Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nợ đọng thuế gần 30.000 tỷ đồng

Hương Ly| 31/08/2011 07:02

(HNM) - Quản lý chặt chẽ hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) là một trong những đòi hỏi bức thiết nhằm bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động tài chính quốc gia.


Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm siết chặt hoạt động thu, chi NSNN, song nhiều sai phạm vẫn xảy ra. Báo cáo kết quả kiểm toán năm 2010 do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) thực hiện đã chỉ ra nhiều sai sót trong việc quyết toán thu, chi cân đối NSNN năm 2009. Đặc biệt, trong đó số tiền nợ đọng thuế hiện lên tới 29.325 tỷ đồng; việc giải quyết dứt điểm số tiền nợ đọng thuế của các DN đang gặp nhiều khó khăn cần nhanh chóng tháo gỡ… Đây là một trong những nội dung được KTNN công bố tại cuộc họp báo về kết quả kiểm toán năm 2010, tổ chức ngày 30-8 tại Hà Nội.

Hoạt động của Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện ra nhiều doanh nghiệp kê khai, hạch toán thuế sai quy định. Ảnh: Phạm Hậu


Nợ đọng thuế - Một trong những vấn đề nóng

Theo báo cáo của KTNN, năm 2009, công tác lập và giao dự toán thu NSNN cơ bản thực hiện đúng quy định của Luật NSNN. Tuy nhiên, qua kiểm toán tại 16 bộ, cơ quan TƯ; 32 tỉnh, TP; 28 tập đoàn, tổng công ty và các tổ chức tài chính ngân hàng… KTNN đã chỉ ra nhiều sai phạm trong hoạt động quyết toán thu, chi cân đối NSNN. Tại lĩnh vực thu NSNN, qua kiểm toán việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách của 78 doanh nghiệp (DN) nhà nước và kiểm tra hồ sơ kê khai thuế của 601 đối tượng nộp thuế tại 32 địa phương, KTNN đã phát hiện nhiều DN kê khai, hạch toán thuế sai quy định và xác định các khoản phải nộp NSNN tăng thêm 1.151,6 tỷ đồng. Kiểm toán tại 28 tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng thương mại nhà nước, đã kiến nghị các khoản phải nộp tăng 1.170,4 tỷ đồng.

Số thuế nợ đọng do các ngành chức năng quản lý cũng là một trong những vấn đề "nóng" được chỉ rõ. Báo cáo cho thấy, tổng số thuế nợ đọng do Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan (TCHQ) quản lý tính đến ngày 31-12-2009 đã lên tới 29.325 tỷ đồng. Trong đó, nợ thuế do ngành thuế quản lý là 23.947 tỷ đồng, nợ thuế do ngành hải quan quản lý là 5.378 tỷ đồng. Đặc biệt, số nợ khó thu do ngành thuế quản lý đã tăng 14% (tương đương 331 tỷ đồng) so với năm 2008. Số nợ đọng thuế và tiền sử dụng đất do KTNN xác định đã tăng thêm 650,2 tỷ đồng so với báo cáo trước khi kiểm toán. Số nợ thuế xuất nhập khẩu (XNK) do TCHQ quản lý tuy ít hơn số thuế nội địa còn nợ đọng, song tính đến cuối năm 2009 đã lên tới 5.378 tỷ đồng, tăng 29,6%. Trong đó, các khoản nợ thuế XNK do DN chây ỳ tăng 20,4%; nợ do DN mất tích, bỏ trốn tăng 13,6%...

Trong lĩnh vực chi NSNN cũng có nhiều khoản chi không đúng chế độ, định mức hoặc kê khai thuế thiếu chính xác, làm giảm thu NSNN. Qua kiểm toán 224 đơn vị thuộc 32 địa phương; 209 đơn vị thuộc 15 bộ, ngành và 10 tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp, đã xác định các khoản thuế, phí phải nộp NSNN tăng thêm 144,6 tỷ đồng…

Lúng túng trong việc xử lý dứt điểm nợ đọng thuế

Thu hồi và xử lý dứt điểm gần 30.000 tỷ đồng tiền nợ thuế tồn đọng (tính đến thời điểm ngày 31-12-2009) không chỉ là vấn đề "nóng" của ngành tài chính mà còn là một trong những yêu cầu bức thiết nhằm hạn chế tình trạng thất thu một khoản tiền lớn lẽ ra phải nộp vào NSNN. Theo đánh giá của KTNN, tình trạng nợ đọng thuế tăng mạnh thời gian qua là do Luật Thuế XNK cho phép DN được nợ thuế, nhưng không ràng buộc điều kiện. Điều này khiến các ngành chức năng chưa có cơ sở pháp lý để thu hồi các khoản nợ của DN tự ngừng hoạt động hoặc bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh. Thêm vào đó, Luật DN hiện hành quy định điều kiện thành lập DN mới khá thông thoáng, đã tạo ra nhiều kẽ hở khiến cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn khi thu hồi nợ đọng thuế.

