho phép khách hàng trong hệ thống hai ngân hàng có thể chuyển tiền qua lại và nhận tiền ngay trong ngày. Tuy nhiên phương án này cũng không khả thi vì nhu cầu chuyển tiền từ một ngân hàng đến nhiều ngân hàng khác nhau là rất lớn, các ngân hàng không thể đủ nguồn lực để triển khai kết nối từng ngân hàng một với nhau được, các ngân hàng nhỏ sẽ khó có thể đua theo các ngân hàng lớn để triển khai kết nối như vậy.



Thế giới họ làm gì?

Tại Việt Nam, để thực hiện một giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng, khách hàng sẽ phải đến quầy giao dịch của ngân hàng, ngồi chờ đến lượt, làm thủ tục chuyển tiền bằng cách khai báo rất nhiều thông tin vào một tờ khai theo mẫu sẵn có. Điều này vô hình chung sẽ bất tiện cho khách hàng vì thời gian giao dịch là giờ hành chính, khách hàng sẽ phải bỏ công bỏ việc, ngoài ra việc điền tờ khai không phải là một công việc “đơn giản” với mọi khách hàng. Đặc biệt, với việc chuyển khoản tiền nhỏ chừng 1 vài trăm ngàn hay 1 vài triệu với thủ tục phức tạp thì quả thật bất tiện.

Hơn thế, việc thực hiện giao dịch chuyển tiền tại quầy sẽ tạo thêm áp lực về khối lượng công việc mà một giao dịch viên tại quầy của ngân hàng phải làm. Vô hình chung điều đó đã tăng thêm chi phí quản lý, chi phí trả lương nhân viên quầy giao dịch.

Nhìn rộng ra các nước trên thế giới, dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng đã được triển khai cách đây nhiều năm và hoàn toàn online. Người chuyển tiền không phải đến quầy, họ có thể ngồi nhà giao dịch trên hệ thống internet banking, mobile banking của ngân hàng hoặc ra ATM để giao dịch chuyển tiền. Điều quan trọng là họ có thể giao dịch bất cứ lúc nào họ cần dù ngày hay đêm, giờ hành chính hay ngoài giờ. Thực tế ở các nước châu Âu thuộc khối EU, việc chuyển tiền hay thanh toán hoá đơn ở đây rất đơn giản, tiện lợi và hoàn toàn thông qua ngân hàng. Không những vậy, các giao dịch chuyển tiền giữa các ngân hàng thuộc khối EU còn có mức phí rất thấp hoặc miễn phí, tuỳ vào gói dịch vụ khách hàng đăng ký. Nếu khách hàng đến quầy để giao dịch, thậm chí sẽ còn bị thu phí rất cao vì các ngân hàng châu Âu không khuyến khích điều này. Họ cho rằng việc khách hàng giao dịch tại quầy nhiều sẽ khiến ngân hàng phải mở thêm nhiều chi nhánh, phòng giao dịch hơn, chi phí đào tạo, quản lý và thuê nhân công sẽ tăng lên trong khi các giao dịch này hoàn toàn có thể thực hiện và quản lý online.

Tương lai của chuyển tiền liên ngân hàng...

Theo số liệu khảo sát của Công ty Cổ phần dịch vụ Thẻ Smartlink (Smartlink) cho thấy khách hàng hiện nay có nhu cầu cao về hình thức giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng: số lượng giao dịch trung bình là 1 triệu giao dịch/tháng tương đương tổng giá trị giao dịch là 60 nghìn tỷ đồng/tháng. Khảo sát trực tiếp người dùng còn cho biết gần 80% khách hàng thường xuyên có nhu cầu chuyển tiền, trong đó một nửa có nhu cầu chuyển tiền giữa các ngân hàng khác nhau. Giao dịch chuyển tiền nhỏ với mức trung bình từ 1-5 triệu đồng chiếm 70% số khách hàng có nhu cầu chuyển tiền. Đặc biệt 90% khách hàng mong muốn sử dụng ATM và Internet làm kênh chuyển tiền chính, trong đó Internet chiếm đa số phiếu chọn của khách hàng bởi sự thuận tiện và đa năng.

Toàn thị trường Việt Nam hiện nay đã có khoảng gần 12.000 máy ATM, hơn 20 ngân hàng triển khai Internet banking, gần 8 ngân hàng triển khai Mobile banking ở các mức độ khác nhau để phục vụ cho hơn 30 triệu chủ thẻ. Tuy nhiên các kênh giao dịch này hiện nay đa phần mới chỉ dừng lại ở chỗ cho khách hàng thực hiện các giao dịch chuyển khoản nội bộ trong cùng một hệ thống ngân hàng, còn giao dịch chuyển khoản khác hệ thống thì khách hàng sẽ phải ra quầy thực hiện.

Thiết nghĩ nhu cầu thị trường đã có, các kênh triển khai cũng đã sẵn sàng, điều quan trọng là làm sao để các ngân hàng có thể kết nối được với nhau, phối hợp với các công ty chuyển mạch giúp cho việc chuyển tiền của khách hàng trở nên dễ dàng, và thuận tiện hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng… bao giờ mới khai thông?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.