Trả lời câu hỏi của PV Báo Hànộimới về thực trạng nợ đọng thuế và những kiến nghị nhằm xử lý dứt điểm, Phó Tổng KTNN Lê Minh Khái cho biết, mặc dù hai cơ quan trực tiếp quản lý nguồn thu thuế nội địa và XNK là Tổng cục Thuế và TCHQ đã rất tích cực thu hồi, song thực tế cho thấy, cả hai cơ quan này đã gặp không ít khó khăn về cơ chế, chính sách khiến họ lúng túng trong việc xử lý dứt điểm nợ đọng. Nguyên nhân số nợ đọng tăng mạnh hằng năm trước tiên là do trách nhiệm của người nộp thuế. Nhiều DN đã lợi dụng chính sách ân hạn thuế để chây ỳ, chậm nộp, thậm chí bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh… dẫn đến số nợ đọng tăng cao. KTNN đã kiến nghị các khoản nợ đọng thuế tăng thêm so với báo cáo trước khi kiểm toán là 697,7 tỷ đồng; trong đó, tiền thuế là 74 tỷ đồng, tiền sử dụng đất 576,2 tỷ đồng, thu khác 47,5 tỷ đồng.

Trao đổi với PV Báo Hànộimới về phương án giải quyết nợ đọng thuế XNK, đại diện TCHQ cho biết, những khoản còn tồn đọng chủ yếu là nợ phát sinh từ trước khi thực hiện Luật Thuế XNK hiện hành (có hiệu lực từ năm 1987). Để xử lý, TCHQ đã phân loại, yêu cầu hải quan các địa phương tìm chủ nợ kiên quyết thu hồi. Với DN cố tình nợ kéo dài, TCHQ đã phối hợp với địa phương cưỡng chế thi hành. Những khoản nợ phát sinh đã lâu, khó có khả năng thu hồi do DN giải thể, phá sản, TCHQ trình Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét. Mới đây, TCHQ đã trình Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét cho sửa Luật Quản lý thuế theo hướng: trừ những trường hợp có bảo lãnh được áp dụng thời hạn nộp thuế 30 ngày, DN phải nộp thuế trước khi nhận hàng, vì theo quy định hiện nay, chỉ hàng tiêu dùng và hàng phi mậu dịch DN mới phải nộp thuế trước. Theo kiến nghị của TCHQ, cùng với nỗ lực của ngành chức năng, cần có chế tài xử phạt nghiêm và siết chặt việc cấp phép thành lập DN. Như vậy mới có thể hạn chế tình trạng thành lập DN "ma" để trốn thuế.

Tại Nghị quyết 11/NQ-CP về các biện pháp chống lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, một trong những giải pháp được Chính phủ chỉ đạo thực hiện là giảm nợ đọng thuế, chống thất thu NSNN. Theo các chuyên gia kinh tế, để giải quyết dứt điểm số nợ khổng lồ hiện nay, bên cạnh việc nỗ lực thu hồi nợ đọng, cần sớm ban hành những văn bản pháp lý đủ mạnh nhằm siết chặt hoạt động thu NSNN. Việc này sẽ giúp ngành tài chính xử lý dứt điểm số nợ đọng thuế từ nhiều năm nay, đồng thời quản lý hiệu quả các khoản nợ thuế mới phát sinh.

Theo báo cáo của KTNN, trong năm 2009, có 31/32 tỉnh, TP được kiểm toán chi thường xuyên vượt dự toán được HĐND giao từ đầu năm. Trong đó, 9/32 tỉnh, TP có mức chi vượt dự toán 30%; 19/32 tỉnh, TP chi quản lý hành chính vượt trên 30%. Việc sử dụng nguồn tăng thu mua ô tô cho các đơn vị tại địa phương và quản lý tài sản thiếu chặt chẽ đã để xảy ra nhiều sai phạm, gây lãng phí. KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 17.095,1 tỷ đồng, trong đó, tăng thu NSNN 4.904,4 tỷ đồng, giảm chi 2.462,7 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nợ đọng thuế gần 30.000 tỷ đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.